Trước khi về Mỹ Tho, Tiền Giang, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn (TP HCM) dặn tôi nên học một câu vọng cổ làm vốn, bởi dưới đó là đất tổ của cải lương. Muốn hiểu về nơi nức tiếng nhiều con gái đẹp, càng phải thuộc nhiều điệu lý, câu hò. Tôi hăng hái học luôn bài “Tiền Giang quê hương em” tới khuya. Nhưng sáng ra vội lên xe, tôi quên sạch, chỉ còn nhớ mỗi câu: “Hồn ngẩn ngơ theo lời ca tiếng hát em gái dịu hiền trong tà áo bà ba...”. Thế là lên đường.
Nơi có nhiều hoàng hậu nhất nước
Thực ra, trước đó tôi cũng đã lỗ mỗ nghe câu được câu chăng về con người sông nước Tiền Giang, rằng: “Tội gì anh phải đi xa. Mỹ Tho con gái mặn mà dễ thương”. Và, cô giáo Trần Kim Liên ở Đại học Tiền Giang, tình cờ gặp tôi ở một hiệu sách thành phố, giải thích cái tên Mỹ Tho là bắt nguồn từ phương ngữ Khmer, có nghĩa là xứ có con gái đẹp, da trắng.
Quả nhiên, theo năm tháng, vùng đất Tiền Giang chạy dọc con sông Tiền ra biển, đã xuất hiện nhiều lớp người tài ba lừng danh và nổi tiếng có nhiều con gái đẹp.
|
Tượng Hoàng hậu Từ Dũ trong khuôn viên Bệnh viện Từ Dũ. |
Đặc biệt, Tiền Giang còn là nơi có nhiều hoàng hậu nhất cả nước. Đó là những người đẹp, không những sắc nước hương trời, mà còn giỏi giang, tài đức. Hoàng hậu đầu tiên gây ấn tượng sâu sắc với đời sống dân chúng chính là bà Từ Dụ (hay còn gọi là Từ Dũ). Bà tên thật là Phạm Thị Hằng, sinh ra tại đất Gò Rùa, huyện Gò Công, Tiền Giang, năm 1810.
Vốn là con của một thượng thư, nên từ nhỏ bà đã ham đọc sách, thông kinh sử. Bà trở thành vợ vua Thiệu Trị từ năm 14 tuổi và tồn tại suốt 8 đời vua nhà Nguyễn. Từ một Nhất giai Quý phi, trở thành Hoàng hậu, rồi Hoàng Thái hậu (mẹ vua Tự Đức); sau đó được tôn lên Thái hoàng Thái hậu (thời vua Hàm Nghi - năm 1885).
Cuối cùng, bà được vua Đồng Khánh tôn vinh là Từ Dụ Bác Huệ Thái hoàng Thái hậu (1887). Sau đó bà mất vào năm 1902, đời vua Thành Thái, thọ 92 tuổi. Bà có công giúp nước và dạy dỗ con cháu khi bước lên ngai vàng, phải hiền hòa đức độ, đặc biệt phải trị những quan tham, thu nạp hiền tài. Bản thân bà là gương sáng về học vấn, đạo đức, thương dân và làm nhiều việc thiện.
Bệnh viện “Bà mẹ và trẻ em” ở TP HCM, lấy tên bà (Bệnh viện Từ Dũ) và đúc tượng bà như một biểu tượng đem lại phúc lành cho người đời. Đúng như lời xưa dặn lại: “Nước đẹp dâng điềm lành. Gò Rùa xây nền Phúc” (câu đối tại đền thờ bà ở Gò Công).
Người đẹp ở Tiền Giang trở thành hoàng hậu thứ hai là Nam Phương Hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại. Đó là người đẹp Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh năm 1914, cũng ở Gò Công, Tiền Giang và là con gái của một đại điền chủ giàu có. Bà được gia đình cho đi du học Pháp khi mới 12 tuổi. Tốt nghiệp tú tài trở về, cô Hữu Lan nổi tiếng có sắc đẹp “chim sa, cá lặn” và đã từng đoạt giải Hoa hậu Đông Dương.
|
Chân dung Hoàng hậu Nam Phương in trên tem thời kỳ Pháp thuộc. |
Tình cờ gặp vua Bảo Đại năm 1933, sắc đẹp của cô đã làm vua Bảo Đại choáng ngợp, hút hồn. Năm sau, người đẹp Hữu Lan trở thành vợ vua, được đặc cách phong Nam Phương Hoàng hậu. Đó là một quyết định đổi đời với chính Bảo Đại, bởi ông đã thề nguyện chỉ một vợ một chồng với Nam Phương, theo luật gia đình phương Tây.
Mặc cho sự phản đối gay gắt từ nhiều thế lực trong triều đình, vua Bảo Đại không lập thêm các phi tần theo tiền lệ cũ. Bởi chính Bảo Đại cũng được đào tạo, học hành từ Pháp về nên có đầu óc tiến bộ và có ý tưởng cải cách tân tiến hơn.
Nam Phương Hoàng hậu, ngoài công việc dạy dỗ các hoàng tử, công chúa, bà còn tham gia các việc làm từ thiện cho người nghèo. Bà còn là một công dân yêu nước và có tư tưởng kháng Pháp. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính bà là người khuyên giải vua Bảo Đại thoái vị để tránh cuộc chiến tàn khốc, tang thương cho người dân. Sau này khi Pháp phản bội hiệp ước, quay trở lại tái chiếm đất nước, bà đã gửi thông điệp đến bạn bè khắp thế giới.
Sự bày tỏ của bà đầy thuyết phục lòng người: “...Máu của người dân Việt Nam tiếp tục chảy. Tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh, hãy bảy tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh”. Nam Phương Hoàng hậu bị bệnh hiểm nghèo, mất tại Pháp năm 1963.
Vào giai đoạn tiếp nối cuộc chiến tranh chống giặc Pháp, Tiền Giang có bà Đoàn Thị Giàu - vợ của bác Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bà Đoàn Thị Giàu quê ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang, là một cô giáo làng xinh đẹp và nhu mì. Bà là một tấm gương mẫu mực về lòng thủy chung, sống giữa kẻ thù, nhưng vẫn một mực chờ chồng bị giặc bắt, đi tù ở Côn Đảo suốt 16 năm.
Bà tần tảo nuôi 3 người con, có thời gian phải đi bán hàng rong, kiếm tiền mưu sinh. Ngày đêm chờ đợi chồng trở về, dù không biết đến bao giờ, bà đứng vững trước sự đe dọa, hiểm nguy. Nhất là khi người con trai ốm đau, bệnh nặng bị chết trong đói nghèo, bà ngỡ như sụp đổ. Nhưng với bản lĩnh của người chiến sĩ, bà vững vàng đứng dậy trong đau khổ, chờ chồng.
|
Chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang). |
Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, lãnh tụ Tôn Đức Thắng được ra tù, nhưng cuộc gặp mặt chỉ trong gang tấc. Thử thách lại tiếp tục đến với bà khi chồng chỉ ghé về Tiền Giang đúng một ngày rồi lên đường nhận nhiệm vụ mới. Mọi sự còn căng thẳng hơn nữa, bởi vào đầu năm 1946, lãnh tụ Tôn Đức Thắng cùng 2 con tập kết ra Hà Nội bí mật, không kịp chia tay bà (đang ở trong chiến khu).
Ở lại, bà tích cực tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, trải qua bao gian khó. Tiếp tục chờ đợi chồng, cho đến năm 1954, bà được tập kết ra bắc, sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Vậy là sau 30 năm chờ đợi, gia đình bà mới được sum vầy. 20 năm sau bà mất, không kịp trở về quê hương, đón mừng ngày giải phóng miền Nam.
Vẫn còn đó những mỹ nhân tài sắc
Câu chuyện giữa tôi và cô giáo Trần Kim Liên tiếp tục, bởi bà nhớ đến biết bao người đẹp nổi tiếng khác, ở xứ sở Tiền Giang này. Dẫn tôi ra một rạp hát bên đường Lý Thái Tổ, gần chợ Mỹ Tho, bà nói đó là rạp hát Thầy Năm Tú (xây năm 1918). Bà kể đây là cái nôi đầu tiên của cải lương và từ rạp hát này, không ít nữ nghệ sĩ xinh đẹp hát hay đã thành danh. Đầu tiên là cô đào Năm Phỉ, rồi đến đào Phùng Há, Kim Cúc, Năm Thoàn...
Nhất là đào Phùng Há, xinh đẹp, đầy sức quyến rũ, với giọng ca cải lương mùi mẫn đến tê tái lòng người. Bà là người đóng vai Kiều đầu tiên của cải lương làm chấn động khắp bàn dân thiên hạ. Khách đến xem nườm nượp vì muốn được nghe hát và ngắm sắc đẹp của cô đào trẻ Phùng Há, khi đó mới 17 tuổi.
Cô giáo Kim Liên còn cho biết, khách chơi cải lương từ Sài Gòn đi xe lửa xuống Mỹ Tho từ trưa, ra chợ ăn hủ tiếu rồi chờ đến tối xem Phùng Há ca. Mỹ Tho ngày đó là thành phố duy nhất có con đường xe lửa đi Sài Gòn, nên khách đi lại tấp nập, buôn bán sầm uất lắm.
Sau này, ai cũng biết thêm nhiều người đẹp, nghệ sĩ, ca sĩ, người Tiền Giang nổi tiếng. Người đẹp lớn tuổi hơn cả là ca sĩ Thanh Tuyền (sinh năm 1949). Sau bao năm bôn ba hải ngoại, hiện bà vẫn được coi là “Nữ hoàng dòng nhạc quê hương”, với những giai điệu Bolero ngọt ngào và đằm thắm. Gần đây, khán giả yêu điện ảnh và ca nhạc hay trên sàn diễn thời trang, đều nhớ đến giai nhân tuyệt sắc Thân Thúy Hà (sinh năm 1978).
Cô đã từng đoạt danh hiệu Hoa khôi Thanh lịch 1995, khi mới 17 tuổi. Sau vai chính trong phim “Lục Vân Tiên”, Thân Thúy Hà đến nay đã có tới hàng chục vai khác nhau. Người mẫu này đầy cuốn hút với đôi mắt sâu, đôi mày cong tự nhiên. Thân Thúy Hà quê ở An Hữu, Tiền Giang.
Sau Thân Thúy Hà cũng là người đẹp Tiền Giang, là “ngọc nữ” Tăng Thanh Hà. Với nụ cười tỏa sáng, Tăng Thanh Hà nổi tiếng sau phim “Bỗng dưng muốn khóc” và hàng loạt phim sau đó. Rồi mới đây thôi, diễn viên trẻ với gương mặt khả ái Vân Trang (sinh năm 1990 ở Tiền Giang) liên tục xuất hiện, trong các bộ phim truyền hình. Đáng kể là các bộ phim như: “Lối sống sai lầm”, “Scandal - bí mật thảm đỏ”, “Cô dâu đại chiến”...
|
Biểu diễn đờn ca tài tử. |
Cùng trang lứa Vân Trang, còn có những người mẫu ở Tiền Giang rất nổi bật như: Người mẫu kiêm MC Phan Thị Mơ, hay Nữ hoàng trang sức Lê Huỳnh Thúy Ngân và Hoa khôi Nam Em (Giải nhất trong cuộc thi Người đẹp Đồng bằng sông Cửu Long - 2015). Riêng Hoa khôi Nam Em còn có giọng hát miệt vườn rất hay, khi được lọt vào top 5 trong cuộc thi “Tình Bolero 2016”.
Cùng trong năm đó, Nam Em còn đoạt điểm tuyệt đối trong cuộc thi “Miss Earth - Hoa hậu Trái đất - 2016”. Vậy thời nào cũng có người đẹp Tiền Giang xuất hiện mang dấu ấn mặn mà, duyên dáng và tài hoa.
Đi tìm người hát “Lý thương nhau”
Thật thú vị tôi được cô giáo Kim Liên cho đi chợ nổi Cái Bè. Nghe nói ở đó được vào nghe đờn ca tài tử tại các miệt vườn nên tôi càng hào hứng. Chợ nổi Cái Bè cách thành phố Mỹ Tho chừng 30 cây số. Con cầu mới bắc qua sông Tiền càng làm cho chuyến đi thêm gần hơn. Anh Tài lái xuồng máy đưa tôi đi chợ nổi Cái Bè rồi lên “Điểm du lịch sinh thái Chính Thương”. Anh giới thiệu ở địa chỉ này có ban nhạc đờn ca tài tử nối tiếng có nhiều giọng ca cải lương hay “hết sảy”.
Ngồi trước tôi đã có mươi người nước ngoài và vài du khách Việt. Thấy tôi có vẻ hăng hái, một cô gái ban nhạc xuống đưa tôi một tờ giấy trắng nói, hãy ghi bài hát mà mình yêu thích để ban nhạc phục vụ. Thật đúng là may, vốn của tôi chỉ có 2 bài, bản cũ mà tôi biết là “Tình anh bán chiếu” và bài mới học tối hôm trước là “Tiền Giang quê hương em”. Tôi lập tức ghi tên 2 bài đó.
Sau đó, tôi mới biết chỉ có mỗi mình viết yêu cầu, còn trước đó mọi người nói, hát gì thì hát miễn hay. Thế là tôi được ưu tiên trước với 6 câu vọng cổ trong bài “Tiền Giang quê hương em”. Ban nhạc nổi bản hòa tấu chuẩn bị cho một nữ ca sĩ ra hát. Giọng cô ca sĩ ngọt ngào và hấp dẫn người xem ở nét hồn nhiên với đôi má lúm đồng tiền.
Lời ca mỗi lúc một đượm nồng: “Anh ở phương xa có nghe chăng tiếng em ca mỗi chiều trên sông vắng. Sóng nhuộm chiều làm hoàng hôn tím ngát, sông nước Tiền Giang gờn gợn khói mây... buồn”. Nhất là đến câu, đổ âm ở chữ cuối cùng của cô làm mọi người xuýt xoa vỗ tay rầm rầm.
Sau đó, dạo bước trong vườn, lòng tôi vẫn vương vấn câu hát, quên cả những chùm chôm chôm chín, như mụ mị đi trong phiêu lãng. Không gian mênh mông sông nước chính là bầu trời của tình yêu. Tôi đứng lặng người vì câu hát của anh chàng bán chiếu ấy cứ ám ảnh bên tai: “Người ta đã có đôi rồi Chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung. Để mình vác cặp chiếu bông. Chờ đợi chi nữa uổng công đợi chờ...”.