Con đường từ bảo mẫu tới Quý Phi
Người bảo mẫu làm nên kỳ tích trong lịch sử hôn nhân của hoàng thất khi nên duyên với Hoàng đế Trung Hoa chính là Vạn Quý Phi. Vạn Quý Phi tên là Vạn Trinh Nhi, người Chư Thành, Sơn Đông. Bà vào cung khi mới 4 tuổi và trở thành thị nữ của Tuyên Tông Hoàng hậu Tôn thị. Khi Chu Kiến Thâm được sắc phong thái tử, Vạn Trinh Nhi cũng được Tôn thái hậu ban cho làm bảo mẫu.
Tuy nhiên, khi thời thế thay đổi, Anh Tông tức vị, Chu Kiến Thâm bị phế thành Nghi Vương, mọi vinh hoa phú quý đều tan biến. Trong những lúc chán chường nhất, thái tử chỉ có cung nữ Vạn Trinh Nhi luôn ở bên túc trực và hầu hạ. Nàng vừa như một người mẹ, một người hầu, lại như một người bạn tâm giao.
Vài năm sau, khi Anh Tông phục vị, Chu Kiến Thâm lúc 11 tuổi được phục vị thái tử. Đó cũng là mốc đánh dấu sự thay đổi địa vị của bảo mẫu Vạn Trinh Nhi.
Năm 1464, Chu Kiến Thâm lên ngôi, lấy niên hiệu là Minh Hiến Tông và sắc phong thái tử phi Ngô thị làm hoàng hậu. Ông cũng không quên tình cảm bao năm với Vạn thị. Tuy nhiên, do tuổi tác của Vạn Trinh Nhi khi ấy đã quá cao nên đành làm Hoàng Quý Phi.
|
Trong những lúc chán chường nhất, thái tử chỉ có cung nữ Vạn Trinh Nhi luôn ở bên túc trực và hầu hạ. Nàng vừa như một người mẹ, một người hầu, lại như một người bạn tâm giao. (Ảnh minh họa) |
Tuy lớn tuổi và chỉ là Quý phi nhưng bà được vua yêu chiều hết mực. Do Minh Hiến Tông quá sủng ái Vạn Quý Phi nên Ngô Hoàng Hậu đem lòng gang ghét. Song, một Ngô Hoàng hậu chỉ mới 17 tuổi đã không thể đấu lại với một Vạn Quý Phi dạn dày sương gió. Cuối cùng, sau nhiều phen đấu đá, chính Hoàng hậu lại là người bị phế truất chỉ 1 tháng sau khi lên ngôi còn Vạn thị vẫn không hề hấn gì, thậm chí còn được sủng ái nhiều hơn trước.
Lận đận đường con cái và thủ đoạn hiểm ác chốn hậu cung
Năm 1466, Vạn thị khi đó đã 37 tuổi đã hạ sinh cho Hiến Tông một hoàng tử khiến vua vui mừng khôn xiết. Nhưng không may, hoàng tử vừa được 10 tháng tuổi thì đã chết yểu, Vạn Quý Phi thì không thể mang thai được nữa.
Không chấp nhận được sự thật đó, Vạn Quý Phi liền đưa hoàng tử Chu Hựu Cực con Bách Hiền Phi về cung nuôi dưỡng như con đẻ của mình. Tháng 11.1471, Chu Hựu Cực được sắc lập làm Thái tử song không may, cũng chỉ hai tháng sau khi sắc lập, Thái tử đã qua đời. Sự ra đi lên tiếp của hai hoàng tử khiến Hiến Tông vô cùng đau lòng, song ông vẫn một lòng sủng ái Vạn Quý Phi.
Tuy nhiên, do không thể sinh cho hoàng đế được nữa, Vạn Quý Phi sinh lòng đố kỵ, ghen ghét các phi tần khác trong cung. Bà tìm mọi cách chia bè kết phái, mua quan bán chức làm loạn triều chính. Ở chốn hậu cung, nếu biết phi tử nào đang mang thai rồng, bà đều tìm cách hãm hại.
Có nàng cung nữ họ Kỷ vô tình lọt vào mắt xanh của hoàng đế và nhanh chóng mang thai sau đó. Biết được chuyện, Vạn Quý Phi lập tức ép Kỷ cung nữ kia uống thuốc phá thai. Vua Hiến Tông biết chuyện nên đã chuyển nàng đến ở An Lạc Đường (viện dưỡng lão), giao cho thái giám Trương Mẫn. Mãi sau này được sự đồng ý của Vạn Quý Phi, hoàng tử con của Kỷ Phi mới được đón về cho Vạn Quý Phi nuôi.
Thân từng là bảo mẫu, lại hơn hoàng đế tới 19 tuổi nhưng Vạn Quý Phi cho tới khi già vẫn được vua Hiến Tông một lòng yêu và kính nể. Khi Vạn Quý Phi qua đời, Hoàng đế nghe tin đã đau khổ mà than rằng: "Vạn bỏ đi rồi, ta còn ở lâu sao được". Từ đó, ông u uất mà sinh bệnh để rồi qua đời khi mới chỉ 40 tuổi. Mối tình si mê đến điên dại của Hoàng đế với bảo mẫu già vẫn được sử sách Trung Quốc lưu lại tới sau này.