Tống Độ Tông (1240 – 1274), tự Triệu Mạnh Khải, là hoàng đế thứ 15 của nhà Tống trong lịch sử Trung Hoa và là hoàng đế thứ 6 của nhà Nam Tống.
Tống Độ Tông là con trai của Vinh vương Triệu Dữ Nhuế, cháu của Tống Lý Tông – hoàng đế thứ 14. Do Lý Tông không có con nên đã nhận Mạnh Khải làm hoàng thái tử.
Năm 1264, Tống Lý Tông qua đời, Mạnh Khải lên ngôi hoàng đế ở tuổi 24. Trong thời gian nắm quyền, Tống Độ Tông ham mê tửu sắc, xa xỉ lãng phí khiến đời sống nhân dân khốn khổ. Ngoài biên ải, quân Mông Cổ ra sức hoành hành, nhưng Tống Độ Tông không hay biết.
Tống Độ Tông gặp biến cố dẫn đến mất sớm vào năm 1274, khiến nhà Tống không còn một hoàng đế trưởng thành đúng nghĩa. 5 năm sau, đại quân Mông Cổ do Hốt Tất Liệt chỉ huy đánh bại nhà Nam Tống, chính thức thống nhất Trung Hoa.
Hoàng đế chào đời không bình thường
Cuối thời Nam Tống, nhà Tống đứng trước tình thế nguy cấp, khi quân Mông Cổ do Đại hãn Hốt Tất Liệt chiếm Bắc Tống, lập nên nhà Nguyên.
Hốt Tất Liệt ngày ngày tăng cường lực lượng, đặt mục tiêu chiếm trọn vẹn Trung Hoa.
Vào thời khắc đó, nhà Tống lại đón một vị hoàng đế đặc biệt. Đó là Tống Độ Tông Triệu Mạnh Khải. Mẹ của ông là Hoàng Định Hỉ, xuất thân chỉ là người hầu cho Lý tiểu thư.
Lý tiểu thư sau này lọt vào mắt xanh của Quang Vinh Vương Triệu Dữ Nhuế, em trai hoàng đế Tống Lý Tông. Hoàng Định Hỉ cũng theo chủ nhân chuyển qua phủ của Quang Vinh Vương.
Lý tiểu thư mặc dù xuất thân danh giá, tướng mạo hơn người, nhưng lại khó đậu thai, từ ngày chuyển về phủ vương gia vẫn chưa có con. Trong thời gian này, Triệu Dữ Nhuế đã nhiều lần quan hệ với Hoàng Định Hỉ, khiến cô này có thai.
Theo Sohu, Hoàng Định Hỉ đã uống thuốc phá thai để không phải sinh đứa bé, tránh những rắc rối sau này. Tuy nhiên, Triệu Mạnh Khải vẫn chào đời, dù dường như lớn lên không được bình thường.
Đến năm 7 tuổi, Mạnh Khải mới biết nói, trí tuệ không bình thường, sức khỏe yếu. Hoàng đế Tống Lý Tông từng có hai người con trai, nhưng cả hai đều bạc mệnh mất sớm. Lý Tông biết về khiếm khuyết của người cháu, nhưng vẫn quyết chọn Mạnh Khải làm thái tử, bất chấp sự phản đối của triều thần.
Lý Tông còn đổi tên Mạnh Khải thành Triệu Kì, sai người vẽ ra những câu chuyện li kỳ về Triệu Kì để thuyết phục quan lại trong triều. Sau này, Lý Tông càng nỗ lực rèn luyện để vớt vát cho người cháu thiểu năng. Lý Tông giáo dục thái tử rất nghiêm, đặt lệ tờ mờ sáng phải vào vấn an các cung, một giờ sau hồi cung, lúc trời sáng hẳn thì lên triều nghe bàn chính sự.
Ông còn cho xây dựng tòa “Tự thiện đường”, mời các học giả nổi danh tới dạy học cho Triệu Kì. Năm 1264, hoàng đế Tống Lý Tông đột ngột qua đời, thọ 59 tuổi. Triệu Mạnh Khải đăng quang, trở thành hoàng đế thứ 6 của nhà Nam Tống.
Khiến triều đại nhà Tống diệt vong
Trong 10 năm cầm quyền, Tống Độ Tông không hề để tâm vào chuyện chính sự, ngày ngày đam mê tửu sắc, ăn chơi sa đọa, tấu thư quần thần dâng lên đều bị bỏ qua.
Theo Sohu, Tống Độ Tông có lệ một đêm thị tẩm tới 30 mỹ nữ. Sau khi được hoàng đế sủng hạnh, sáng hôm sau các phi tần phải tới dập đầu tạ ơn. Các thái giám ghi chép tên các phi tần hết sức cụ thể, để tất cả đều có cơ hội phục vụ hoàng đế.
Trong số các đại thần nhà Tống lúc bấy giờ, Thái sư Giả Tự Đạo nổi lên là người có ảnh hưởng nhất, là công thần dưới thời Tống Lý Tông.
Giả Tự Đạo cậy có chị là Giả quý phi từng được hoàng đế Lý Tông sủng ái nên càng lấn tới. Thấy Tống Độ Tông yếu ớt dễ lừa gạt, Tự Đạo càng lấn tới, hành xử tùy tiện. Tự Đạo được hoàng đế Độ Tông ban đặc quyền mỗi lần vào triều được ngồi dâng tấu, khi đối đáp không cần xưng tên.
Tự Đạo còn nhiều lần giả bộ muốn từ quan về quê, khiến Độ Tông có lúc phải quỳ xuống xin, trao thưởng hết vàng bạc đến phong đất đai, càng khiến các quan lại bất bình.
Hoàng đế Độ Tông hết sức phụ thuộc vào Thái sư Tự Đạo. Một ngày nọ, có đại lễ cử hành trong cung, bầu trời đột ngột đổ mưa to, thái giám che ô mời Độ Tông đi trước, nhưng ông lại chần chừ hỏi ý kiến của Giả Tự Đạo.
Ở thời điểm đó, quân Mông Cổ liên tiếp uy hiếp Tương Dương, Phàn Thành, là hai thành trì có ý nghĩa chiến lược ở vùng biên ải.
Ở kinh đô Lâm An, Giả Tự Đạo che giấu việc quân, không báo cho Độ Tông, để mặc Tương Dương, Phàn Thành nguy cấp.
Tướng giữ thành Lã Văn Hoán bị vây ở Tương Dương đã suốt 2 năm, ngày đêm trông chờ quân triều đình tới cứu viện, nhưng vô vọng.
Đến năm 1273, sau 5 năm cố thủ, Lã Văn Hoán dâng thành Tương Dương, quy hàng quân Mông Cổ. Với sức mạnh của máy bắn đá, quân Mông Cổ thỏa sức tràn vào lãnh thổ Nam Tống, khiến kinh đô Lâm An rúng động.
Tháng 11/1274, Tống Độ Tông khi đó mới 34 tuổi, qua đời sau một đêm trụy lạc với 30 mỹ nữ.
Sau thời Độ Tông, nhà Tống không còn một hoàng đế trưởng thành nào. Các hoàng đế lên ngồi đều còn rất nhỏ, không có khả năng điều hành chính sự, trong khi triều đình rối ren vì sức tấn công của Mông Cổ.
Năm 1279, Tống đế Bính, con trai thứ của Độ Tông, khi đó mới 8 tuổi, cùng hơn 10 vạn binh lính, quan lại và người hầu của nhà Tống, chết đuối trong trận chiến cuối cùng với quân Mông Cổ ở Quảng Đông. Nhà Tống đến đây là chấm dứt.