Cách đánh trận bảo thủ của Gia Cát Lượng
|
Gia Cát Lượng cả đời đánh trận không bao giờ mạo hiểm. |
Gia Cát Lượng đã thực hiện 6 lần phạt Bắc, Khương Duy kế thừa di sản của ông phát binh đánh Ngụy 10 lần. Đánh đi đánh lại trong suốt gần 36 năm, cuối cùng nhà Thục lại là thế lực đầu tiên trong "thế chân vạc" bị diệt vong.
Sau khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng phụ chính kiên trì thực hiện chính sách Đông hòa Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo.
Tuy nhiên, sau khi Lưu Bị đại bại ở Chi Lăng, qua đời ở Bạch Thành, binh lực nhà Thục tổn thất nghiêm trọng, nội bộ chính quyền bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn, bỗng chốc trở thành thế lực có nguy cơ bị diệt vong nhất.
Chủ động xuất kích đối cũng chính là đối sách phòng thủ hữu hiệu nhất với nhà Thục. Đây cũng là lý do Khương Duy tiếp tục ý chí phạt Bắc sau khi Gia Cát Lượng qua đời. Thế nhưng, tất cả các chiến dịch đánh Ngụy của nhà Thục đều thất bại, phải chăng cách đánh của Gia Cát Lượng rồi sau này là Khương Duy có vấn đề?
Nếu muốn phạt Bắc đánh Ngụy khi đó có 5 con đường, trong đó có 3 đường gần nhưng đều là đường núi, không thuận lợi cho việc hành quân. Hai con đường còn lại ở phía tây đều bằng phẳng nhưng lại là đường dài vòng qua núi. Gia Cát Lượng cho rằng đi đường núi quá mạo hiểm nên lựa chọn đi đường dài, hướng về khu vực Lũng Tây, và chủ chương vừa đánh trận vừa trồng trọt để duy trì lương thảo cho cuộc chiến trường kỳ.
Tư Mã Ý từng nói "Gia Cát bình sinh chưa từng mạo hiểm".
Cách đánh trận của Gia Cát Lượng không thể nói là có vấn đề, nhưng nhìn vào kết quả cuối cùng, nói ông và Khương Duy "đã làm sai" thì không hề oan ức. Mà khi đó, Ngụy Diên từng đề xuất kế sách "kỳ binh xuất Tý Ngọ cốc", chỉ tiếc Gia Cát Lượng cho rằng quá nóng vội và mạo hiểm nên gạt đi kế sách này.
Tý Ngọ cốc là con đường ngắn nhất trong 5 hướng tiến quân lên phía Bắc, nhưng cũng là con đường núi gập ghềnh khúc khuỷu. Tuy nhiên, con đường này lại dẫn thẳng đến Trường An mà không cần đi qua những trọng địa phòng thủ ở phía Tây của nhà Ngụy.
Cũng bởi mỗi lần xuất binh đều tiến về địa phận Lũng-Thạch ở hướng Tây, nên nhà Ngụy đều đặc biệt gia cố trọng binh buộc quân Thục giao chiến ở khu vực này, vì thế sau bao năm chiến tranh, kinh đô Trường An của nhà Ngụy luôn bình an vô sự bởi cách xa chiến trường.
Tính khả thi của kỳ mưu
|
Ngụy Diên: Tinh túy binh pháp chính là ở chữ "kỳ". |
Khi Gia Cát Lượng cho rằng tiến quân theo hướng Tý Ngọ cốc quá mạo hiểm, Ngụy Diên đã than rằng "tinh túy binh pháp chính là ở chữ kỳ". Vậy nếu thực hiện kỳ mưu Tý Ngọ cốc, liệu khả năng thành công là bao nhiêu? Dựa trên tình hình cục diện khi đó, cần 3 yếu quyết để kế sách này có thể thành công.
Thứ nhất là tốc độ. Ngụy Diên khi đó xin 5.000 tinh binh và 5.000 hậu cần, gấp rút tiến quân theo hướng Tý Ngọ cốc, có thể trong vòng 10 ngày đến được Trường An, đánh cho kẻ địch trở tay không kịp.
Thế nhưng trong vòng 10 ngày thực sự có thể đến được Trường An sao? Hậu thế sau này có một nhân vật tên Sấm Vương, đã di chuyển theo hướng Tý Ngọ cốc, nhưng ông cần tới 15 ngày để đi hết con đường núi và khi ra ngoài thì rơi ngay vào "chiếc lưới" mà kẻ địch sớm đã chuẩn bị trước.
Đặt vào trường hợp lý tưởng, nội trong vòng 10 ngày, quân của Ngụy Diên có thể ra khỏi Tý Ngọ cốc. Nhưng sau đó thì sao?
Chính là nằm yếu quyết thứ hai: Tốc chiến. 5.000 tinh binh và 5.000 hậu cần đi theo đường núi, chỉ có thể mang theo lương thảo dùng cho 20 ngày lương. Vì thế sau khi ra khỏi Tý Ngọ cốc, Ngụy Diện chỉ có 10 ngày để công hạ Trường An.
Gia Cát Lượng từng chuẩn bị rất kỹ lưỡng, dẫn vạn quân công đánh thành Trần Thương, một ngôi thành nhỏ cũ, chỉ có hơn 1.000 quân phòng ngự. Kết quả Gia Cát Lượng sau nhiều tháng vẫn không thể hạ Trần Thương và buộc phải lui binh.
Kỳ mưu Tý Ngọ cốc của Ngụy Diên là bộc phát, thế nên nếu hành quân cấp tốc sẽ chuẩn bị không được kỹ càng. Trong khi đó, thành Trường An dù bị động nhưng là vẫn là một ngôi thành lớn và binh lực hùng hậu hơn Trần Thương rất nhiều. Chỉ với 5.000 tinh binh, việc Ngụy Diên hạ thành Trường An trong 10 ngày có thể nói là thiếu thực tế.
Yếu quyết cuối cùng là khả năng thủ thành. Giả sử Ngụy Diên có thể vượt qua Tý Ngọ cốc trong 10 ngày, đồng thời 10 ngày tiếp theo công hạ được Trường An, nhưng sau đó quân Ngụy quay lại chiếm thành thì sao?
Ngụy Diên tuy là đại tướng có khả năng thủ thành không hề tầm thường, nhưng chỉ với 5.000 tinh binh, thậm chí sau khi công hạ Trường An quân số không còn đầy đủ như vậy, thì khó có thể giữ được thành quả.
Cho dù Ngụy Diện cố thủ để chờ viện binh, nhưng đại quân Thục Hán chủ yếu là bộ binh, còn nhà Ngụy kỵ binh chiếm đa số, vì vậy chắc chắn quân Ngụy sẽ là bên tiếp cận Trường An trước. Khi đó với quân số ít ỏi trong thành, Ngụy Diên khó mà chống trả và thành Trường An cuối cùng vẫn trở về tay nhà Ngụy.