Đã hàng trăm năm nay, ở trấn Kinh Bắc, Bắc Ninh xưa (nay là xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), người dân vẫn thường kể nhau nghe những giai thoại về bà Hoàng thái hậu Đào Thị. Trong đó có câu chuyện kể rằng: Những hôm bà đi làm đồng, dù trời nắng hay mưa cũng đều có mây bay theo trên đầu. Những người đi cùng lấy làm ngạc nhiên, bàn tán và hỏi bà: Mỗi khi thấy mây bay trên đầu có thấy gì khác không? Bà không cần suy nghĩ, đáp ngay: Mây đen, mây trắng, mây vàng; Mây nào thì cũng làm tàn che ta. Nhiều người già trong làng lấy làm lạ cho rằng cách trả lời của bà có cái gì đó giống khẩu khí của những bậc đế vương.
Lại cũng có một câu chuyện khác kể về bà như sau: Cha bà là ông Đào Phúc Kiên, mẹ là Đào Quý Tịnh, ngoài việc đồng áng, cha bà còn là một thợ mộc giỏi, lại có hoa tay vẽ tranh. Ông thường vẽ tranh bán ở các chợ quê. Vợ mất sớm, ông phải chịu cảnh gà trống nuôi con. Để nuôi thân, nuôi con, ông đã rời quê ra phố Nam Ngư, Hà Nội kiếm sống. Một hôm, triều đình tổ chức thi tuyển thợ giỏi và những người có hoa tay vào sửa chữa, trang trí các cung điện trong hoàng thành. Ông ghi tên xin thi và đề thi của ông là bức tranh vẽ quả dưa bở quê ông. Tranh vừa vẽ xong đang còn ướt thì đã có trống báo nộp bài. Bí quá, ông đem ra nắng phơi. Những nét sơn vẽ co lại tạo ra những rãnh nứt loằng ngoằng, ông lo quá, nhưng không ngờ quan chấm thi lại rất thích và khen là đẹp.
Thế là bức tranh của ông được chọn, rồi ông được tuyển vào cung làm việc, đi theo ông là con gái yêu Đào Thị. Khi ấy, cô gái quê Đào Thị ở tuổi trăng tròn đã lọt vào mắt xanh nhà vua trẻ. Đào Thị trở thành tiệp nữ của vua Lê Thuần Tông. Ít năm sau, Đào Thị sinh được một hoàng tử, đặt tên là Duy Diêu. Đó chính là vua Lê Hiển Tông sau này. Bấy giờ, người dân quê bà lại tin vào câu chuyện mây bay trên đầu và bàn tán suy luận về câu chuyện đó khi bà còn sống ở quê như là một dự báo về số phận của bà.
Lại thêm một câu chuyện khác về bà kể rằng: Có lần bà về quê, qua đò gặp người làng Nhân Vực, nhận ra người quen cùng làng, bà xin cho những người đó không mất tiền đò. Thấy vậy, những người làng khác đi cùng cũng nhận mình là người làng Nhân Vực để được không phải trả tiền đò, vì thế đã gây ra rắc rối. Để phân biệt những người làng Nhân Vực với người làng bên, bà nghĩ phải làm sao cho người làng Nhân Vực khác người các làng khác. Bà tâu với vua xin ban cho người làng Nhân Vực một đặc ân. Nhà vua đã xuống chiếu cho phép tất cả người làng Nhân Vực được đội nón có quai đỏ và đi đò không phải trả tiền.
Hoàng thái hậu Đào Thị sống vào thời vua Lê - chúa Trịnh, thời kỳ đất nước loạn lạc, giặc giã nổi lên khắp nơi, xã hội rối ren. Tuy vậy, bà vẫn sống mẫu mực trước vua và quan, quân triều đình, nuôi dạy hoàng tử trở thành vua Lê Hiển Tông, vị vua trị vì đất nước suốt bốn mươi sáu năm. Bà là Hoàng hậu, rồi Hoàng thái hậu nhà Lê nhưng bị nhà Trịnh lấn át, tiếm quyền vua Lê, bà phải chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ.
Đến nay, nhiều người còn nhớ câu chuyện bà bị Trịnh Sâm trả thù: Một hôm, bà thấy Trịnh Sâm ngồi ngang hàng với vua, bà nhắc: Chúa ngồi như vậy là không được, Trịnh Sâm ức lắm. Khi bà mất, nhà Trịnh trả thù đã hoãn việc phát tang, lấy cớ bận việc quân và ba năm sau mới cho cử hành lễ an táng bà.
Sau đó đất nước lại rơi vào nhiều cuộc chinh biến liên miên. Tiếp đến là những cuộc chống ngoại xâm của dân tộc. Do đó, các tài liệu lịch sử nói về bà như thần phả, đền thờ đều bị tàn phá, thất lạc nên đã hàng trăm năm nay chỉ còn trong truyền thuyết dân gian.
Lời bàn về thái hậu Đào Thị
Khi đã là Hoàng hậu, rồi Hoàng thái hậu, bà Đào Thị vẫn sống gần dân, gắn bó với quê hương. Đến nay, người dân Nghĩa Trụ cũng như dân trong vùng vẫn còn nhớ câu ca mà mỗi lần về thăm quê, bà thường đọc cho các bô lão trong vùng nghe: Đến nay đã là vợ vua/Ta vẫn còn thích canh cua đầm lầy. Và với câu nói này của bà thì không phải cho đến ngày nay mà ngay từ ngày xửa, ngày xưa người dân Việt Nam đã khẳng định rằng "quê hương mỗi người chỉ một" và "như là chỉ một mẹ thôi". Và nếu ai không nhớ thì chắc chắn sẽ không lớn nổi thành người, chứ đừng nói chi đến chuyện được làm bà hoàng hay làm mẫu nghi thiên hạ.
Đã hai trăm ba mươi sáu năm kể từ ngày bà mất, nhưng hình ảnh Hoàng thái hậu Đào Thị (Đào Thị Ngọc Liễu) vẫn sống trong lòng người dân Nghĩa Trụ cũng như người dân đất Việt. Không chỉ bà mà cả dân tộc Việt Nam thời đó cũng chịu thiệt thòi, mất mát. Và đây không phải là điều muốn nói sau giai thoại này, mà mong hậu thế qua đó hiểu thêm về "công, dung, ngôn, hạnh" của người phụ nữ Việt Nam xưa, để rồi từ đó tìm cho mình một nhân cách sống phù hợp.