Vào thời Thuận Trị nhà Thanh, thái giám được chia thành 13 cấp, chủ yếu làm việc trong Nội vụ phủ. Trong giai đoạn Ung Chính tại vị, thành lập Lễ bộ thị lang kiêm Lễ bộ thượng thư. Trách nhiệm công việc chủ yếu là quản lý, ghi chép cuộc sống hôn nhân của Hoàng đế và phi tử, cùng hồ sơ của hoàng thất. Mỗi lần hoàng thượng và hoàng hậu "đồng sàng cộng chẩm", thái giám hầu hạ đều phải ghi lại ngày tháng tỉ mỉ, để sau này có thai xác minh danh tính. Thủ tục phức tạp hơn một chút khi Hoàng đế và các phi tần "động phòng".
Trong cuộc sống hàng ngày, vào cuối mỗi bữa ăn, thái giám lại dâng lên một chiếc mâm lớn, bên trên xếp ngay hàng thẳng lối những thẻ ghi tên của tất cả phi tần trong hậu cung. Hoàng đế chọn thẻ nào thì phi tử đó được cơ hội thị tẩm. Nếu Hoàng đế không có ý muốn, chỉ cần nói "lui xuống", thái giám nghe lệnh bê mâm rời đi.
Khi Hoàng đế đã chọn được tấm thẻ mình thích, thái giám bê mâm ra ngoài lại đưa cho thái giám phụ trách việc phi tần chuẩn bị thị tẩm. Thái giám này được gọi là "thái giám đà phi", trong đó từ "đà" có nghĩa là cõng, vác.
"Thái giám đà phi" trước tiên thông báo cho phi tần được Hoàng đế chỉ định để nàng chuẩn bị (tắm rửa sạch sẽ, tốt nhất là tắm bằng hoa và hương liệu cho thơm). Tắm xong, phi tần không mặc quần áo, mà chỉ quấn người bằng tấm chăn. "Thái giám đà phi" sẽ khiêng phi tần thẳng vào phòng ngủ của Hoàng đế. Mục đích của quy trình này là để giảm thiểu khả năng người khác mang vũ khí ám sát Hoàng thượng.
Kính sự phòng thuộc Nội vụ phủ, ghi chép những chuyện giường chiếu của Hoàng đế, còn thường xuyên tư vấn và hỏi chuyện với Thiên tử về những điều nhạy cảm của đàn ông, nên Kính sự phòng hầu hết đều do thái giám quản lý, cung nữ không thể tham gia.
Kính sự phòng có hai chức năng chính, một là chịu trách nhiệm trừng phạt các cung nữ và thái giám mắc lỗi, hai là ghi lại ngày tháng và địa điểm mỗi lần Hoàng đế thị tẩm phi tần, để tiện cho việc kiểm tra và đối chiếu tình hình thụ thai của phi tử trong tương lai.
Trong chốn thâm cung tường cao cửa lớn, chỉ có những người được Hoàng thượng sủng ái mới có tương lai xán lạn. Vì vậy để được Hoàng đế chú ý, các phi tần thường âm mưu đấu đá lẫn nhau.
Ngoài việc được Hoàng đế sủng ái, còn có một phương pháp khác để nâng cao địa vị, đó là: Mẹ quý nhờ con!
Mà muốn có con thì phải có cơ hội được Hoàng đế thị tẩm, cho nên Kính sự phòng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Một số phi tần không được sủng ái sẽ bỏ tiền mua chuộc quản sự của Kính sự phòng hoặc ít nhất phải là thái giám phụ trách bê mâm thẻ ghi tên sau mỗi bữa ăn tối của Hoàng đế.
Bằng cách này, thái giám sẽ đặt thẻ tên của họ ở vị trí nổi bật nhất hoặc vị trí mà Hoàng đế thường quay sang, điều này làm tăng đáng kể khả năng được chọn. Nếu phi tần vô tình xúc phạm đến người trong Kính sự phòng, đám thái giám sẽ làm khó dễ, thậm chí còn khiến thẻ tên của nàng "biến mất" trên mâm dâng lên Hoàng đế, khiến nàng mãi mãi mờ nhạt trong hậu cung.
Khoản hối lộ của phi tần thường nhiều hơn tiền lương hàng tháng của thái giám gấp mấy lần nên thái giám nào cũng muốn mình có một vị trí trong Kính sự phòng, dù nhỏ nhất.
Song vì muốn Hoàng đế không quá mê đắm sắc đẹp, nên thời gian thị tẩm được quy định nghiêm ngặt. Khi Hoàng đế làm chuyện phòng the, sẽ có thái giám canh giữ bên ngoài, khi hết giờ sẽ gọi lớn ngoài cửa để nhắc nhở thời gian đã điểm.
Hậu cung nhiều phi tần, không phải ai cũng nhiều vàng bạc bổng lộc để mua chuộc Kính sự phòng nên chỉ đành để họ đè đầu cưỡi cổ, hoặc làm những chuyện xấu hổ khác để thái giám tạo cơ hội cho mình với Hoàng đế.
Khi được sủng ái và sở hữu địa vị trong hậu cung, phi tần này cũng không quên sự giúp đỡ trước đó của thái giám, cho nên thái giám này càng có quyền lực hơn.
Với tất cả điều này, Kính sự phòng có thể xem là một "mỏ vàng" đối với thái giám, không những có thể nhận vô số tiền bạc, mà còn khiến các phi tần trong cung phải sợ hãi nhún nhường.