Phong thần diễn nghĩa hay Phong thần bảng là bộ tiểu thuyết lịch sử – thần thoại, mượn câu chuyện Vũ Vương phạt Trụ và Khương Tử Nha phong Thần để gửi gắm những Thần dụ có ý nghĩa sâu xa.
Trong tiểu thuyết này, Khương Tử Nha là đệ tử của Nguyên Thủy Thiên Tôn có sứ mạng phong các vị thánh thần từ việc giúp nhà Chu lật đổ nhà Thương.
Khương Tử Nha là nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết Phong thần diễn nghĩa.
Phong Phong thần diễn nghĩa có ghi lại: Một hôm, Nguyên Thủy Thiên Tôn ngồi trên tòa Bát Bảo, nói với Bạch Hạc đồng tử rằng: “Mời Khương Thượng sư thúc đến đây”.
Bạch Hạc đồng tử đi tới vườn đào, thỉnh mời Khương Tử Nha: “Sư thúc, lão gia cho mời”.
Tử Nha nhanh chóng tiến vào Ngọc Hư Cung, thi lễ nói: “Đệ tử Khương Thượng bái kiến sư tôn”.
Thiên Tôn hỏi: “Ngươi đã lên núi Côn Lôn này được bao lâu rồi?”
Tử Nha nói: “Đệ tử 32 tuổi đã lên núi, đến hôm nay đã là 72 tuổi rồi”.
Thiên Tôn nói: “Ngươi sinh ra đã bạc mệnh, Tiên Đạo khó thành, chỉ có thể hưởng phúc thế gian. Thành Thang số đã tận, nhà Chu vận đang hưng, ngươi hãy thay ta Phong Thần, xuống núi trợ giúp minh chủ, cũng là không uổng công ngươi lên núi tu hành suốt 40 năm. Nơi đây cũng không phải là nơi ngươi cần sống, hãy thu xếp rồi xuống núi cho sớm”.
Khương Tử Nha khẩn khoản: “Đệ tử thành tâm xuất gia, tháng ngày chịu khổ, nay cũng đã tu hành được nhiều năm, tuy rằng ngộ tính thấp kém, nhưng mong sư phụ từ bi, chỉ ra cho con chỗ mê để tỉnh giác. Đệ tử tình nguyện ở lại trên núi tu khổ hạnh, không dám tham luyến phú quý hồng trần, mong sư phụ dung nạp”.
Thiên Tôn nói: “Ngươi mệnh duyên như thế, tất phải thuận ý trời, há có thể không tuân theo sao?”.
Theo lời của Nguyên Thủy Thiên Tôn, số mệnh của Khương Tử Nha chính là cần phải như thế, Thiên ý không thể không tuân theo.
Khương Tử Nha vâng lời sư phụ. Bấy giờ, Cơ Xương nuôi chí lật đổ nhà Thương, đi khắp nơi tìm kiếm người hiền tài. Một hôm, lên núi Bàn Khê thấy Khương Tử Nha ngồi câu cá với một lưỡi câu thẳng. Thấy lạ, Cơ Xương mới hỏi: "ông lão, sao câu cá bằng lưỡi câu thẳng thế thì câu sao được?".
Khương Tử Nha mới trả lời: "Lưỡi câu bình thường chỉ câu được cá, lưỡi câu này mới câu được minh chủ".
Thấy vậy Cơ Xương mới đem những chuyện thế cuộc ra hỏi, quả nhiên Khương Tử Nha trả lời thông suốt cho thấy những kiến giải siêu phàm thế là từ đó Khương Tử Nha theo phò Cơ Xương.
Khương Tử Nha tên thật là Khương Thượng, tự Tử Nha, lại có tự Thượng Phụ, là khai quốc công thần nhà Chu thế kỷ 12 trước Công nguyên và là quân chủ khai lập nước Tề tồn tại từ thời Tây Chu đến thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Khương Tử Nha trợ giúp Chu Văn Vương diệt nhà Thương, dựng lập nhà Chu, sau khi diệt nhà Thương và phong Thần xong, Khương Tử Nha vốn định quay trở về núi Côn Luân để tu Đạo thành tiên. Nhưng, Nguyên Thủy Thiên Tôn nói với Khương Tử Nha rằng, cốt cách của ông quá kém nên hãy chuyển thế tiếp tục tu hành, còn tự mình hứa sẽ ban cho ông quả vị Đại La Thần Tiên.
Vì việc Khương Tử Nha phong Thần đối với bổn giáo là có công lao to lớn, do đó Nguyên Thủy Thiên Tôn đặc biệt sai người truyền đạt ý chỉ đến Địa Phủ rằng, Khương Thượng cần phải là bậc kỳ tài, thông minh tuyệt đỉnh, có Cửu Khiếu Linh Lung Tâm (trái tim có 9 lỗ) mới được chuyển thế. Cửu Khiếu Linh Lung Tâm, phải 500 năm mới xuất hiện một lần. Vì thế, sau khi Khương Tử Nha qua đời, phải đợi mãi đến thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, Cửu Khiếu Linh Lung Tâm mới xuất hiện.
Qua đó, dân gian Trung Quốc lưu truyền câu nói rằng: “Khương Thượng trước, Tôn Tẫn sau, năm trăm năm trước Gia Cát Lượng, năm trăm năm sau Lưu Bá Ôn”.