Người Mông Cổ xuất thân du mục, thường không định cư ở bất kì nơi nào quá lâu trên thảo nguyên. Các nghiên cứu lịch sử về đế quốc Mông Cổ chủ yếu do những quốc gia láng giềng ghi chép lại hoặc dựa vào những nơi đạo quân Mông Cổ từng chiếm đóng.
Đế quốc Mông Cổ hùng mạnh gần như “tàng hình” đối với khảo cổ học, vì gần như không để lại bất cứ dấu vết gì. Một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Antiquity, hé lộ về Karakorum, nơi Thành Cát Tư Hãn chọn xây dựng kinh đô.
Nhưng Karakorum không phát triển thành kinh đô theo cách bình thường, từ ngôi làng nhỏ, dần trở thành nơi tập trung đông dân cư.
Thay vào đó, người Mông Cổ “bê nguyên một kinh đô” đặt ở thảo nguyên, sử dụng làm nơi tiếp đón các sứ thần, thương nhân, thợ thủ công và lữ khách dọc theo Con đường Tơ lụa.
Theo giáo sư khảo cổ Jan Bemann đến từ Đại học Rhenish Friedrich Wilhelm University ở Đức, năm 1220, Thành Cát Tư Hãn chọn thung lũng sông Orkhon tiếp giáp với vùng đồng cỏ bằng phẳng làm nơi xây dựng kinh đô.
Quá trình xây dựng bắt đầu ngay sau đó, tới 15 năm sau thì hoàn thiện, dưới thời Đại hãn Mông Kha.
Karakorum là thành phố duy nhất do người Mông cổ xây dựng, sử dụng nô lệ và các vật liệu thu thập từ bên ngoài, Bemmann giải thích.
“Người Mông Cổ bắt những người thợ tay nghề giỏi nhất ở Trung Á và đưa họ tới miền trung Mông Cổ để xây dựng kinh đô”, Bemmann nói.
Kể từ khi hoàn thiện vào năm 1235, cứ hai lần trong năm, Đại hãn Mông Cổ tới ở tại kinh đô, mỗi lần không quá lâu.
Các nhà khảo cổ phát hiện, người Mông Cổ tham vọng biến Karakorum thành một kinh đô sầm uất, nhưng vẫn còn tới 40% diện tích đất trống nằm trong 4 bức tường thành kiên cố.
Bên cạnh đó, Karakorum chịu nhiều ảnh hưởng từ quá trình xây dựng đô thị của người Trung Quốc và các nền văn minh Trung Á, nhưng thành phố vẫn mang đặc trưng của người Mông Cổ.
“Cung điện của Đại hãn Mông Cổ được đặt ở phía nam, hướng tầm nhìn ra xa khỏi thành phố”, Bemmann viết. “Ở Trung Hoa, cung điện của hoàng đế thường được xây ở trung tâm. Nhưng với người Mông Cổ, khu vực trung tâm là nơi an táng người chết”.
Các nhà nghiên cứu hiện chưa biết rõ tại sao thành phố lại còn nhiều khu đất trống đến vậy. Nhìn chung, Karakorum có mật độ dân số thấp. Khu đất trống có thể là nơi dựng lều trại của binh sĩ khi Đại hãn Mông Cổ quay về kinh đô.
“Các Đại hãn Mông Cổ thường chỉ ở lại Karakorum khoảng 10 ngày hoặc 2 tuần, đem theo hàng ngàn cận vệ và quân tinh nhuệ”, Bemmann viết.
Cách bố trí đường sá và cấu trúc các tòa nhà thể hiện đặc trưng phong cách Mông Cổ, không phải lấy cảm hứng từ Trung Hoa.
Lý giải về việc Karakorum bị lãng quên, Bemmann nói nguyên nhân không phải do bị kẻ thù cướp phá.
Sau 4 đời Đại hãn Mông Cổ ở tại Karakorum, Khả hãn Hốt Tất Liệt thống nhất Trung Hoa, lập ra nhà Nguyên, đặt kinh đô mới ở Đại Đô (nay là Bắc Kinh).
Karakorum ở cách xa Đại Đô, không còn được người Mông Cổ tập trung xây dựng và phát triển. Năm 1586, một tu viện phật giáo được xây dựng ở Karakorum, trên vùng đất cung điện xưa.
Những khu vực xung quanh dần bị sa mạc và sinh vật hoang dã xâm lấn cho đến ngày nay.