Các Hoàng đế khi qua đời thường được chôn cùng rất nhiều ngọc ngà châu báu. Chính bởi vậy, các lăng mộ này thường là nơi giới trộm mộ đặc biệt lưu vào tầm ngắm. Tuy nhiên, có những lăng mộ của các bậc vua chúa khiến giới mộ tặc phải kinh hãi không dám bén mảng vì những giai thoại, lời nguyền.
Tống Thái Tổ (927 – 976) tên thật là Triệu Khuông Dẫn, tự Nguyên Lãng, là vị Hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Tống trong lịch sử Trung Quốc. Ông tại vị ngôi Hoàng đế 17 năm thì qua đời khi ở tuổi 50.
Không giống các Hoàng đế khác trong lịch sử Trung Hoa, Tống Thái Tổ khi còn sống lại không hề xây lăng mộ cho chính mình. Mãi đến khi ông qua đời, lăng Vĩnh Xương mới bắt đầu được khởi công xây dựng nên linh cữu của Tống Thái Tổ sau 7 tháng đặt trong cung Vạn Tuế mới được đưa đi an táng.
|
Không giống các Hoàng đế khác trong lịch sử Trung Hoa, Tống Thái Tổ khi còn sống lại không hề xây lăng mộ cho chính mình. Ảnh minh hoạ. |
Lăng Vĩnh Xương cũng đặc biệt không hề giống các lăng mộ của những vị Hoàng đế khác. Xung quanh lăng không hề có tường rào bao quanh bảo vệ mà chỉ trồng tùng bách và cây cỏ.
Về tổng thể, Vĩnh Xương là quần thể lăng mộ của tám vị Hoàng đế nhà Bắc Tống với diện tích lên tới 4000 mẫu. Lăng mộ này cũng chỉ dành để chôn cất Hoàng đế, không hợp táng chung với các hoàng hậu, phi tần như nhiều lăng mộ của các vị vua khác.
Nhắc tới lăng mộ này, người ta không chỉ nhớ tới những sự khác biệt trên mà còn là đồn đoán về lời nguyền bên trong khiến giới mộ tặc phải kinh hãi. Tương truyền, bên trong lăng Vĩnh Xương là lời nguyền bí ẩn khiến những kẻ dám kinh động tới đây trộm châu báu phải trả giá đắt.
Sau khi kinh độ nhà Bắc Tống rơi vào tay người Kim, Lưu Dân đã thiết lập bộ máy cai trị Đại Tề, công khai vơ vét vàng bạc châu báu bên trong các lăng tẩm xưa của vua nhà Tống. Bấy giờ, giới mộ tặc cũng hoành hành với mục đích hướng tới những lăng mộ chứa khối của cải béo bở.
Lăng Vĩnh Xương khi đó được tương truyền có nhiều ngọc ngà cùng châu báu giá trị nên ngay lập tức lọt vào tầm ngắm của giới trộm mộ. Một trong những câu chuyện về kẻ trộm mộ phải kinh hồn bạt vía khi động tới Vĩnh Xương lăng chính là "siêu trộm mộ" họ Chu với biệt hiệu "Chu tất kiểm" (hàm ý họ Chu có khuôn mặt như bị đổ sơn).
Nghe được lời đồn triều đình nhà Tống từng chôn một chiếc đai ngọc vô cùng quý giá khi an táng Tống Thái Tổ, họ Chu kia liền lên kế hoạch "ghé thăm" Vĩnh Xương lăng để "làm một mẻ".
Vì không có tường rào cản trở nên họ Chu kia khá dễ dàng đột nhật được vào bên trong lăng. Thế nhưng, ngay khi vừa nhìn thấy thi thể của vua Tống, hắn bỗng thấy kinh hồn bạt vía.
|
Tương truyền, triều đình nhà Tống từng chôn một chiếc đai ngọc vô cùng quý giá khi an táng Tống Thái Tổ. Ảnh minh hoạ. |
Thi thể của Tống Thái Tổ sau cả trăm năm vẫn nguyên vẹn, nhìn ông chỉ như người đang say một giấc ngủ dài. Tuy nhiên, tên trộm mộ khét tiếng đã lấy lại ngay tinh thần khi nhìn thấy đai ngọc quý giá trên người Triệu Khuông Dẫn.
49 viên dạ minh châu, 49 viên kim cương và 49 miếng phỉ thúy trên đai ngọc khiến họ Chu bỏ qua nỗi sợ hãi khi nãy mà nhanh tay "vào nghề". Hắn dùng chiêu "thiếp diện đạo" vốn được giới mộ tặc chuyên dùng để trộm bảo vật trên các xác ướp.
Hắn dùng một sợi dây thừng, buộc một đầu vào cổ vua, một đầu buộc ngang lưng mình, mặt đối mặt với thi thể vua mà kéo lên.
Với kinh nghiệm vốn khét tiếng trong giới trộm mộ, họ Chu nhanh chóng kéo được thi thể lên song không ngờ, chưa kịp ra tay thì bỗng bị một chất dịch phun vào mặt.
Chính từ miệng Tống Thái Tổ bất ngờ phun ra một chất dịch màu đen khi cổ bị thít chặt lúc kéo lên. Quá hoảng sợ, hắn liền rời khỏi lăng mộ không quên cầm theo chiếc đai ngọc quý giá.
Thế nhưng, kỳ lạ thay những chất dịch kia không thể nào rửa sạch mà bám chặt trên mặt họ Chu như một lớp sơn đen. Cũng chính từ đó, tên của Hắn mới bị gọi thành "Chu tất kiểm".
Sau phen trộm mộ của họ Chu kia, giới mộ tặc ai cũng kinh hãi khi nhắc tới lăng mộ này. Hiện tại, lăng mộ của Tống Thái Tổ vẫn chưa được giới khảo cổ khai quật song những giai thoại về nơi đây vẫn khiến nhiều người phải kinh hồn bạt vía.