Berenice III của Ai Cập
Kết thảm của các bà hoàng trong cuộc tranh giành ngai báu khiến mọi người hiểu được phần nào cuộc chiến chốn thâm cung thời xưa. Nữ hoàng Berenice III đã cai trị Ai Cập cổ đại từ năm 81 TCN. Theo đó, bà hoàng này một mình cai trị toàn bộ Ai Cập trong 6 tháng trước khi kết hôn với người con trai riêng Ptolemy XI. Theo đó, bà trở thành người đồng cai trị Ai Cập với người chồng mới cưới.
Ptolemy XI là pharaoh muốn nắm toàn bộ quyền lực nên đã thực hiện kế hoạch ám sát Berenice III. Cụ thể, 19 ngày sau khi tổ chức hôn lễ, Ptolemy XI đã sắp xếp kế hoạch giết người vợ mới cưới. Lý do Ptolemy XI đưa ra quyết định lạnh lùng được cho rằng ông không muốn chia sẻ quyền lực với nữ hoàng Berenice III. Sau khi bà hoàng Berenice III bị sát hại, một cuộc nổi dậy diễn ra nhằm vào Ptolemy XI. Một vài ngày sau khi giết hại vợ nhằm chiếm quyền cai trị đất nước, vị pharaoh này bị hành hình trước cơn thịnh nộ dữ dội của dân chúng.
Amastris
Amastris cai trị Heraclea trong 5 năm trước khi bị sát hại một cách tàn khốc. Bà hoàng Amastris hay còn gọi Amastrine là cháu gái của vua Ba Tư Darius III. Amastris đã trải qua 3 cuộc hôn nhân nhưng đều kết thúc trong bi kịch. Cụ thể, người chồng đầu tiên của cô là Crateros đã bỏ vợ để đi lấy người phụ nữ khác. Người chồng thứ hai là Dionysus ở Hereclea Pontica ngày càng trở nên to béo, khiến Amastris chán nản. Đến người chồng thứ 3 - vua Lysimachos của Macedonia kết thúc cuộc hôn nhân với Amastris của họ để nên duyên cùng một nữ hoàng Ai Cập.
Sau khi kết thúc cuộc hôn nhân với Lysimachos, Amastris về Heraclea và cai trị vùng đất đó một mình. Tại đây, bà đã thành lập thành phố Amastris và một số thị trấn nhỏ khác làm thuộc địa. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên phát hành loại tiền tệ của riêng mình.
Bà hoàng Amastris là người giám hộ của 2 con trai với Dionysus là Clearchus và Oxyarthes. Do các con còn quá nhỏ chưa thể kế vị ngai vàng nên Amastris nắm quyền nhiếp chính. Tuy nhiên, 2 người con trai ham muốn nắm quyền lực nên đã bày mưu sát hại mẹ để lên nắm quyền. Theo đó, Clearchus và Oxyarthes lên kế hoạch khiến người mẹ chết đuối trên biển. Khi nghe tin vợ cũ bị giết hại, vua Lysimachos đã thực hiện việc báo thù bằng cách giết 2 nghịch tử của Amastris cũng như nắm quyền cai trị Heraclea.
Roxana
Roxana là con gái của một quý tộc Bactria và là vợ của Alexander Đại đế. Năm 323 TCN, Alexander Đại đế băng hà vì bệnh tật. Roxana biết rằng đây là thời điểm quan trọng để con trai trở thành người thừa kế ngai vàng. Do vậy, để trừ khử những đối thủ tranh giành ngai vàng, Roxana đã lên kế hoạch giết hại những người vợ khác của Alexander Đại đế bao gồm Stateira II và Parysatis. Chính vì lẽ ấy, vương triều Macedonia diễn ra cuộc tranh đoạt ngôi báu đẫm máu.
Roxana được mẹ chồng - Olympias hậu thuẫn phía sau nên ngày càng ngông cuồng thực hiện âm mưu tranh đoạt ngai vàng cho con trai. Tuy nhiên, cuối cùng Olympias bị Cassander ám sát. Khi không còn người mẹ chồng hậu thuẫn, Roxana và con trai 13 tuổi bị sát hại.