Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn là nơi biệt lập và những năm gần đây mới mở cửa cho khách hành hương nên khá ít người được biết đến nó. Tuy là thế nhưng bên trong đó lại chứa đựng một vẻ đẹp huyền bí cùng với diện tích rộng lớn.
Lối kiến trúc của Đan viện Thánh mẫu Châu Sơn chẳng khác gì một tòa lâu đài cổ kính nằm ẩn mình giữa khu rừng xanh ngát mà chúng ta hay ví như một góc châu Âu giữa lòng Việt Nam.
Đan viện Thánh mẫu Châu Sơn chẳng khác gì một tòa lâu đài cổ kính
Vẻ đẹp huyền bí của Đan viện thánh mẫu Châu Sơn
Đan viện thánh mẫu Châu Sơn là một đan viện của dòng Xitô được xây dựng từ năm 1939 và cung hiến vào năm 1945. Công trình được xây để trở thành một đan viện chuyên về chiêm niệm.
Đan viện được xây dựng không xi măng cốt thép, chỉ có giàn giáo và công sức của vài chục thày trò cùng thợ địa phương dựng nên. Kiến trúc sư chính của Đan Viện là cha Placiđô Trương Minh Trạch - một tu sĩ trẻ chưa từng học qua một trường lớp kiến trúc hay xây dựng nào.
Trong cuộc đời cha Placiđô, ngôi Nhà thờ Châu Sơn là kiệt tác đã được ông dồn hết tâm huyết để kiến tạo nên. Không mô hình, bản vẽ tất cả chỉ được hình dung trong trí óc, từng đường nét, từng viên gạch đã được hình thành dần dần trong tư duy và trí tưởng tượng tuyệt vời của ông.
Đan viện Thánh mẫu Châu Sơn được xây dựng không xi măng cốt thép.
Thánh đường được có thiết kế kiểu Gothic dài 64m, rộng 20m, cao 21m, được xây theo hướng Đông - Tây, mặt tiền hướng về phía Đông như muốn quy hướng về Đức Ki tô như là Vầng Hồng xuất hiện ở phía Đông, được Thiên Chúa sai đến viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài.
Khuôn viên Đan viện Thánh mẫu Châu Sơn.
Điểm nhấn xuyên suốt chiều dài 64m của công trình là những thân cột được thiết kế khéo léo thành những tháp nhỏ cân xứng. Tường được trang trí hài hòa bởi các cửa sổ, chia thành hai tầng trên và dưới, phía trong là cửa kính gỗ, phía ngoài chính là những bức tranh “chạm thủng” họa hình các Thánh, hình Chúa Giêsu vác Thánh giá cầu nguyện.
Phía trong Thánh đường, ánh sáng tự nhiên vừa đủ lọt vào hai hành lang rộng qua những cửa sổ lớn. Sắc nắng lung linh tôn lên những hàng cột tròn, những họa tiết trang trí và phù điêu có tính khái quát cao. Mái vòm trắng là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc trong lòng thánh đường. Nó làm nổi bật gian cung Thánh với các bức phù điêu màu tuyệt tác, biểu tượng của Chúa ba ngôi, Đức Mẹ, các Thánh…
Phía trong Thánh đường, ánh sáng tự nhiên vừa đủ lọt vào hai hành lang rộng qua những cửa sổ lớn.
Đến nay, màu thời gian đã nhuốm phong trần trên từng thớ gạch, những tháp nhỏ lặng thinh nghiêng mình, những hàng ghế im lìm trong buổi chiều chạng vạng, phía chính diện Đức Chúa hiện ra dưới ánh sáng mờ ảo màu xanh nhạt, lung linh.
Khuôn viên xung quanh Thánh đường vô cùng thoáng mát cùng Vườn Fantima với những bãi cỏ xanh, hồ nước trong veo được trang trí bằng các hòn nam bộ cùng với bãi đá trứng nhân tạo; giếng đá ong Jacob nằm dưới lòng đất và hang đá Núi Sọ phía sau Đan viện Thánh mẫu Châu Sơn. Tất cả tạo nên một Đan viện trầm lặng, tôn nghiêm như một nơi tu trì trong miền cổ tích của châu Âu.
Hồ cá Koi bề ngoài khuôn viên Đan viện Thánh mẫu Châu Sơn.
Nhìn ngôi Nhà thờ thắm màu gạch đỏ giữa vùng mây nước, núi non, cây cối xanh tươi, cuộc sống giản dị thanh bình của những người khổ tu mới thấy được sự an bình trong niềm tin cậy trông.
Những lưu ý khi đến thăm Đan viện thánh mẫu Châu Sơn
Bởi vì là nơi tĩnh tâm của các cha nên Đan viện chỉ mở cửa cho khách tham quan vào tham quan, chụp hình sau thời gian lễ nguyện, cụ thể là từ 8h - 10h30 và 14h30 - 16h30 đối với thứ 2 đến thứ 7; 8h - 10h và 15h30 - 16h30 đối với chủ nhật.
Ngoài ra, Đan viện sẽ không cho tham qua vào khoảng đầu tháng 8 và khoảng tháng 3.
Lối kiến trúc của Đan viện Thánh mẫu Châu Sơn chẳng khác gì một tòa lâu đài cổ kính nằm ẩn mình giữa khu rừng xanh ngát mà chúng ta hay ví như một góc châu Âu giữa lòng Việt Nam.
Vì đây là nơi linh thiêng nên du khách cần giữ trật tự, tránh gây ồn ào, náo loạn làm ảnh hưởng đến Đan Viện. Đan viện chỉ cho du khách tham quan thánh đường, khuôn viên. Nên mặc đồ lịch sự, kín đáo và mang theo giày thể thao hoặc giày đế bằng để có thể dễ di chuyển. Không được xả rác, bẻ cành ngắt hoa và cần giữ ý thức chung khi di chuyển trong khuôn viên Đan viện. Không tự tiện đi vào nhà ở và nơi học tập của các cha cũng như những địa điểm bị cấm. Không được tự tiện sờ vào các hiện vật trong phòng trưng bày của Đan viện.