Tiếu ngạo giang hồ được coi là một trong những tiểu thuyết đặc sắc nhất của cố nhà văn Kim Dung, với nhiều thành công về nội dung, cốt truyện, thủ pháp văn học. Tiếu ngạo giang hồ đã có một hệ thống các môn phái phong phú với nhiều nhân vật điển hình để lại nhiều ấn tượng cho người đọc.
|
Tả Lãnh Thiền trong phim Tiếu ngạo giang hồ 2001. |
Trong số các môn phái nổi danh như Thiếu Lâm, Võ Đang với nhiều cao thủ và sở hữu các môn tuyệt thế võ công đã trở thành thương hiệu trong lòng độc giả yêu thích thế giới võ hiệp Kim Dung, thì Ngũ Nhạc kiếm phái xuất hiên trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ với công cuộc hợp nhất năm phái thành một môn phái của Tả Lãnh Thiền (trong phim còn thuyết minh là Tả Lãnh Thiên) được coi là cái hồn của tác phẩm, tuy nhiên Ngũ Nhạc kiếm phái lại không được Kim Dung coi là một môn phái mạnh trong võ lâm.
|
Lệnh Hồ Xung – Đệ nhất cao thủ đương thời của Ngũ Nhạc kiếm phái. |
Bởi ngoài Phong Thanh Dương, Lệnh Hồ Xung, Tả Lãnh Thiền và Nhạc Bất Quần ra thì Ngũ Nhạc kiếm phái không còn có cao thủ nào có thể xứng tầm võ lâm. Nhưng tất cả các cao thủ trên đều nổi danh không phải do sử dụng võ công của môn phái mình. Phong Thanh Dương, Lệnh Hồ Xung nổi tiếng với Độc cô cửu kiếm do Độc Cô Cầu Bại sáng tạo ra, Tả Lãnh Thiền nổi tiếng nhờ Hàn băng thần công do mình tạo ra, Nhạc Bất Quần trở thành cao thủ đánh bại cả Tả Lãnh Thiền nhờ Tịch tà kiếm pháp của nhà họ Lâm.
Trong bối cảnh của tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ, Ngũ Nhạc kiếm phái là tên gọi chung của năm chi phái nằm ở năm ngọn núi lớn (Ngũ Nhạc) là Đông nhạc Thái Sơn, Tây Nhạc Hoa Sơn, Nam Nhạc Hành Sơn, Bắc Nhạc Hằng Sơn và Trung Nhạc Tung Sơn. Chưởng môn phái Tung Sơn là Tả Lãnh Thiền được tôn là minh chủ của Ngũ Nhạc kiếm phái. Đặc điểm chung của Ngũ Nhạc kiếm phái là các môn phái đều lấy kiếm thuật làm môn võ học trung tâm.
Tuy đều có điểm chung là sử dụng kiếm thuật nhưng mỗi môn phái trong Ngũ Nhạc kiếm phái đều mang trong mình những sở trường riêng, làm nên nét đặc trưng của từng môn phái. Phái Hoa Sơn nổi tiếng với Hoa Sơn kiếm pháp và Tử hà thần công, cùng hai trường phái kiếm tông (lấy chiêu số kiếm thuật làm trung tâm) và khí tông (lấy việc rèn luyện nội công làm điểm mạnh).
Phái Hành Sơn nổi tiếng với các cao thủ kiếm thuật đều mê âm nhạc, những chiêu thức đều gắn liền với âm nhạc. Phái Hằng Sơn là kiếm phái được sáng lập bởi những nhà nữ tu hành (hay các ni cô), đời đời đệ tử đều là nữ giới (bao gồm cả các nữ tu và đệ tử tục gia).
Phái Thái Sơn nằm ở núi Thái Sơn, trung tâm của Đạo giáo, cũng là kiếm phái của những người theo đạo Giáo. Phái Tung Sơn nằm ở trên đỉnh Thái Thất thuộc dãy Tung Sơn ở tỉnh Hà Nam (cùng với phái Thiếu Lâm trên đỉnh Thiếu Thất), đứng đầu là chưởng môn Tả Lãnh Thiền. Tả Lãnh Thiền đã thu nhận nhiều nhân vật từ cả các giới hắc bạch nhằm xây dựng lực lượng hùng hậu nên lúc đó phái Tung Sơn có nhiều cao thủ nhất.
Tả Lãnh Thiền là người có tài, chí lớn, mưu độc kế sâu, nhiều thủ đoạn, nuôi ý định hợp nhất năm phái trong Ngũ Nhạc kiếm phái thành một phái duy nhất gọi là Ngũ Nhạc phái do y làm chưởng môn. Sau đó sẽ dựa vào sức mạnh của Ngũ Nhạc để thôn tính Thiếu Lâm, diệt trừ Võ Đang, tận diệt Ma Giáo, độc bá võ lâm.
Sau nhiều năm hao tâm chuẩn bị với nhiều thủ đoạ: Mua chuộc, chia rẽ nội bộ, cài người làm nội gián, thậm chí thẳng tay đàn áp đối với các môn phái trong Ngũ Nhạc, Tả Lãnh Thiền tiến đến bước cuối cùng trong kế hoạch hợp nhất bằng việc tổ chức đại hội hợp nhất Ngũ Nhạc trên núi Tung Sơn. Đỉnh điểm trong đại hội này là việc các môn phái của Ngũ Nhạc thống nhất biện pháp dùng võ công để bầu chưởng môn, dẫn đến sự kiện Tỷ Kiếm Đoạt Soái trên Phong Thiền Đài, núi Tung Sơn. Tuy nhiên, âm mưu thống nhất Ngũ Nhạc kiếm phái thành một phái duy nhất của Tả Lãnh Thiền thất bại, bị Nhạc Bất Quần âm thầm đoạt chức vị chưởng môn hợp nhất Ngũ Nhạc kiếm phái thành Ngũ Nhạc phái.
Mặc dù mang tiếng là hợp nhất Ngũ Nhạc nhưng sau khi tỷ kiếm đoạt soái xong, tình trạng trong Ngũ Nhạc phái lại càng thêm hỗn loạn, không những người trong các phái không coi nhau là đồng môn mà mâu thuẫn còn dâng cao hơn trước. Tả Lãnh Thiền tuy trọng thương tàn phế nhưng hùm tâm tráng trí chưa dứt, vẫn ôm ấp mưu toan thay đổi đại cục.