Ngày 29/7, Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp đại học chính quy năm 2022 cho gần 1.000 tân cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.
Tuy nhiên, ngay khi được chia sẻ trên mạng xã hội, hình ảnh vị hiệu trưởng mặc áo nhung, đội mũ màu đỏ, cầm quyền trượng, đeo vòng cổ tại lễ trao bằng tốt nghiệp của trường đã gây nhiều ý kiến tranh cãi.
|
Bức ảnh Hiệu trưởng cầm quyền trượng tại lễ tốt nghiệp cử nhân năm 2022 đã khiến dư luận "dậy sóng". |
Chỉ cần góp ý để... giật mình!
Trao đổi với phóng viên Tri thức và Cuộc sống về vụ việc Hiệu trưởng cầm quyền trượng, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, với thế giới “phẳng” hội nhập hiện nay, có những thứ chúng ta có thể tiếp nhận, tiếp thu được, nhưng phải tiếp biến cho phù hợp với người Việt Nam. Nếu bê nguyên xi, thì dễ mang lại sự phản cảm. Mặc dù sang trọng, nhưng nếu sang trọng không đúng lúc, đúng chỗ, nguy gây hiệu quả ngược.
Theo ông Dương Trung Quốc, ngày xưa học trò đi thi không phân biệt theo thành phần, vị trí xã hội, cứ đủ điều kiện là đi thi, hiểu theo nghĩa nào đó rất dân chủ. Trang phục của người đi thi tùy theo gia cảnh, không có quy định nào.
|
Các tân khoa được ban mũ áo. Ảnh: Mai Loan. Nguồn: Quốc Tử Giám. |
“Khi người thi đã đỗ đạt, bao giờ cũng được triều đình ban mũ áo, cân đai… tùy theo từng cấp đỗ mà có những trang phục khác nhau. Những hình ảnh cuối cùng về kỳ thi Đình năm 1897 cho thấy rất nhiều những nghi thức liên quan đến việc đỗ đạt, từ việc các sĩ tử đến chào ban giám khảo, diễu hành vinh quy bái tổ, ăn yến tiệc… tất cả đều có quy định”, ông Dương Trung Quốc nói.
Cũng theo nhà sử học này, từ vụ việc Hiệu trưởng Đại học Kinh tế cầm quyền trượng nên chăng đặt ra vấn đề: có lễ phục chung cho sinh viên tốt nghiệp không, để buổi lễ trang trọng hơn, hướng tớigiá trị chung, mà phù hợp với văn hóa, hoàn cảnh nước mình.
Về phản ứng của dư luận, ông Dương Trung Quốc cho rằng, mặt tích cực là mang tính chất cảnh báo, tuy nhiên, không nên có những đả kích hay châm chích quá lời. Những góp ý chỉ nên ở mức vừa đủ ở mức “giật mình” để cùng bàn luận, xem lại.
Hiệu trưởng cầm quyền trượng, mặc áo nhung, đội mũ màu đỏ, theo ông, xuất phát từ ý tốt, muốn cho một buổi lễ tốt nghiệp đặc biệt, ấn tượng, nhưng cách làm “chưa đến nơi đến chốn”, chưa thấu đáo hoặc chưa có người tư vấn tốt, đã dẫn tới hệ quả như vậy.
“Chưa tốt thì sẽ điều chỉnh lại. Đây là vụ việc “cảnh báo” không chỉ riêng cho Trường Đại học Kinh tế mà còn cho cả các cơ sở đào tạo khác. Không nên nói quá lời”, ông Quốc nêu quan điểm.
Cái mới, cái lạ dần trở thành điều bình thường
TS Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu về quản trị công và chính sách, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho hay, vụ việc vị hiệu trưởng là một nét mới, khác biệt so với hình ảnh các Lễ tốt nghiệp ở các trường đại học ở nước ta. Và vì nó mới, trái với suy nghĩ quen thuộc của nhiều người nên xuất hiện các luồng ý kiến trái chiều cũng là điều bình thường.
“Chúng ta cứ bình tĩnh lắng nghe cả hai luồng ý kiến. Những người chưa chấp nhận hình ảnh lạ lẫm này sẽ có quan điểm không đồng tình, cho là sao chép lai căng. Ngược lại, những người đã quen với hình ảnh này ở các trường đại học trên thế giới, có thể ủng hộ, cho là sáng tạo và thú vị”, ông Đáng nói.
Theo ông Đáng, chúng ta thấy sẽ xuất hiện luồng ý kiến ngược lại, ủng hộ sự sáng tạo và mới lạ. Những trao đổi, thậm chí tranh cãi giữa hai quan điểm ủng hộ và phản đối có thể diễn ra trong thời gian dài. Tuy nhiên, thường thì những sự sáng tạo mà đem lại hiệu ứng tích cực cho cuộc sống sẽ dần dần được chấp nhận. Khi đó, cái mới, lạ sẽ trở thành điều bình thường, quen thuộc.
“Cơ quan quản lý cần bình tĩnh trước những luồng ý kiến trái chiều, cần căn cứ vào các yếu tố then chốt sau đây: Thứ nhất, những biểu hiện mới đó có vi phạm quy định quản lý hay pháp luật nào hay không? Thứ hai, có biểu hiện nào vi phạm phong tục, tập quán, thông lệ văn hóa Việt Nam hay không? Thứ ba, có biểu hiện nào có thể gây ra căng thẳng, xung đột giữa các nhóm xã hội hay không? Thứ tư, có biểu hiện nào xâm phạm các giá trị đạo đức được đề cao hay không?”, TS Nguyễn Văn Đáng đặt vấn đề.
Cũng theo vị giảng viên này, nếu có các biểu hiện như nêu trên đây thì cơ quan chủ quản có thể can thiệp; song nên để thời gian thẩm định, rồi cơ quan quản lý có thể đưa ra quyết định thấu đáo.
Trên thế giới cũng không có quy định chung về lễ phục tốt nghiệp cho các trường đại học, đặc biệt là ở các nước phương Tây. Điều này có nghĩa mỗi trường có thể thiết kế riêng một nghi thức tốt nghiệp cùng các trang phục với ý nghĩa biểu trưng đặc thù.
Thông thường, các bậc học khác nhau được phân biệt dựa trên màu sắc của áo và phụ kiện. Các tân Tiến sĩ thì thường rực rỡ, nổi bật hơn các tân Cử nhân và tân Thạc sĩ.
Việc cầm quyền trượng của người dẫn đầu tại buổi lễ tốt nghiệp của các trường đại học trên thế giới đơn thuần mang tính biểu tượng cho tri thức. Năm 2007, tại lễ tốt nghiệp thạc sĩ của ông tại Đại học Queensland (Austrailia), giáo sư đi đầu cũng mang theo quyền trượng.
Theo ông, Trường Đại học Kinh tế nên nói rõ quan điểm của mình trong việc đưa ra thiết kế như vậy trong lễ tốt nghiệp, để sinh viên cảm nhận được ý nghĩa của việc làm này. Và trên cơ sở lắng nghe các ý kiến, có thể điều chỉnh những điểm chưa hợp lý cho những năm tới.
Trang phục của tân khoa, tiến sĩ thời Vua chúa Việt
Theo sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, khi đỗ cử nhân, quan sở tại sẽ lại sức về cho làng, hoặc lý dịch hỏi người đỗ đính ước hôm nào ông tân khoa về làng thì cả làng hoặc cả tổng đem long đình và đồ nghi trượng thờ thấn đến tại chỗ tỉnh thành hoặc tường thi mà rước về.
Ông tân khoa đội mũ, mặc áo của triều đình ban thưởng, cưỡi ngựa, che lọng, có một vài đầy tớ điếu tráp đi hầu, thân thích họ hàng đều kéo đi đón, cờ mở trống dong, dân làng, đàn bà, trẻ con cho là vinh hiển lắm.
Đỗ tiến sĩ, nhà vua ban cho áo mũ xiêm ủng, và ban cho cờ hiển vinh quy. Cả làng tổng hoặc nơi trọng văn học thì cả hàng tỉnh phải đem đồ nghi trượng thờ thần đi rước.
“Ông tân khoa tiến sĩ mặc áo thụng lam, cưỡi ngựa, che đôi lọng, cha mẹ, vợ và ông thầy dạy học mỗi người ngồi cãi võng trần, che một lọng rước vinh quy về làng, thiên hạ kéo nhau đi xem, lại vinh hiển hơn cử nhân nhiều”, sách viết.