Thời nhà Nguyễn, ở Bắc Hà chỉ có hai trường thi Hương. Trường Nam ở Nam Định và trường Hà ở Hà Nội. Trường Nam dành cho học trò các tỉnh miền dưới thi còn trường Hà dành cho các tỉnh miền trên. Do chỉ có hai trường thi, nên mỗi dịp tổ chức thi, số học trò đến thi có đến hàng ngàn người.
Năm 1879, khoa thi Hương cuối cùng mở ở Hà Nội, học trò vào thi lại càng đông. Cũng khoa thi năm ấy đã xảy ra một vụ việc vô tiền khoáng hậu. Đó là hàng ngàn học trò đã đồng loạt bỏ thi để đấu tranh với quan lại triều đình cùng lính thực dân Pháp mà nguyên nhân chỉ bắt đầu từ sự kênh kiệu của một cô tiểu thư nhà giàu.
|
Khung cảnh trường thi thời xưa. Ảnh: Internet.
|
Trong Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội, Doãn Kế Thiện kể lại: Trước ngày vào thi, học trò lũ lượt kéo nhau đi các phố sắm sửa giấy bút và đồ dùng vào trường. Thường lệ, mỗi năm đến khoa thi, các cô gái nhà giàu hay nhà quan lại mượn cớ mở một ngôi hàng bán giấy bút, vải vóc ở các phố gần trường thi, để nhân dịp ngắm nhìn những thầy khóa, thầy đồ hàng ngày qua lại mua hàng và kén lấy một người như ý may ra một bước làm nên quan.
Bấy giờ ở gần khu vực trường thi có Bá hộ Kim vốn là một nhà giàu có tiếng. Cả Thủ đô đều biết hắn giàu có là nhờ làm tay sai đắc lực cho bọn thực dân Pháp nên người ta rất ghét hắn. Năm ấy, mấy cô con gái Bá Kim cũng theo “mốt” mở cửa hàng bán giấy bút cho học trò.
Giữa hôm sắp sửa vào kỳ thi, cửa hàng con gái Bá Kim có một số học trò, người các tỉnh miền dưới vào mua hàng. Trong câu chuyện, không biết các thầy khóa có nói năng nghịch ngợm gì làm mấy cô tiểu thư không vừa ý. Vốn sẵn tính khinh người, mấy cô này liền giở giọng chua ngoa. Trong lời nói lại có ý mỉa mai vô lễ chạm đến lòng tự ái của các học trò.
Tức thì tin tức lan ra rất nhanh, một truyền mười, mười truyền trăm. Chỉ trong chốc lát bao nhiêu học trò các tỉnh miền dưới ở các nơi đều tụ tập lại trước cửa nhà Bá Kim rồi cử một toán xông vào nhà hỏi tội. Bấy giờ lão Kim đang nằm hút thuốc phiện ở trong nhà. Thấy đám học trò vào hắn bèn lên giọng kẻ cả xỉ mắng, lại sai lũ người nhà cầm gậy gộc ra đuổi đánh và đóng ập cửa lại.
Thế là các học trò hè nhau vây kín nhà Bá Kim. Sự việc ngày càng gia tăng mức độ. Nhiều người qua đường, khi rõ ngọn ngành cũng nhập bọn với đám học trò nên chả bao lâu đám đông đã lên tới hàng ngàn. Sẵn lòng căm ghét Bá Kim, họ kể tội Kim đã làm giàu một cách bất nhân, lại làm tay chân cho giặc để vơ vét của dân của nước. Cùng với lời kể tội là gạch đá ném vào nhà Bá Kim như mưa. Lại có từng toán nối nhau xông vào nhà phá phách và định bắt lấy Bá Kim.
Thấy tình thế của tên tay sai nguy ngập, bọn quan lại ở trong thành, bọn thực dân ở Đồn Thủy phải phái lính trèo cửa sau vào mới cứu được Bá Kim ra. Trong lúc xô xát, bọn lính Pháp còn bắt đem đi một người học trò tên là Trịnh Văn Cầu.
Như đổ dầu vào lửa, các học trò lại càng căm tức, hô hào nhau bỏ không vào thi kỳ đệ nhị nữa, phải cùng nhau hợp sức. Một mặt họ cứ vây nhà Kim, một mặt kéo vào thành, đòi bọn quan lại phải giao trả Trịnh Văn Cầu và bắt Bá Kim phải xin lỗi. Để cổ động nhau đoàn kết, các học trò viết mấy câu thơ lục bát lên những tấm cót đem căng ra ở nhiều nơi.
Thơ rằng:
Chẳng thi, chẳng đỗ, chẳng sao
Anh em không được người nào bỏ nhau
Phải đòi cho được thầy Cầu
Phải đào hết đất nhà giàu đổ đi…
Ban đầu chỉ có học trò và người đi đường. Về sau, dân các làng, các phố nghe tin cũng kéo đến trợ lực mỗi lúc một đông. Số người lên tới hàng vạn. Ban đầu bọn quan lại cũng ra oai định dùng quyền uy đe dọa nhưng hôm sau, trước sức ép dư luận quá lớn bọn chúng phải nhượng bộ. Chúng phái viên đốc học thân chinh ra điều đình, giao trả Trịnh Văn Cầu và đem luôn cả Bá Kim ra trước mặt hàng ngàn người nhận lỗi “con dại cái mang”.
Nhìn vào sự việc ta có thể nhận xét: Nếu đối tượng không phải gia đình Bá Kim – một gia đình tay sai cho giặc bị nhân dân căm ghét thì cuộc bạo động chưa chắc đã xảy ra. Các học trò chỉ đấu tranh trực diện với Bá Kim nhưng có lẽ sự việc này cũng là lời cảnh cáo cho bọn tay sai nói chung.