Gọi bà Thu là người tô điểm màu sắc, mang những hương hoa trải trên những cung đường Hà Nội hẳn cũng không ngoa. Có người bảo bà là người hoài cổ, luôn muốn níu giữ những phần ký ức về một không khí Tết Hà Nội cũng đúng. Bởi cuộc đời bà gắn liền với những gánh hàng hoa, từ khi bà mới 13 tuổi. Và chính bà là người gìn giữ thói quen dâng tổ tiên những đĩa hoa Tết dân dã cho những người muốn tìm lại miền ký ức Hà Nội xưa…
Gói hoa “gánh” cả miền ký ức
Khi đọc cuốn sách viết về gói hoa cúng của cố nhà văn Băng Sơn (Thú “ăn chơi” của người Hà Nội), một nhà văn đã cảm thán rằng: Cái lối cúng hoa, chơi hoa của người Hà Nội đơn sơ mà đẹp, nghe Băng Sơn kể, muốn cầm tận tay một gói hoa gói bằng lá dong bồ tát, mà không biết có còn không? Ấy là miền ký ức của những người biết thưởng hoa, chơi hoa của một Hà Nội xưa cũ…Những tưởng thú chơi tao nhã mà bình dị ấy mãi chỉ còn trong ký ức, thế nhưng, nó vẫn hiện hữu bên một “gánh hàng hoa” trên phố Hàng Khoai (Hà Nội), bởi một người sinh ra và lớn lên ở làng hoa Ngọc Hà.
|
Gói hoa cúng đơn giản, nhưng “gói” cả một miền ký ức Hà Nội. |
Bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, thế nhưng bất kể ngày mưa, ngày nắng hay gió rét, bà Phan Thị Thu (80 tuổi) vẫn không bỏ buổi chợ nào. 13 tuổi, cùng gánh hàng hoa của mình, đôi chân bà đã in đậm trên khắp các cung đường của Hà Nội. Vì vậy, khi nói về gói hoa cúng, cũng như về bà Thu ở khu phố cổ, từ khắp các con phố như Hàng Ngang, Hàng Đào hay chạy dài từ chợ Đồng Xuân đến phố Hàng Khoai, không ai là không biết đến bà; người hàng chục năm qua vẫn gìn giữ thói quen dâng cúng tổ tiên đĩa hoa thơm ngày Tết và gìn giữ cho những người con Hà Nội mong muốn tìm về miền ký ức xưa cũ.
Kể về gánh hàng hoa của mình, bà Thu cười rồi bảo: “Khác với những shop hoa rực rỡ tại Hà Nội, gánh hàng hoa của bà đơn giản lắm, gói hoa cúng vì thế cũng đơn giản theo. Đôi khi chỉ là vài rổ hoa với đủ loại màu sắc, đủ loại hoa theo mùa, nhưng cũng đã làm nên sự khác biệt và làm nên một không gian ngát hương”. Cũng theo bà Thu, mỗi mùa, bà bán từng loại hoa khác nhau, nhưng tất thảy những loại hoa ấy đều toát lên một mùi hương thoang thoảng, quyến rũ, khiến cho những ai từng chiêm ngưỡng, từng sở hữu gói hoa cúng do tay bà gói đều cảm nhận được sự an lành, nhẹ nhàng và ấp áp giữa một Hà Nội xô bồ, vội vã của hiện tại.
Vào mỗi dịp lễ, Tết, các loại hoa bà dành để trưng bày bàn thờ gia tiên thường là hoa hồng, hoa lan tây, hoa bưởi, hoa móng rồng, sói trắng...Gói hoa cúng vì thế cũng có nhiều loại, tuy nhiên nhỏ nhất cũng phải đảm bảo đủ từ 5-7 loại hoa, còn trung bình thường từ 10-12 loại, tùy theo nhu cầu của khách mà bà Thu gói hoa to hay nhỏ. Bà bảo, những loài hoa này có một mùi hương đặc trưng rất riêng, quyện hòa cùng với mùi hương trầm khiến cho con người cảm thấy như được động viên, khích lệ.
“Bà còn nhớ, cứ mỗi sáng mùng 1, trong cái rét ngọt của ngày đầu xuân, khi đĩa hoa cúng được bày trên ban thờ, là mùi hương trầm thơm dịu quyến rũ của đĩa hoa cúng lại lan tỏa khắp nhà làm ấm sực không gian của gia đình, khiến những bàn tay nội trợ trong nhà không khỏi phấn khích, háo hức vào bếp, chuẩn bị một mâm cơm tươm tất, dâng lên bàn thờ gia tiên vào thời khắc quan trọng nhất trong năm…Cứ nghĩ đến ngày xa xưa ấy là lại nao lòng, nên dù xã hội có thay đổi thế nào, dù các loại hoa được lai ghép, biến đổi ra sao, thì nhà bà vẫn dùng đĩa hoa cúng để gìn giữ những nét văn hóa một thời của Hà Nội” – bà Thu bùi ngùi .
Khắc khoải níu giữ ký ức xưa cũ
Xã hội ngày một phát triển, những thú chơi tao nhã của người Hà Nội dần bị mai một theo thời gian. Đặc biệt, qua sự sàng lọc khắc nghiệt của kinh tế thị trường, những người trồng hoa truyền thống, giữ nghề cũng dần mai một. Bởi theo lối tư duy của mỗi người, ai ai cũng muốn “đánh nhanh thắng nhanh”, làm sao để thu hồi vốn càng sớm càng tốt. Nếu trồng những loại hoa dành để làm thành đĩa hoa cúng, có khi phải mất cả nửa năm mới thu hoạch, hay để gói một gói hoa cúng cũng phải mất thời gian, cầu kỳ, ít lợi nhuận…
Bà Thu mong muốn níu giữ văn hóa Hà Nội qua gói hoa dâng tiên tổ.
Bởi thế, những người làm nghề như bà Thu ở Hà Nội giờ chẳng còn ai, ngay cả đối với người yêu nghề và “say” nghề gần 70 năm như bà, hiện cũng phải vất vả đề giữ nghề, vất vả để gom được những thứ hoa thơm ít ỏi còn sót lại, rồi gom góp, gói ghém vào đĩa hoa cúng. Theo bà Thu, để gói được một gói hoa cúng, trước tiên khâu lựa chọn hoa là cực kỳ quan trọng, trong đó không thể thiếu hoa bưởi, hoa móng rồng, hoa sói, lan tây, hoa hồng; tiếp đó, lá dùng để gói hoa cũng phải lựa thật kỹ, phải là lá dong bồ tát (lá dong nếp, nhỏ, dài, bóng đẹp), nếu hết mùa thì được thay thế bằng lá chuối, tuyệt nhiên không dùng bất kỳ loại lá nào khác. Sau đó cắt vuông góc rồi gập 1/3 lá lại theo hình củ ấu, rồi dùng dây lạt buộc thắt lại (lạt được chẻ mỏng, mềm và dai).
“Gói hoa không đòi hỏi sự quá khéo léo, nhưng cũng đủ để đánh giá sự nữ tính, nhẹ nhàng của con gái Hà thành. Những chùm hoa nhỏ xinh, xếp lẫn vào nhau, đặt trong những chiếc lá dong bồ tát rồi được gói lại vuông vắn, như một chiếc bánh chưng. Mang gói hoa về nhà, chỉ cần khẽ cởi lạt, những mùi hoa quyện lại, tỏa hương thơm ngát khắp phòng” – bà Thu tâm sự.
Trước đây mỗi dịp Tết đến, xuân về, gánh hàng hoa của bà lại đông nghịt người mua hoa. Có người mua liền cả chục gói để dùng dần. Mỗi ngày mở một gói, đưa ra đĩa rồi đặt lên bàn thờ, để gửi tấm lòng của mình đến gia tiên. Hoặc cũng có người mua để dành đến tiết thanh minh…Hoa đĩa đặt trên bàn thờ thường được để cho khô, nhiều người coi những cánh hoa khô ấy như chân hương, trân trọng, giữ gìn, bởi hoa khô rồi, nhưng hương của hoa vẫn thoang thoảng, phảng phất mùi thơm, như một chứng minh cho tâm thành của con cháu dành cho tổ tiên.
Bây giờ, con người đang đơn giản hóa mọi thứ, cứ mua hoa cành về cắm vào lọ là xong, nhưng bà Thu vẫn quyết giữ lại đặc sản riêng vốn có của người làng mình. Mặc dù người mua hoa, thưởng hoa gói cúng tết ngày một ít đi, nhưng mỗi ngày chợ, bà vẫn luôn mang theo ít lá để dành gặp những vị khách, những người con Hà Nội xa quê hương muốn tìm miền ký ức xưa cũ, bà lại tỉ mẩn, nhẹ nhàng gói hoa cho khách.
Những lúc ấy, cả người bán và người mua đều im lặng, dõi theo từng động tác gói hoa như muốn níu lại không gian của Hà Nội xưa cũ...
“Thế hệ trẻ bây giờ không mấy ai còn quan tâm đến thú chơi tao nhã của người Hà Nội xưa qua gói hoa cúng nữa, chỉ có những người hoài cổ như bà, mới cố gắng gìn giữ nét đẹp tao nhã này. Mặc dù hiện nay, gánh hàng hoa của bà vắng khách hơn, ít mang lại giá trị kinh tế hơn so với những shop hoa khác, nhưng bà vẫn quyết giữ nghề để cùng những người hoài cổ tìm về không gian của một Hà Nội xưa cũ…Tất cả đó đều là vì tình yêu, vì giá trị truyền thống của dân tộc” – bà Thu khẽ thở dài.
Nhớ về Hà Nội xưa cũ, về những ngày Tết cách đây hàng chục năm cùng những kỷ niệm đưa bà đến với “nghiệp” gìn giữ thú chơi tao nhã của người Hà Nội, bà Thu bảo, người làng Ngọc Hà tự hào lắm vì đĩa hoa cúng là đặc sản riêng của người làng hoa mà không nơi nào có. Vì thế, ngày xưa người làng Ngọc Hà cắp rổ đi bán hoa rong khắp nơi, từ nhỏ cho đến già, họ đi khắp từ phố nọ sang phố kia, mệt, nhưng rất vui vì họ giữ được truyền thống gia đình, giữ được nét đẹp tão nhã, đời thường của người Hà Nội.