Lời đồn về “dòng sông ăn thịt người”
Sông Đăk Bla bao đời nay là biểu tượng, niềm tự hào của tỉnh Kon Tum. Dòng chảy tĩnh lặng, hiền hòa với nhiều khúc quanh uốn lượn như mê cung, làm thổn thức bất cứ vị khách nào ghé qua thành phố.
Nhưng vào mùa mưa, khi những cơn mưa kéo dài trên mảnh đất Tây Nguyên cũng là thời điểm sông Đăk Bla mất đi sự hiền hòa vốn có. Địa hình phức tạp, nhiều đoạn cua gấp khúc, lòng sông lại rộng nên lượng nước từ thượng nguồn đổ về rất lớn. Dòng nước bỗng dưng trở nên hung tợn, nó cuốn phăng bất cứ thứ gì gặp trên đường đi.
Có lẽ từ thực tế đó mà từ xưa người Bahnar đã gọi dòng sông này là Đăk Krông Bla, có nghĩa là dòng sông nước lớn. Theo tiếng Bahnar, Đăk có nghĩa là sông nước, Bla nghĩa là cuồng nộ, hung dữ.
Năm nào, nước lũ từ sông Đăk Bla cũng nhấn chìm nhiều thứ, trong đó là vô số người, đặc biệt là đàn ông, bỏ mạng trện dòng sông này. Dần dần, người dân địa phương ở Kon Tum sợ hãi đặt cho nó cái tên “dòng sông ăn thịt người” như minh chứng cho sự hung bạo, đáng sợ của con sông đặc biệt.
Nhà văn Tạ Văn Sỹ, người được mệnh danh là “từ điển sống” của vùng đất Kon Tum chia sẻ: “Việc sông này năm nào cũng có người chết đuối, đặc biệt là đàn ông thì có thật. Vì vậy, mỗi lần lũ dâng mạnh trên sông, người dân Kon Tum lại hỏi nhau: Năm nay chưa có người chết hay sao mà nước cứ dâng lên vậy?”.
|
Bãi đá Rơ Wang ngày nay. |
Cũng theo ông, tất cả những tâm thức đáng sợ về “dòng sông ăn thịt người” được gắn liền vào một bãi đá mang tên Rơ Wang giữa dòng Đăk Bla. Qua hàng ngàn năm, bãi đá ấy vẫn nhô lên, sừng sững bên dòng nước cuồn cuộn chảy. Nó là minh chứng cho những mất mát, đau thương của người dân ven bờ sông phải chịu.
Không một ghi chép nào lý giải vì sao bãi đá ấy lại có tên là Rơ Wang, nhưng trong một tư liệu do ông Sỹ tiếp cận được của người Pháp, bãi đá ấy gắn liền với lời nguyền đầy thù hận của một chuyện tình đau khổ, bắt nguồn cho tên gọi “dòng sông ăn thịt người”.
“Người Tây nguyên là thế, mỗi tên đất, tên làng đều gắn với một huyền thoại nào đấy mà người xưa không giải thích được, bãi đá Rơ Wang cũng không ngoại lệ”, ông Sỹ chia sẻ thêm.
Lời nguyền mùa nước lũ
Chuyện xưa kể rằng, tại ngôi làng Bahnar ven sông Đăk Bla, có một đôi thanh mai trúc mã nọ yêu nhau say đắm. Họ được sự ủng hộ, chúc phúc của gia đình và làng bản. Rồi ngày cưới đến, cả làng mang rượu, mang heo đến mừng đôi trẻ.
Họ sống hạnh phúc với nhau. Cô gái thì đảm đang, tháo vát còn chàng trai lại giỏi giang, thương vợ. Thế nhưng, dù đã rất nhiều năm mà người vợ vẫn không có dấu hiệu mang thai. Mặc dù không biết bao lần cả 2 vợ chồng thành tâm mang lễ vật đi cúng thần linh khẩn cầu xin con.
Quá sốt ruột với ham muốn có một đứa con cho vui cửa vui nhà, người chồng lén lút ngoại tình với người đàn bà khác mà không biết đó là khởi đầu cho một kết cục bi thảm về sau. Dần dần, mối quan hệ ngoài luồng của chồng cũng bị đồn thổi đến tai người vợ.
Quá đau đớn, tuyệt vọng vì bị người mình yêu thương phản bội, người vợ mang rượu ra uống. Trong cơn say, nỗi căm hận kéo về dữ dội như dòng nước lũ giữa dòng Đăk Bla. Nàng trang điểm, ăn mặc thật đẹp rồi hướng ra bờ sông khi nước đang dâng cao.
|
Mỗi mùa nước lũ trên sông Đăk Bla đều có người chết đuối như tiếp nối cho lời nguyền oan nghiệt. |
Sau đó, người vợ chèo thuyền ra giữa dòng rồi nhìn trăng cầu khấn: “Trăng ơi! Tao hận thằng chồng tao, hận lũ đàn ông trên đời. Sau khi tao chết, trăng cứ bảo nước cuốn xác tao đi. Rồi từ nay trở về sau, mỗi khi nước lũ chảy về ngang qua đây, phải có một thằng đàn ông chết trên sông để rửa mỗi hận trong lòng tao”.
Khấn xong, người vợ gieo mình xuống dòng sông tự vẫn, xác nàng bị cuốn đi đâu không ai biết. Nhưng từ đó, nơi nàng gieo mình có một bãi đá nhô lên đầy kỳ lạ.
Người chồng sau khi say sưa với nhân tình về nhà, không thấy vợ đâu mới chạy đi tìm. Biết vợ đã gieo mình xuống sông tự tử, người chồng ùa lên cảm giác hối hận. Hắn khóc vợ đến nỗi máu rỉ ra từ khóe mắt, hòa quyện lấy nước sông thành một màu đỏ thẫm.
Thời gian trôi đi, người chồng sống trong nỗi ân hận, dằn vặt bên dòng sông Đăk Bla. Vào mùa lũ tròn một năm vợ mất, cũng trong đêm sáng trăng, khi người chồng đang thả lưới thì bất chợt thấy hình ảnh vợ dưới lòng sông.
Nhưng mỗi lần người chồng vớt tay xuống nước là hình bóng vợ lại xa dần. Hắn vội vã chèo thuyền theo, nhưng dù đã dùng hết sức mình chèo mà hình bóng vợ vẫn cứ xa dần, không tài nào đuổi kịp.
Cuối cùng, thuyền va vào mội bãi đá giữa sông, thuyền vỡ tan và người chồng chết đuối. Sống không trọn vẹn, nhưng cùng nhau chết trên một dòng sông, lời nguyền của người vợ thành hiện thực, người chồng là người đàn ông đầu tiên trả nợ lời nguyền. Bây giờ, tảng đá ấy vẫn còn, dân làng gọi là bãi đá Rơ Wang.
Từ đó, cứ mỗi năm lại có một người chết đuối trên sông như sự tiếp nối cho lời nguyền tàn nhẫn năm xưa của người vợ. Đến nay, chưa ai giải thích được điều này. Tuy nhiên, nó cũng chỉ là một câu chuyện không có căn cứ. Theo ông Sỹ, cách giải thích đơn giản nhất là do mỗi mùa lũ, trên sông Đăk Bla có cá, củi và gỗ trôi về đây rất nhiều, đàn ông hay ra vớt, bị dòng nước cuốn mạnh mà chết đuối.