Rất nhiều người nhầm lẫn hai ngày này và cho rằng, lễ Vu Lan chỉ là tên gọi khác của ngày Xá tội vong nhân - Rằm tháng 7. Trên thực tế, đây thực sự là hai lễ khác nhau, tuy có chung nguồn gốc Phật giáo song xuất phát từ những điển tích riêng biệt.
Ngày xá tội vong nhân thường được gọi là “ngày mở cửa địa ngục”
Ngày xá tội vong nhân bắt nguồn từ tích cổ Trung Hoa gắn liền với truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7 Âm lịch, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan để ma quỷ trở lại cõi trần và đến rằm thì tất cả phải trở về, cửa địa ngục đóng lại. Ngày này các cô hồn được xá tội, thoát về dương thế, vảng vất khắp nhân gian. Vì vậy, mọi người đều cúng chúng sinh bằng cháo loãng, gạo, bỏng, muối… để siêu sinh cho những linh hồn không nơi nương tựa ấy.
Trong quan niệm của Phật giáo cũng có 2 truyền thuyết kể về sự tích tháng cô hồn.
Có chuyện kể rằng ngày trước, quỷ thường hay quấy phá, làm hại người, khiến họ không thể yên ổn làm ăn, khổ quá bèn kêu lên Phật. Đức Phật giúp con người trục quỷ, đày chúng xuống địa ngục.
Thế nhưng vì lượng cả từ bi, ngài cho phép chúng trở lại dương gian mỗi năm một lần vào dịp rằm tháng 7.
|
Lễ cúng ngày cô hồn. |
Một chuyện khác kể rằng, một đại đệ tử của Phật là đức A Nan Đà một buổi tối đang ngồi trong tịnh thì thấy một con Ngạ quỷ người gầy quắt, cổ dài, miệng nhả ra lửa bước vào, nói rằng 3 ngày nữa A Nan Đà sẽ chết và cũng trở thành quỷ miệng lửa (diệm khẩu) như nó.
Quỷ nói: “Nếu muốn tránh thì ông phải bố thí cho lũ ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc đồ ăn, và cúng dường Tam bảo giúp chúng tôi, để chúng tôi được tái sinh vào cõi trên, thì ông cũng được tăng thọ”.
A Nan Đà sau đó đi gặp Đức Phật, được Phật truyền cho bài chú “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để thêm phước.
Y theo lời báo của quỷ miệng lửa, A Nan Đà sau đó làm theo, cúng quỷ đói và đọc bài chú Đức Phật truyền cho nên mới thoát được kiếp nạn.
Nhắc đến Ngạ quỷ các thuyết Phật giáo cũng có giải thích rằng, Ngạ quỷ là một dạng tái sinh khi con người chết đi, nếu làm nhiều việc tốt, chúng sẽ được đầu thai kiếp khác làm người.
Ngược lại, nếu làm điều xấu, tùy theo các mức độ mà chúng sẽ bị đầy xuống địa ngục, nhẹ hơn thì đầu thai làm súc sinh và nhẹ nhất làm ngạ quỷ.
Lễ Vu Lan báo hiếu
Vu lan là tên gọi ngày lễ lớn của các tăng ni phật tử trong phật giáo nhằm vào ngày rằm tháng 7 hàng năm, là ngày tưởng nhớ báo hiếu công ơn cha mẹ.
Theo tín ngưỡng dân gian rằm tháng 7 đó là ngày mở cửa địa ngục ân xá cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế thờ cúng. Lễ cúng cô hồn theo cách gọi dân gian cũng trùng vào ngày này.
Truyền thuyết lễ Vu Lan xuất phát từ lòng hiếu thảo của Bồ tát Mục Kiều Liên đại hiếu cứu mẹ. Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa khi bồ tát Mục Kiều Liên tu thành chánh quả, lúc tưởng nhớ tới mẫu thân, đã dùng phép thần nhìn khắp trời đất. Thấy mẹ mình vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh vào ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ rất khổ sở, ông đem cơm xuống tận cõi quỷ dâng lên cho mẹ mình. Nhưng do đói khát lâu ngày nên khi ăn, mẹ của ông dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác tới tranh cướp, vì vậy thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.
Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ và được Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông quản đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương trời mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. Làm theo lời Phật dạy, Mục Liên đã giải thoát được cho mẹ mình. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này mà làm. Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.
Ở Việt Nam ngày lễ này thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, là một ngày lễ lớn của Phật giáo để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, Việc cúng rằm tháng 7 bao giờ cũng phải cúng ở chùa trước rồi mới đến cúng tại nhà. Ngày lễ này thường được làm vào ban ngày, tránh làm vào ban đêm khi mặt rời lặn. Ở nhà chùa thường tổ chức lễ hoa đăng, tụng kinh Vu Lan vào buổi tối để giúp tăng ni, phật tử tỏ lòng báo hiếu với đấng sinh thành của mình.
Ở nước ta, người dân thường tổ chức cả hai lễ ấy vào cùng ngày rằm tháng 7. Chỉ có điều, người phía Bắc thì trọng ngày Xá tội vong nhân hơn, còn miền Trung và miền Nam thì đề cao lễ Vu Lan báo hiếu.
Mời quý độc giả xem video 9 đồ vật không nên để trong nhà (nguồn Youtube):