Vốn là một phú hộ, ông Châu Xuyên rất giàu có nhưng không may sau khi có với ông 3 người con vợ ông qua đời. Trong một chuyến đi buôn ở Mỹ Tho ông gặp bà Đào Thị Bòi là một góa phụ 2 con. Hai người kết duyên ăn ở với nhau hạ sinh được một cậu con trai vào năm ông bước vào ngưỡng tuổi 60.
Người con chung này là Châu Văn Sanh. Ông từng nói với bà, hai dòng con có đủ trai và gái. Nay có thêm một con chung thì quả là lời (lãi) lắm rồi. Thế là từ đó, Châu Văn Sanh có thêm cái tên Lời, công tử Lời hay cậu Bảy Lời.
|
Công tử Lời Châu Văn Sanh. |
Chuyện kể rất nhiều về cách làm ăn của ông Châu Xuyên. Là người có duyên buôn bán từ thuở nhỏ, ông Xuyên ngay từ lúc thiếu thời đã từng bán đậu phộng rang, lục lạc, các loại thú như gà, mèo, chó làm bằng đất sét tô màu xanh đỏ gắn trên que tre.
Lời lãi từ bán buôn ông tích cóp dần lâu ngày có được số vốn lớn. Cứ thế mà phát triển. Vận may đến với ông, bán cái gì cũng được, cũng hết. Cuộc sống cứ thế khá dần lên ông cùng mẹ mua đất xây một căn nhà ngay trong nhà lồng chợ Cái Nhum. Có nhà ông mở một tiệm thuốc bán các loại thuốc thông thường phục vụ bà con.
Nhiều cụ già ở chợ Cái Nhum kể lại, nhiều người bán ế, nhiều ghe thương hồ không bán được hàng, ai nấy đều đến gặp ông nhờ ông giúp đỡ. Ông mua lại tất cả các mặt hàng đó rồi chất ngay trong nhà mình để bán. Ông bán rất nhanh hết và lãi rất khá. Có lần, một ghe đến chợ Cái Nhum bán đá mài. Bán mấy ngày mà chẳng được bao nhiêu. Chủ ghe chán nản định bỏ đi nơi khác. Trước khi đi, họ đến gặp ông nhờ ông mua giúp. Ông đồng ý lấy hết ghe. Hàng chất đầy nhà nhưng cũng chỉ mấy ngày sau người mua đến nườm nượp và mua sạch ngay sau đó.
Vốn liếng càng ngày càng tăng. Ông Xuyên mua thêm ruộng cho tá điền thuê. Mỗi năm, lúa ông thu được lên đến hàng chục ngàn giạ (cách gọi của miền Tây Nam bộ, 1 giạ lúa = khoảng 20 - 22 kg thóc - PV).
Cậu Bảy Lời chào đời đúng vào giai đoạn cực thịnh của cha. Cậu sinh năm 1911 tại làng Chánh Hội quận Cái Nhum nay là thị trấn Cái Nhum huyện Măng Thít (Vĩnh Long).
Theo lời kể của bà Huỳnh Quan Thư nay đã ngoài 70 tuổi - người cháu gọi cậu Bảy Lời bằng dượng - thuở thiếu thời của công tử Lời được cha thương yêu chiều chuộng. Mới 16 tuổi ông đã được sắm cho xe hơi chạy khắp Vĩnh Long. Mỗi tuần ông ngồi xe hơi lên tận Tây Ninh, Biên Hòa, Bình Dương để đi săn. Sẵn xe, công tử Lời ngao du khắp nơi. Cả vùng đất Nam kỳ Lục tỉnh không nơi nào không có dấu chân của ông.
Không như những thanh niên con nhà giàu khác ném tiền vào những cuộc vui, công tử Lời dùng những đồng tiền có được từ gia đình để giúp đỡ, cưu mang những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn bi đát.
Được cho ăn học đàng hoàng, được cung phụng đầy đủ về vật chất, ngay từ nhỏ công tử Lời đã sớm bộc lộ tính cương trực, yêu công bằng lẽ phải. Công tử lời kết giao với bạn bè khắp nơi không phân biệt sang hèn, luôn rộng mở tấm lòng để chia ngọt xẻ bùi với người cùng khổ.
Nhận thấy việc đóng thuế thân mà chính quyền Pháp thuộc áp đặt với người Việt là điều phi lý, ông đã nhiều lần bày tỏ thái độ bực bội và căm tức. Ông đã từng lấy tiền của gia đình đích thân đi đóng thuế cho những người dân bị Pháp bắt vì thiếu thuế.
Nhiều lần cha ông sai đi thu lúa ruộng ông đều về báo lại: "Năm nay mất mùa, tía giảm bớt cho bà con nghe".
Tá điền đối với ông như người thân - một điều hiếm có ở thời điểm ấy. Ông sống gần gũi với họ, ăn cùng mâm có khi ngủ cùng chiếu. Ông hiểu nỗi cơ cực của họ và cũng chính vì điều này đã làm cho công tử Lời luôn cắn đắng, ray rứt ...
Những dịp lễ, tết tá điền thường hay cống nạp cho chủ ruộng những món quà như gà vịt lúa nếp. Nhiều người thiếu ăn cũng phải chạy vạy cho có để chủ còn cho tiếp tục làm ruộng có lúa mà ăn. Sau khi cha chết, công tử Lời lên thay. Lệ cống nạp này đã được bãi bỏ. Cậu Bảy Lời từ chối tất cả các phẩm vật của bà con mang tới đồng thời còn cho người ra chợ mua hàng chục cây vải về phát không cho vợ con tá điền.
Năm 1929 -1930, lúc chưa tròn 20 tuổi, cậu Bảy Lời tham gia các hoạt động yêu nước. Ngày 5/6/2930 trong cuộc biểu tình có qui mô trên 2.000 người thuộc 3 huyện Châu Thành, Tam Bình và Vũng Liêm tham gia trên liên tỉnh lộ 7 (nay là quốc lộ 53), công tử Lời là người cầm cờ đi đầu. Cuộc biểu tình lan đến tỉnh lỵ Vĩnh Long, khi ngang qua Văn thánh miếu bị Pháp ngăn chặn. Tỉnh trưởng Vĩnh Long Ele Pommez ra lịnh đàn áp. Súng nổ, 8 người chết tại chỗ. 60 người bị đánh và bắt đi trong đó có Châu Văn Sanh tức cậu Bảy Lời.
Ông bị bắt, đánh đập tra tấn tù tội nhiều lần nhưng lần nào cũng được gia đình dùng tiền... chạy án để được tha.
Được biết, năm 1928 trước khi chết ông Châu Xuyên có giao lại cho con dâu là bà Võ Thị Phối, vợ cậu Bảy Lời một va-li tiền trong đó chứa toàn giấy bạc bộ lư (loại 100đ tiền có mệnh giá cao nhất thời bấy giờ). Cũng chính nhờ va-li tiền này đã cứu được cậu Bảy Lời nhiều lần thoát vòng lao lý.
Trong quyển sách viết về công tử Lời, bà Huỳnh Quan Thư có cho biết thêm cậu Bảy Lời là người giao du rất rộng. Tại nhà ông từng chứa nhiều nhà hoạt động như TBT Nguyễn Văn Linh. Không những thường xuyên liên lạc với những người cộng sản, công tử Lời qua lại rộng rãi với nhiều trí thức yêu nước khác như Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh.
Căn nhà của công tử Lời là nơi dừng chân của các cán bộ thuộc xứ ủy Nam kỳ trước khi tỏa đến nơi khác. Năm 1937, một nhà sách có tên Đời Mới được mở ra tại Cần Thơ bày bán các loại sách có tư tưởng tiến bộ. Cậu Bảy Lời là chủ nhân nhà sách đó. Được 2 năm, năm 1939 Pháp khủng bố đóng của nhà sách và bắt cậu Bảy Châu Văn Sanh. Lần này chúng đày cậu ra Côn Đảo.
Đây là lần bị bắt thứ 5 và cũng là lần cuối cùng. Theo bản án, câu Bảy Lời Châu Văn Sanh được trả tự do vào ngày 3/7/1943 nhưng trước đó một tuần, cậu mắc bệnh kiết ly không được chạy chữa đã qua đời trong ngục tù. Hiện mộ liệt sĩ Châu Văn Sanh vẫn còn tại nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.
Các công tử con nhà giàu ở Nam kỳ lục tỉnh vào những năm đầu thế kỷ 20 thường có thành tích ăn chơi quậy phá. Với công tử Lời - một trường hợp hi hữu - con nhà giàu nhưng lại yêu nước thương dân ghi danh lịch sử!