Trong suốt hơn 5.000 năm lịch sử, từ khi được thành lập vào năm 2070 TCN cho đến khi vị Hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi thoái vị vào ngày 12/2/1912, Trung Quốc đã trải qua hơn 83 lần thay đổi triều đại với hơn 600 nhà cầm quyền.
Nhưng điều ít được biết đến là trong lịch sử Trung Quốc có hai triều đại rất giống nhau. Đó là nhà Tần (221 - 206 TCN) và nhà Tùy (581 - 619). Hai triều đại cách nhau rất xa nhưng lại có nhiều sự kiện giống nhau đến khó tin.
Từ chia rẽ đến thống nhất
Điểm giống nhau lớn giữa nhà Tần và nhà Tùy là cả hai đều chấm dứt tình trạng chia cắt, thống nhất thiên hạ và thành lập một vương triều.
Trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất 6 nước là thời Xuân Thu Chiến Quốc loạn lạc. Những năm cuối nhà Đông Chu, nhiều mặt hạn chế của chế độ phong kiến dần lộ rõ, các chư hầu đều xây dựng thế lực quân sự cho riêng mình và không chịu khuất phục trước Chu vương. Sự kiểm soát của hoàng thất nhà Chu đã suy yếu, tuy mang danh là vương thất nhưng xét về địa vị và quyền lực thì nhỏ bé vô cùng.
Các nước chư hầu có mong muốn thống nhất thiên hạ. Vì toàn lực dốc sức bồi dưỡng sức mạnh quân sự, các nước này đã hy sinh sự phát triển của lực lượng sản xuất, dẫn đến nạn đói và thiếu thốn của người dân, nhiều năm chiến tranh khiến nhân dân lầm than, người đời thống hận… Những điều này đã tạo nền tảng tâm lý để Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ.
Trước khi thành lập nhà Tùy, Trung Quốc cũng trải qua sự chia cắt của Nam Bắc triều, quân chủ nhà Tây Tấn tiến về phía nam thành lập nhà Đông Tấn, sau đó Lưu Dụ (Tống Vũ Đế) chiếm quyền, nhà Đông Tấn diệt vong và được thay thế bởi nhà Lưu Tống. Sau đó chính là thời kỳ Nam Bắc triều vô cùng đen tối, rất nhiều nước nhỏ đua nhau trở thành Hoàng đế.
Giữa các Hoàng đế chắc chắn sẽ xảy ra va chạm, xích mích, từ đó dẫn đến hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác, ảnh hưởng của chiến tranh đối với người dân vô cùng tàn khốc. Sau đó Dương Kiên (Tùy Văn Đế) thành lập nhà Tùy và chấm dứt hàng trăm năm hỗn loạn này.
Xây dựng những công trình vĩ đại
Sau khi chấm dứt chiến loạn và thành lập vương triều thống nhất, nhà Tần và nhà Tùy đều xây dựng một số công trình vĩ đại, vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.
Tần Thủy Hoàng đã cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành sau khi thống nhất 6 nước. Công trình này được sử dụng bởi các triều đại sau và không ngừng được nâng cấp.
Tùy Dạng Đế Dương Quảng của nhà Tùy đã cho xây dựng Kinh Hàng Đại vận hà, là kênh đào hay sông nhân tạo nối thông các thành phố và tỉnh ở Trung Quốc ngày nay như Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông, Giang Tô và Chiết Giang.
Quyết định xây dựng Đại vận hà của Dương Quảng thực ra là đúng đắn cho việc phát triển đất nước, nhưng việc thực hiện quá vội vàng, điều này đã tạo ra gánh nặng lớn cho người dân lúc bấy giờ và trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của nhà Tùy.
Tạo ra chế độ chưa từng có
Sau khi Tần Thủy Hoàng thành lập nhà Tần, ông đã thông qua một loạt cải cách lớn về kinh tế và chính trị, bao gồm thiết lập hệ thống quan lại nắm quyền ở địa phương do triều đình chỉ định thay vì phân chia ban tước cho các quý tộc như trước kia, cho phép nông dân sở hữu đất, thống nhất hệ thống đo lường, tiền tệ, đi lại, đồng thời xây dựng hệ thống luật pháp chặt chẽ. Những chế độ này đã được các thế hệ sau học tập theo.
Nhà Tùy thiết lập hệ thống ba tỉnh và sáu bộ, đồng thời sử dụng chế độ thi cử của triều đình để tuyển chọn nhân tài. Chế độ thi cử đã mở ra con đường thăng tiến cho học giả xuất thân từ các gia đình nghèo, thúc đẩy tuyển chọn nhân tài và chuyển đổi giai cấp, đồng thời kiềm chế một cách tinh vi những gia đình giàu có. Chế độ thi cử của triều đình có tác động rất lớn và đã hoàn toàn trở thành một phần văn hóa của người dân Trung Quốc.
Trận chiến giành ngai vàng và sụp đổ
Nhà Tần và nhà Tùy xuất hiện mạnh mẽ nhưng lại “chóng tàn”. Nhà Tần sụp đổ ở thế hệ Hoàng đế thứ hai là Hồ Hợi. Nhà Tùy cũng giống hệt. Sau cái chết của Hoàng đế khai quốc Dương Kiên, nhà Tùy dần suy tàn.
Như chúng ta đã biết, người ban đầu Tần Thủy Hoàng chọn làm Hoàng đế là con trai trưởng Phù Tô. Tuy nhiên, sau khi Tần Thủy Hoàng lâm bệnh qua đời khi đang du ngoạn thiên hạ, Thừa tướng Lý Tư và Triệu Cao âm thầm đưa Hồ Hợi lên ngôi. Sau đó, Hồ Hợi đã giả mạo chiếu chỉ giết chết anh trai Phù Tô.
Vào thời nhà Tùy cũng vậy, Dương Kiên ban đầu phong con trai cả là Dương Dũng làm thái tử, nhưng Dương Quảng và đồng bọn đã gài bẫy và phế truất anh trai. Dương Quảng cũng là con trai thứ.
Dương Quảng và Hồ Hợi đều tàn ác, cuối cùng dẫn đến sự diệt vong của đất nước.
Khai quốc Hoàng đế, Tần Thủy Hoàng và Dương Kiên đều là người thông thái, tài ba. Song, sự suy tàn mau chóng của nhà Tần và nhà Tùy là do những người kế vị không đáng tin cậy.
Tạo nền móng cho triều đại hùng mạnh tiếp theo
Sau khi nhà Tần sụp đổ, nhà Sở và nhà Hán tranh giành quyền bá chủ, cuối cùng Lưu Bang giành chiến thắng và thành lập nhà Hán, tạo nên thời kỳ "Văn Cảnh chi trị" nổi tiếng đã đưa đất nước phát triển đỉnh cao, đời sống nhân dân được bảo đảm.
Nhà Đường, sau nhà Tùy, cũng có “Trinh Quan chi trị”, “Khai Nguyên thịnh thế” nổi tiếng, đưa Trung Quốc lúc bấy giờ phát triển vô cùng rực rỡ.