Nguyễn Thị Sao Ly (sinh năm 1993, quê Đà Nẵng) bắt đầu hành trình học tập ở Mỹ từ năm 15 tuổi. Sau khi hoàn thành bậc phổ thông, cô lựa chọn theo học ngành Sinh học tại Đại học California - top 9 thế giới theo Times Higher Education World Reputation Ranking.
Năm 2016, cô tốt nghiệp thủ khoa, hạng summa cum laude (cách xếp hạng danh dự tiếng La-tinh, có nghĩa là "danh dự tột đỉnh") và xin ở lại làm trợ lý nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
|
Nữ tiến sĩ người Việt nghiên cứu khoa học tại Mỹ - Nguyễn Thị Sao Ly. (Ảnh: NVCC) |
Một năm sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Thị Sao Ly bỗng trở thành cái tên gây chú ý khi có đến 8 trường đại học Mỹ cấp học bổng tiến sĩ. Trong đó, học bổng toàn phần từ ngôi trường trong top 5 thế giới về nghiên cứu Y học - Đại học Johns Hopkins trị giá lên tới 9,3 tỷ đồng.
"Tôi chọn Đại học Johns Hopkins vì trường này có thành tích đào tạo bậc tiến sĩ ngành y sinh nổi tiếng. Lúc phỏng vấn, tôi cảm thấy đây là môi trường tôi có thể phát triển khả năng làm khoa học và hoàn thiện bản thân nhiều hơn", cô nhớ lại.
Trong năm đầu, cô học những lý thuyết căn bản để trở thành một nhà khoa học, những năm còn lại cô làm việc tại phòng nghiên cứu, giải quyết những câu hỏi mà đề tài của mình đặt ra. Cô nói bản thân phù hợp với công việc nghiên cứu vì tính cách tò mò, độc lập, muốn tìm tòi, hay đặt câu hỏi và thích suy nghĩ theo hướng logic.
Ngoài ra, cô nhận thấy tỷ lệ người mắc ung thư ngày càng cao, trong khi đó, các biện pháp trị liệu căn bệnh quái ác này vẫn còn hạn chế. Đây chính là động lực để cô quyết định tìm hiểu sâu về căn bệnh này và mong muốn dùng kiến thức để đóng góp vào công cuộc tìm ra phương pháp chữa trị ung thư.
Đề tài tiến sĩ của Ly là tìm ra protein và cơ chế di chuyển cũng như bộ máy cơ học giúp tế bào ung thư có thể di căn. Theo đó, Ly tập trung nghiên cứu về những protein đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành bộ máy cơ học của tế bào và vai trò của bộ máy này trong ung thư, đặc biệt là ung thư tụy.
Sau 5 năm miệt mài, Ly tìm ra chức năng mới của protein mang tên Discoidin I. Cô cho biết thêm, trước đó chưa có nghiên cứu nào được công bố rõ ràng về chức năng của protein này.
|
Nếu không làm nghiên cứu khoa học, Sao Ly muốn trở thành một bác sĩ thú y. (Ảnh: NVCC) |
"Làm nghiên cứu giai đoạn nào cũng có khó khăn, nhất là khoảng thời gian ngày nào cũng phải làm rất nhiều thí nghiệm, nhưng những thí nghiệm đó lại không thể mang đến cho tôi kết quả như mong đợi trong định hướng nghiên cứu", cô nói và cho biết nghiên cứu khoa học là công việc đòi hỏi tính kiên nhẫn và lạc quan cao.
Hiện Ly là nhà khoa học cấp cao của một công ty công nghệ sinh học ở thành phố Boston, Mỹ. Công việc của cô tập trung vào phát minh, phát triển các thử nghiệm để giúp đánh giá hiệu lực và chất lượng của các sản phẩm liệu trình tế bào trước khi các phương thuốc này được đưa đến bệnh nhân trong các thử nghiệm trên người.
Cô tâm sự, khó khăn lớn nhất với nhà khoa học là sự không chắc chắn trong khoa học. Nhà khoa học có thể đặt ra một câu hỏi, một giả định và dành thời gian, trí óc để thiết kế thí nghiệm giúp tìm ra đáp án. Tuy nhiên, bản thân họ cũng không thể biết được liệu họ sẽ mất bao lâu, phải đi con đường nào, làm thí nghiệm ra sao mới tìm được lời giải cho giả định.
Nếu không làm nghiên cứu khoa học, Sao Ly muốn trở thành một bác sĩ thú y. "Đó là sự không chắc mà bất cứ nhà khoa học nào cũng đều phải đương đầu và trải qua. Nhiều lúc tôi có thể bỏ ra vài năm để làm một dự án chỉ để nhận ra rằng câu hỏi của mình không thể tìm được đáp án. Quá trình làm khoa học đã giúp tôi trở nên bình tâm, kiên nhẫn và mạnh mẽ hơn", cô khẳng định.
Ngoài ra, nữ tiến sĩ người Việt cũng kể thêm, làm khoa học ở Mỹ đề cao khả năng tự tin giao tiếp khoa học. Lúc mới vào chương trình tiến sĩ, Ly khá rụt rè, không cởi mở và rất sợ nói trước đám đông. Song, khi nhận ra khả năng giao tiếp để trao đổi khoa học là vô cùng quan trọng, cô khắc phục bằng cách tham gia nhiều buổi thuyết trình, tham dự các hội nghị khoa học quốc tế. Sau thời gian cô đã tự tin hơn về khả năng trình bày, sự hoạt bát của bản thân.
Sao Ly luôn tự nhắc nhở phải đặt khoa học lên đầu và sáng suốt trong cách thiết kế thí nghiệm cũng như đánh giá dữ liệu. Đặc biệt, nhà khoa học không được để định kiến cá nhân ảnh hưởng đến cách phân tích khoa học.
|
Thừa nhận bản thân không phải là người ưa dịch chuyển nhưng cô vẫn rất hào hứng khi đặt chân đến môi trường, vùng đất mới. (Ảnh: NVCC) |
Trong suốt quá trình làm nghiên cứu khoa học, nhiều lúc Ly tự hỏi 'liệu tôi có thực sự có đủ những yếu tố và khả năng để đi trọn con đường này hay không?'. Nhưng rồi, khi nhận được lời khuyên từ bạn bè, đồng nghiệp, cô cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Sao Ly tâm sự, gia đình là động lực lớn nhất, giúp cô vượt qua khó khăn, không ngừng hoàn thiện bản thân mỗi ngày. "Ba đã dạy cho tôi cách suy nghĩ thực tế, sống có mục tiêu. Mẹ dạy tôi cách sống có trách nhiệm, có tiêu chuẩn. Chị gái dạy tôi cách sống yêu thương, bao dung. Anh trai cho tôi học cách sống mạnh mẽ và theo đuổi khoa học", nữ tiến sĩ nói thêm.
Khi được hỏi sau này sẽ định cư ở Mỹ hay sẽ về Việt Nam, Ly nói cô chưa có kế hoạch cụ thể trong tương lai. Cô chỉ muốn tập trung làm tốt công việc ở hiện tại và nếu có cơ hội nào tốt, dù ở Mỹ hay ở Việt Nam, cô sẽ nắm bắt.
"Khi có mục tiêu và cố gắng hết sức mình, dù việc đó có thành công hay không, bạn cũng sẽ trở thành con người độc lập, mạnh mẽ và học hỏi được rất nhiều điều quý giá qua quá trình đó", cô nhắn gửi.
Một số thành tích nổi bật của Nguyễn Thị Sao Ly:
- Học bổng chương trình Những Nhà Lãnh Đạo Trẻ năm 2011 của ĐH Trinity thuộc ĐH Melbourne, Úc.
- Học bổng bán phần chương trình khoa học hè tại đại học Stanford.
- Tốt nghiệp top 5 trường trung học The King’s Academy tại California.
- Tốt nghiệp thủ khoa Summa Cum Laude trường đại học California, Los Angeles.
- Được mời phỏng vấn tiến sĩ cho 8 trường đại học top đầu ở Mỹ: MIT, Cornell, UChicago, Johns Hopkins, UCSan Diego, UT South Western, Rice, Baylor.
- Học bổng toàn phần tiến sĩ ngành Y sinh của Đại học Y Johns Hopkins.