Lại xả súng kinh hoàng ở Mỹ: Ám ảnh nhưng không còn… bất ngờ

Google News

(Kiến Thức) - Nước Mỹ lại vừa chứng kiến thêm một vụ xả súng kinh hoàng tại giáo đường Do Thái ở bang Pensylvania ngày 27/10. Đau thương và ám ảnh là cảm xúc chung của người Mỹ trước thảm kịch xả súng, nhưng họ không còn quá bất ngờ...

Hôm qua (tức 27/10), người Mỹ lại thêm một lần nữa nhói lòng trước vụ xả súng kinh hoàng xảy ra tại giáo đường Do Thái The Tree of Life thuộc thành phố Pittsburgh, bang Pensylvania. Con số thương vong cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa được xác định chính xác nhất. Trong khi hãng tin địa phương KDKA cho biết ít nhất 8 người được xác nhận đã thiệt mạng, tờ New York Times, dẫn lời một quan chức lại nói rằng số người chết là 4 và 12 người khác bị thương.
Thông tin với báo chí, bà Erika Strassburger, ủy viên hội đồng của quận xảy ra vụ xả súng, cho biết 3 sĩ quan đã bị bắn và nghi phạm đã bị bắt giữ và đang được điều trị tại bệnh viện. Rất may, tính mạng của 3 sĩ quan bị bắn không bị đe dọa.
Lai xa sung kinh hoang o My: Am anh nhung khong con… bat ngo
 Cảnh sát có mặt tại giáo đường Do Thái The Tree of Life. Ảnh: KDKA.       

Theo KDKA, trước khi thực hiện hành vi xả súng kinh hoàng tại giáo đường Do Thái The Tree of Life, nghi phạm đã hô to "Tất cả người Do Thái đều phải chết". Nghi phạm được xác định là một người đàn ông da trắng. Y đã đầu hàng khi đã bị thương và được cảnh sát thuyết phục.
Câu nói của nghi phạm trước khi gây án khiến không ít người giật mình ám ảnh. Trên thực tế, theo New York Times, những kẻ xả súng thường mang tâm lý rất phức tạp và để lại lí do dễ nhận biết. Steven B. Wolfson, công tố viên của Hạt Clark, bang Nevada ước tính rằng "trong 99% các vụ thảm sát, hung thủ có để lại lí do, dù điên loạn tới mức nào".
Lý do của những nghi phạm thực hiện hành vi xả súng tàn bạo trên đất nước Mỹ được nhận định là “muôn hình vạn trạng”. Có kẻ đăng tuyên bố phân biệt chủng tộc lên mạng (vụ xả súng ở Charleston), ủng hộ Nhà nước Hồi giáo trên Facebook (vụ xả súng ở San Bernandino), thậm chí là vì ghét người da trắng…. Riêng trong vụ việc đau lòng mới xảy ra hôm qua tại giáo đường Do Thái, nghi phạm có lẽ xuất phát từ động cơ ghét người Do Thái.
Trước những vụ xả súng nghiêm trọng trong thời gian qua, các chuyên gia đã thực hiện các nghiên cứu và đưa ra quan điểm về sự việc đang nóng dư luận. Theo giáo sư Adam Lankford về tư pháp hình sự ở Đại học Alabama, nhiều trường hợp hung thủ gây ra các vụ xả súng thực hiện tội ác với mục đích để được nổi tiếng và được dư luận chú ý. Trong khi đó, tiến sĩ Michael Stone, chuyên gia tâm thần học pháp lý ở New York, cho hay điểm chung của nhiều kẻ gây ra vụ xả súng là bị hoang tưởng, có sự bất mãn với xã hội hay từng bị kỳ thị, bắt nạt... Một số chuyên gia còn cho rằng, một số hung thủ gây ra các vụ thảm sát bằng súng đã trở nên bạo lực sau khi thất bại cả trong sự nghiệp lẫn chuyện tình dục. Chính vì vậy, những người này đã gây ra các vụ xả súng thương tâm.
Một câu hỏi lớn luôn được đặt ra trước thảm kịch xả súng ở Mỹ đó là khi nào tình trạng này mới chấm dứt, khi nào việc cấm súng sẽ được thực thi ở nước Mỹ. Câu hỏi tưởng chừng đơn giản ấy cho tới nay vẫn còn bỏ ngỏ dẫu làn sóng kêu gọi về kiểm soát súng đạn tại quốc gia này vẫn đang lan rộng.
Trước vấn đề này, nhà phân tích Bruce Wolpe đưa ra nhận định những vụ xả súng ở Mỹ sẽ còn tiếp diễn trong tương lai. Lý do khiến ông đưa ra quan điểm này là xuất phát từ chính sách kiểm soát súng đạn của Mỹ. Người dân Mỹ có thể mua bán súng một cách hợp pháp. Theo ước tính, mỗi công dân Mỹ (dù là người lớn hay trẻ con) đều sở hữu ít nhất một khẩu súng. Qua đó có thể thấy công dân Mỹ sở hữu một khẩu súng vô cùng dễ dàng, ngay cả khi bị mắc bệnh tâm thần. Chính vì vậy, ông Wolpe cho rằng, những vụ xả súng như vụ mới xảy ra hôm qua tại giáo đường Do Thái The Tree of Life sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới.
Xin kết lại bài viết này bằng câu nói từng gây chấn động mạng xã hội nước Mỹ của cô bé học sinh có tên Paige Curry ở Santa Fe - nơi từng xảy ra vụ thảm sát trường học kinh hoàng bằng súng. Trước câu hỏi của phóng viên về vấn nạn xả súng: “Có khi nào bạn tự hỏi 'Điều này không có thật, điều này sẽ không xảy ra ở trường của tôi mà?”, cô bé đã nở một nụ cười cay đắng và trả lời: “Không, điều đó đã xảy ra ở khắp mọi nơi, tôi luôn cảm thấy kiểu gì nó cũng sẽ xảy ra ở đây”. Câu trả lời của cô bé dường như là tâm lý chung của không ít người dân Mỹ khi cho rằng những thảm kịch xả súng kinh hoàng vẫn sẽ tiếp diễn, luôn có thể xảy ra ở bất cứ đâu, chính vì vậy, trước mỗi vụ việc thương tâm, họ đau lòng, ám ảnh nhưng cũng không còn quá bất ngờ…
Thùy Liên (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)