Khám phá tòa thành “Thành Cổ Loa” có niên đại cổ nhất ở Việt Nam

Google News

Khu Di tích Lịch sử, Kiến trúc Nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 18 km về phía bắc. Nơi đây từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương (thế kỷ thứ III trước Công nguyên).

Thành gắn liền với những truyền thuyết kỳ thú của dân tộc Việt Nam, về việc Vua An Dương Vương định đô xây thành, và chiếc nỏ thần Kim Quy bắn một phát hạ hàng trăm tên giặc, về mối tình bi thương và cảm động của Mỵ Châu - Trọng Thuỷ... Từ bao đời nay, dấu vết của ngôi thành cổ này cùng với những nhân vật được huyền thoại hoá đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam.
Kham pha toa thanh “Thanh Co Loa” co nien dai co nhat o Viet Nam
 
Vào thời Âu Lạc, Cổ Loa nằm vào vị trí đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng và là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và đường bộ. Từ đây có thể kiểm soát được cả vùng đồng bằng lẫn vùng sơn địa. Từ thời đó, khi xây thành, người Việt cổ đã biết lợi dụng địa hình tự nhiên, tận dụng chiều cao của các đồi, gò, đắp thêm đất cao hơn để xây nên hai bức tường thành phía ngoài. Chất liệu chủ yếu dùng để xây thành là đất, rồi thêm đá và gốm vỡ. Xen giữa đất đá là những lớp gốm được rải dày mỏng khác nhau, nhiều nhất là ở chân thành và rìa thành để chống sạt lở.
Kham pha toa thanh “Thanh Co Loa” co nien dai co nhat o Viet Nam-Hinh-2
 
Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là "tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ". Trải qua hàng ngàn năm, ngày nay, Cổ Loa trở thành một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ. Các dấu tích còn lại như đá kè chân thành, gốm rải rìa thành, hào nước quanh co, ụ lũy phức tạp, hỏa mai chắc chắn và nhất là địa hình hiểm trở ngoằn ngoèo… tất cả làm nên nghệ thuật kiến trúc và văn hóa đặc sắc thời An Dương Vương.
Nhắc tới Cổ Loa không ai có thể quên được Cao Lỗ vị tướng giỏi dưới thời vua Thục Phán, chính ông là người sáng tạo ra nỏ Liên Châu (một loại nỏ bắt được nhiều mũi tên cùng 1 lúc) và cũng chính ông là người chỉ huy cho xây dựng Cổ Loa thành. Để tưởng nhớ công ơn của ông người ta đã lập tượng và xây đền thờ ông.
Kham pha toa thanh “Thanh Co Loa” co nien dai co nhat o Viet Nam-Hinh-3
Tượng Cao Lỗ (ảnh sưu tầm) 
Thành Cổ Loa gồm 9 vòng hình xoáy trôn ốc (nên còn gọi là Loa thành) , bên ngoài có hào sâu bao bọc. Song, dấu tích còn lại hiện nay chỉ có ba vòng thành: thành Nội, thành Trung và thành Ngoại. Cả ba lớp thành được nối liền bằng một cửa lớn gọi là Loa Khẩu ở phía Đông Nam. Ngoài ra, mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh bên ngoài. Hào rộng trung bình từ 10m đến 30m. Các vòng hào đều thông với nhau và thông với sông Hoàng. Điều đặc biệt của người xưa khi xây dựng thành Cổ Loa là đã tạo nên sự kết hợp khéo léo của sông, hào và tường thành, không mang hình dạng nhất định. Vì vậy, nếu không am tường, những kẻ lạ khi đột nhập vào thành sẽ như đi lạc vào một mê cung. Vì lẽ đó, thành Cổ Loa được đánh giá là một khu quân sự hoàn hảo, vừa thuận lợi khi tấn công, vừa vững chắc khi phòng thủ.
Khu vực Cổ Loa còn lại đến ngày nay không chỉ là một di tích nhỏ bé mà là cả một quần thể di tích, đó là: 
Đền Thục An Dương Vương: xây dựng năm 1687, đời Lê Hy Tông, sửa lại năm 1689, thường gọi là Đền Thượng, đứng trên một quả đồi xưa có Cung thất của Vua. Cửa đền có hai con rồng đá uốn khúc, tay vuốt râu, nghệ thuật điêu khắc thời Lê. Nhà bia có 3 tấm bia đá khắc năm 1606. Trong đền có đôi ngựa hồng làm năm 1716, tượng đồng Vua Thục đúc năm 1897, nặng 255kg.
Giếng Ngọc: ngay trước đền là một hồ hình bán nguyệt, giữa đắp bờ tròn tạo thành giếng ngọc. Tương truyền, đây là nơi sau khi phản bội, Trọng Thuỷ tự tử, nước giếng này đem rửa ngọc trai thì ngọc sáng đẹp bội phần cho nên thành tên đó.
Am Bà chúa: ngay sau cây đa nghìn tuổi tỏa bóng mát cả một vùng sân rộng, gốc đa rẽ đôi thành chiếc cửa tò vò thiên nhiên mở lối đi vào am. Tượng bà chúa Mỵ Châu là một hòn đá tự nhiên có hình dáng người cụt đầu. Huyền thoại kể rằng: sau khi Mỵ Châu hóa thành hòn đá to trôi dạt về bãi Đường Cấm, ở phía Đông thành Cổ Loa, dân trong thành đem võng ra cáng về đến gốc đa thì đứt võng, hòn đá rơi xuống, bèn lập am thờ ngay tại chỗ.
Đình Ngự Triều Di Quy: xây dựng trên nền điện thiết triều cũ, năm 1907 thời Nguyễn. Dáng vóc vững chãi, bề thế, mái đao vút cong, cột đình có đôi câu đối của Tôn Thất Thuyết, một Thủ lĩnh Cần Vươn 
Dấu tích còn lại ở Cổ Loa hiện nay là một tòa thành cổ nhất, không chỉ đồ sộ về quy mô, mà còn độc đáo về kiểu thức với cấu trúc nhiều lớp thành uốn lượn; là tòa thành cổ nhất, to lớn nhất của Việt Nam và toàn Đông Nam Á thời cổ đại, đồng thời là một công trình lao động có quy mô lớn nhất, sáng tạo nhất của quân dân Âu Lạc.
Trước kia, lễ hội được tổ chức trong 12 ngày, năm nào thiên tai, mất mùa thì chỉ rút ngắn chỉ còn 6 ngày, gọi là “bán trà”. Ngày nay, lễ hội diễn ra từ ngày mồng 5 tháng Giêng và mồng 6 là chính hội, dân địa phương gọi là “ăn tết lại”, là một lễ hội cổ truyền lớn, thu hút hàng vạn lượt người tham dự. 
Khu di tích Cổ Loa trong tương lai với định hướng phát triển du lịch sinh thái - lịch sử, văn hóa - lễ hội - làng cổ gắn ngành nghề truyền thống và ẩm thực vùng sẽ là điểm đến hấp dẫn không chỉ có khách du lịch trong nước mà cả khách du lịch quốc tế.
Theo Đồng Hoa/PetroTimes

>> xem thêm

Bình luận(0)