Chuyên gia đầu ngành Việt Nam về kỹ thuật máy và thiết bị
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thiện Phúc là Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội KH&KT Thành phố Hà Nội - một trong số 15 hội thành viên tham gia sáng lập, thành lập Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) vào năm 1983.
|
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thiện Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 - 18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983 - 26/3/2023). |
Ra nước ngoài năm 1968, được học tập và đi nhiều nơi, GS.TSKH. Nguyễn Thiện Phúc nhận thức rằng, khoa học công nghệ chính là chìa khóa để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu.
Với lòng quyết tâm, GS Nguyễn Thiện Phúc đã nghiên cứu, cho ra đời các công trình khoa học có giá trị, trở thành một trong những chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật máy và thiết bị.
7 đề tài cấp Nhà nước và 1 đề tài cấp Bộ do ông chủ trì được nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc và được ứng dụng hiệu quả ở một số cơ sở sản xuất…
Các công trình tiêu biểu của GS.TSKH. Nguyễn Thiện Phúc có thể kể đến như:
Công nghệ chế tạo Robot RP kiểu mới có nhiều ưu điểm nổi trội và từ đó hình thành các mẫu Robocar RP thông minh; tạo ra Máy đo tọa độ dạng mới, có rất nhiều ưu điểm, như một kiểu robot hoạt động theo tọa độ trụ, giá thành thấp mà vẫn đạt được độ chính xác cao.
Ông cũng là người xây dựng mới “Lý thuyết ăn khớp bánh răng không gian tiếp xúc elip với màng dầu thủy động” và từ đó đề xuất các phương pháp mới trong tạo hình bánh răng; tạo ra hệ thống “các truyền động ăn khớp ma sát lăn”. Rồi Chủ nhiệm Chương trình 52B về Tự động hóa sản xuất giai đoạn 1990 – 1995...
Kỷ niệm sâu sắc với GS.VS Trần Đại Nghĩa
Trong ký ức về cuộc đời làm khoa học của GS.TSKH. Nguyễn Thiện Phúc có nhiều kỷ niệm sâu sắc với GS.VS, Anh hùng lao động, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa - vị Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp Hội Việt Nam.
GS Nguyễn Thiện Phúc kể, trong giai đoạn làm công tác quản lý khoa học và Phó hiệu trưởng ở Đại học Bách khoa Hà Nội, một lần ông cùng với cán bộ phòng khoa học của Trường ĐH Bách khoa đến nhà GS.VS Trần Đại Nghĩa, ở phố Hàng Chuối, tặng Thầy một món quà rất nhỏ, đó là chiếc màn tuyn.
|
Các đại biểu tham dự đại hội thành lập LHH TP. Hồ Chí Minh (GS.TSKH. Nguyễn Thiện Phúc thứ 3 từ phải qua, GS.VS Trần Đại Nghĩa thứ 5 từ trái qua). Ảnh: NVCC. |
Đây là sản phẩm do anh em cán bộ giảng dạy của trường cải tiến máy dệt màn vải xô, mắt vuông, thành máy dệt được màn tuyn, mắt lục giác. Thời đó, màn xô cũng phân phối, còn màn tuyn thì rất hiếm vì trong nước chưa nhập đươc loại máy này.
GS.VS Trần Đại Nghĩa cảm ơn, khen ngợi về việc làm thiết thực đó, nhưng cương quyết không nhận quà, vì muốn dành cho nhiều giáo viên còn chưa có.
Tuy nhiên, điều khiến GS Nguyễn Thiện Phúc bất ngờ là sau nhiều năm, vào một dịp đi công tác khác, lúc rỗi, GS.VS. Trần Đại Nghĩa còn nhớ đến chuyện chiếc màn tuyn ấy và hỏi rằng việc cải tiến máy dệt ấy khó đến mức nào, mà cần đến các thầy Bách khoa.
Ông giải trình với GS, việc cải tiến từ máy dệt vải màn mắt vuông thành máy dệt vải màn mắt lục giác cũng không quá khó, nhưng để cho dàn máy cồng kềnh chạy thật êm, không gầm rú, thì tính toán và thử nghiệm mãi mới được.
“Tôi nói đến đó thì Thầy tiếp lời: ‘Không dễ đâu, đó là vấn đề dynamique desmécanismes’. Thầy dùng thuật ngữ tiếng Pháp để nói về động lực học cơ cấu. Tôi cứ nhớ mãi câu chuyện đó để nhắc nhở sinh viên của mình phải nắm rất chắc những kiến thức cơ bản để có thể nhìn ra ngay các nội dung khoa học khi giải quyết những nhiệm vụ kỹ thuật tưởng chừng đơn giản.
Bản thân tôi trong quá trình đi khảo sát thực tế khi chấm các công trình dự thi Giải thưởng sáng tạo khoa học Vifotec cũng gặp không ít trường hợp tương tự và đã vận dụng lời dạy của Thầy Nghĩa để lý giải, đồng thời góp ý cho cơ sở giải quyết được một số vấn đề rất hiệu quả”, GS.TSKH.NGND Nguyễn Thiện Phúc chia sẻ.
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa thành công
GS.TSKH.NGND Nguyễn Thiện Phúc cho biết, ngày 18/5/1963, tại Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã đến dự và nói chuyện tại Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất.
Dấu mốc này đã trở thành ngày lịch sử. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, đã thống nhất chọn ngày này hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Việc chọn lựa như vậy chứng tỏ tầm quan trọng của công tác phổ biến khoa học và kỹ thuật.
|
GS.TSKH.NGND Nguyễn Thiện Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tại Lễ Kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức, 40 năm thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam. |
GS Nguyễn Thiện Phúc cho rằng, để phát triển đất nước, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa thành công. Những năm gần đây, chủ trương đổi mới sáng tạo đã rất được nhấn mạnh trong các bài phát biểu của các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ nước ta. Vấn đề là cần có những giải pháp sáng tạo nào để triển khai có hiệu quả.
Tham khảo kinh nghiệm hoạt động các Trung tâm Đào tạo liên tục ở một số nước, ông đã có đề xuất tổ chức một hình thức tương tự, gọi tên là Trung tâm tập huấn chuyên đề Đổi mới Sáng tạo, làm cầu nối giữa trường học và doanh nghiệp.
Các trung tâm này sẽ hoạt động không chỉ theo phương thức “cầm tay chỉ việc” mà kết hợp với “phân tích tình huống” theo các chuyên đề cụ thể. Đó là hình thức phổ biến kiến thức khoa học công nghệ thiết thực và hiệu quả nhất hiện nay.
Và đổi mới sáng tạo không chỉ chú ý đến khởi nghiệp. Ở ta, đầu tư cho khởi nghiệp là tốt, nhưng chủ yếu tạo sức mạnh cho thanh niên, còn đổi mới sáng tạo là phải toàn bộ nền kinh tế. “Việc này cực kỳ quan trọng và Nhà nước cần đầu tư, tạo điều kiện để các nhà khoa học có thể đổi mới sáng tạo”, GS Nguyễn Thiện Phúc nhấn mạnh.
GS.TSKH.NGND Nguyễn Thiện Phúc sinh năm 19939 ở vùng quê Hậu Lộc, Thanh Hóa – nơi có nhiều di tích lịch sử. Truyền thống của mảnh đất có bề dày lịch sử, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông đã sớm hình thành trong cậu bé Nguyễn Thiện Phúc lòng tự hào và tình yêu đối với quê hương, đất nước, mong muốn có thể làm điều gì đó cống hiến cho dân tộc.
Năm 1959, GSTSKH. Nguyễn Thiện Phúc là một trong những sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên khoa Cơ khí của Trường, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy bởi thành tích xuất sắc.
Năm 1968 ông được Trường cử đi học tập và nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Những năm tháng vất vả, khó khăn, nhưng với sự cần cù, ham học hỏi, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 1972 và Tiến sỹ khoa học năm 1978 tại Trường ĐH Tổng hợp Kỹ thuật Saint Peterburg về chuyên ngành Máy và dây chuyền tự động. Những thành công bước đầu này có ý nghĩa bước ngoặt trong cuộc đời của GS Nguyễn Thiện Phúc – đưa ông gắn với sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
Không chỉ là một nhà khoa học, ông còn là một người thầy tận tâm với 50 năm gắn bó với công tác đào tạo tại trường ĐHBK Hà Nội (1959 – 2009), nguyên là Phó Hiệu trưởng nhà trường.
Mời quý độc giả xem video: "GS.TSKH. Nguyễn Thiện Phúc chia sẻ cảm xúc khi đến dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 - 18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983 - 26/3/2023). Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.