Bà Lâm (66 tuổi, ở Bình Chánh, TP.HCM) đã không ít lần tìm tới chùa Bà Ấn để giãi bày, chia sẻ với những bức tường đá: “Kỳ lạ lắm, dường như những bức tường đá đó nghe được tiếng nói, hiểu được nguyện vọng của mình hay sao mà có những âm thanh hồi đáp vậy. Tôi không biết vì sao nhưng cảm thấy rất thoải mái khi nói chuyện kiểu này".
Tâm sự cùng tường đá
Chùa Bà Ấn Mariamman ở ngay sát chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM), là một trong những ngôi chùa lâu đời và nổi tiếng nhất của mảnh đất này.
Trong ngôi chùa thờ Thần Mưa Mariamman, vị nữ thần linh thiêng của người Ấn Độ theo đạo Hindu này có những bức tường đá, cột trụ đá khá kỳ lạ, có khả năng “nói chuyện” cùng với con người.
Theo đó, bất cứ ai có những nỗi niềm gì, đặc biệt là về bệnh tật, con cái, an nguy đều có thể gục đầu vào tâm sự với tường đá và nhận được những âm thanh của sự an lạc, thanh thản cho bản thân mình.
|
Chùa Bà Ấn - nơi có bức tường đá kỳ lạ.
|
Câu chuyện của Thanh (29 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) nhuốm màu kỳ bí. Chị Thanh kể: “Cách đây hơn 3 năm, hai vợ chồng tôi có nhiều chuyện buồn bởi lấy nhau được 4 năm mà chưa có con. Nghe mấy người trong phố bảo bức tường đá ở chùa Bà Ấn rất linh thiêng, hiểu được lời cầu nguyện của con người nên tôi tìm tới.
Thú thực, tôi cũng không nhớ lúc đó mình đã nói gì nhưng có cảm giác khi tựa đầu vào tường đá, tôi được an ủi, thoải mái thì thầm, nói hết những điều trong sâu thẳm lòng mình. Rồi tôi cũng được nghe những thanh âm nhè nhẹ, vỗ về của bức tường đá hoa cương ấy nên cảm thấy rất an tâm. Kết quả là đến nay, hai vợ chồng tôi đã có một cậu con trai hơn 2 tuổi kháu khỉnh”.
Chị Thanh còn chia sẻ thêm, không chỉ những lời cầu nguyện, bất cứ khi nào cảm thấy mệt mỏi, hay muộn phiền trong cuộc sống, chị đều tìm tới tức tường đá này để nói chuyện, tâm sự và giãi bày.
|
Những người phụ nữ đang chuyện trò cùng tường đá...
|
|
... để tìm thấy chút bình an trong tâm hồn
|
Bà Lâm (66 tuổi, ở Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, do cuộc sống có nhiều trắc trở, không ít lần bà đã tìm tới chùa Bà Ấn để giãi bày, chia sẻ. “Kỳ lạ lắm, dường như những bức tường đá đó nghe được tiếng nói, hiểu được nguyện vọng của mình hay sao mà có những âm thanh hồi đáp vậy. Tôi không biết vì sao nhưng cảm thấy rất thoải mái khi nói chuyện cùng bức tường đá này”, bà nói.
Khi chúng tôi hỏi, làm sao để trò chuyện, hay mở lời nói của mình cùng bức tường đá lạnh ngắt vô tri, vô giác kia thì bà Lâm cười cho hay: “Lúc đầu, nghe mọi người kể chuyện tường đá biết nói chuyện, nghe tâm sự của mình, tôi cũng không tin đâu nhưng sau này trực tiếp mình cảm nhận, mới tin và biết đó là sự thật. Cứ như gặp bức tường đá này, mình sẵn sàng thổ lộ chuyện trong lòng mà không thấy ngại ngùng gì hết”.
Theo người dân nơi đây, những cột đá linh thiêng xuất phát từ truyền thuyết của người Ấn Độ. Nữ thần Mariamman là một vị nữ thần gần dân, thường hóa thân thành một cô gái trẻ có gương mặt hồng hào, nụ cười tươi tắn để giúp những người bệnh tật, nghèo khổ.
Tương truyền, nếu ai không may mắn được gặp nữ thần, có thể gục đầu vào một cột đá và nói lên những nỗi lòng của mình để qua cột đá đó, bà sẽ thấu hiểu và giúp đỡ. Tượng nữ Thần Mưa khi xây dựng được khắc họa với nhiều cánh tay.
Có lẽ, chính vì những truyền thuyết linh thiêng của người Ấn Độ mà ngày nay, nhiều người dân trong vùng tìm tới trò chuyện cùng bức tường đá để thỉnh cầu, để mong nỗi lòng của mình được Thần Mưa thấu hiểu.
Chùa Bà Ấn có tuổi đời khoảng hơn 100 năm, do những thương gia Ấn Độ từng sinh sống ở vùng đất này xây dựng lên. Ban đầu, ngôi chùa khá đơn sơ, chỉ là nơi để những người theo đạo Hindu cầu nguyện, thờ phụng nữ Thần Mưa. Nhưng sau đó, chùa được xây dựng lại, khang trang hơn theo lối kiến trúc riêng của người Ấn Độ.
Trải qua nhiều lần tu sửa, chùa vẫn gần như được giữ nguyên trạng. Ngày nay, chùa dù được quản lý bởi chính quyền địa phương nhưng vẫn thông qua những người Ấn Độ để có thể giữ gìn nguyên vẹn bản sắc văn hóa độc đáo này.
Linh thiêng cốt ở tấm lòng
Trong thời gian tìm hiểu về bức tường đá kỳ lạ này, chúng tôi thấy không phải ai cũng có thể nói chuyện, giãi bày và nghe được những âm thanh mà bức tường đá kia phản hồi. Bởi theo những người trong chùa, chỉ những ai thành tâm, có lòng hướng thiện và những nỗi bất an thực sự thì bức tường mới thấu hiểu và phản hồi lại mà thôi.
Anh Chung (một người bán hàng ngay trước cổng chùa) cho biết: “Những ngày bình thường, chùa thường có hàng trăm người đến dâng hương, cúng bái. Nhiều người dâng lễ rồi tìm đến nói chuyện cùng bức tường. Nhưng có người nói chuyện được, có người cúi đầu và nói chuyện với bức tường cả ngày mà không nghe được bất cứ âm thanh nào. Không ai biết tại sao”.
Cũng theo anh Chung, lễ vật để dâng ở chùa thực ra rất đơn giản, thường chỉ là nắm muối và nắm gạo trắng, biểu tượng cho sự sống và thức ăn vĩnh hằng của con người từ xa xưa đến nay.
Ông Vương Liêm, Trưởng Ban quan lý chùa, cho biết: “Khi tôi làm quản lý ở chùa thì biết, những phiến đá này được đem đến từ khi dựng chùa. Nghe nói chúng được mang từ những vùng núi cao ở phía Nam Ấn nên rất linh thiêng, huyền bí”.
Ông Liêm cũng cho rằng, theo quan niệm của người Ấn Độ, nữ thần Mariamman là vị nữ thần vô cùng liêng thiêng, có khả năng mang đến cho con người những điều kỳ diệu như làm tiêu tan bệnh tật, vạn sự như ý, có khả năng mang đến sự sinh sôi, con cái cho thần dân của mình.
Ngày nay, không chỉ những người theo đạo Hindu mà tất cả những người dân ở Sài Gòn, dù không theo đạo Hindu nhưng cũng hi vọng ít nhiều với sự linh thiêng của Thần Mưa, họ có thể nguyện cầu, thông qua bức tường đá, cột đá kia để tỏ lòng thành kính với nữ thần, mong được sự trở che, ban phước của thần.
Được biết, ngoài người dân ở Sài Gòn, chùa Bà Ấn còn nằm trong một số tour du lịch dành cho khách nước ngoài, đặc biệt là khách Ấn Độ bởi sự lâu đời và nổi tiếng của nó.
Đây không chỉ là di sản của những người Ấn từng sinh sống ở mảnh đất này mà còn là nơi những người Ấn xa quê có chốn tâm linh trong thời gian làm việc ở Sài Gòn. Ngay cả những người ở Ấn Độ, khi du lịch tới Sài Gòn cũng tìm cách tới chùa này để biết văn hóa của đất nước họ đã được gìn giữ, phát huy và giao thoa ra sao với những nét văn hóa của người dân bản địa.