GS.TSKH Vũ Minh Giang: “Trọng Trí thức và thuộc tính của Đảng ta“

Google News

GS.TSKH.Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang bày tỏ, một điểm nổi bật của đội ngũ trí thức Việt Nam là những người xuất sắc trở thành những nhà lãnh đạo ưu tú...

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đội ngũ trí thức và 40 năm ngày thành lập VUSTA, GS.TSKH. Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ, trên tấm bia văn bia đề danh tiến sĩ khoa Nhâm tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám có đoạn viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà đi lên, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc thánh đế minh vương không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết.
GS.TSKH Vu Minh Giang: “Trong Tri thuc va thuoc tinh cua Dang ta“
Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đội ngũ trí thức và kỷ niệm 40 năm thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
"Vì kẻ sĩ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, được quý chuộng không biết dường nào”. Điều đáng nói ở đây là dưới thời phong kiến hầu như không tìm thấy ở đâu, nhất là ở những nước chủ yếu sống bằng nghề nông, một tư tưởng lớn lao đến như vậy. Phải chăng do hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt, đất nước thường xuyên phải đối mặt với những thử thách hiểm nghèo đã khiến dân tộc Việt Nam không chỉ cần cù, anh dũng mà còn phải vận dụng tối đa nguồn lực trí tuệ của mình. Truyền thống hiếu học, trọng học, trọng trí thức cũng từ đây mà ra.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của Dân tộc nên hơn ai hết đã thấu hiểu sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam không thể không huy động tối đa vai trò của trí thức. Trong những năm bôn ba nước ngoài, mặc dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn và bận trăm công nghìn việc, Người vẫn không ngừng tự học, nâng cao trình độ để tự mình trở thành một trí thức. Chính vì tinh thần cầu thị và trọng trí thức nên Nguyễn Ái Quốc đã nhận được sự cảm tình và giúp đỡ hết sức quý báu của nhiều trí thức Pháp và Việt kiều, trong đó đặc biệt phải kể đến nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh", GS.TSKH.Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang nói.
GS.TSKH Vu Minh Giang: “Trong Tri thuc va thuoc tinh cua Dang ta“-Hinh-2
GS.TSKH.Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. 
GS.TSKH.Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang cho biết, sau khi lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công vào tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ tư tưởng trọng trí thức khi xây dựng Chính phủ lâm thời. Người đã quy tụ xung quanh mình rất nhiều những trí thức yêu nước có tài, có đức và uy tín trong nhân dân để cùng gánh vác việc nước. Không phải ngẫu nhiên mà chỉ hai tháng sau lễ tuyên ngôn độc lập, khi mà chính quyền cách mạng non trẻ đang còn như ngàn cân treo trên đầu sợi tóc, lại phải gồng mình lên để chống đỡ với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, tháng 11 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giành thời gian đích thân đến chủ trì lễ khai giảng và trao bằng tốt nghiệp tại Đại học Quốc gia Việt Nam. Cùng tháng đó, Người đã viết trên báo Cứu quốc bài Nhân tài và kiến quốc nêu rõ quan điểm kiến thiết cần phải có nhân tài.
Một năm sau, khi cuộc chiến chống thực dân Pháp đã cận kề, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Thông lệnh Tìm người tài đức, trong đó nêu rõ: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”. Đây chẳng khác gì một “chiếu cần hiền”.
GS.TSKH.Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang cho biết thêm, với tâm nguyện trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc, trong thời gian công tác ở Pháp năm 1946, Hồ Chủ tịch đã cảm hoá được nhiều trí thức tài giỏi từ bỏ cuộc sống đủ đầy, tương lai cá nhân rộng mở, về nước tham gia vào công cuộc kháng chiến cứu quốc đầy hy sinh gian khổ. Sức cảm hoá của Hồ Chủ tịch đối với trí thức không chỉ ở thái độ trọng thị mà còn là sự thấu hiểu, cảm thông. Người từng khẳng định việc dùng nhân tài không nên quá khắt khe, miễn họ có lòng trung thành với Tổ quốc, không phản bội lại quyền lợi nhân dân là có thể dùng được. Người còn chỉ đạo không được bỏ rơi những nhân tài ngoài Đảng mà phải phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ, thân thiết với họ, gần gũi họ để họ đem tài năng ra giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước. Đây là tư tưởng nhất quán của Người về sử dụng trí thức: Đã dùng thì phải tin, phải tin mới dùng.
"Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 15 tháng 8 năm 1963 là một cuộc gặp lịch sử giữa vị lãnh tụ anh minh với đại diện giới trí thức. Từ đây tư tưởng của Người về về trí thức ngày càng thấm sâu trong quan điểm của Đảng và từng bước được cụ thể hóa thành những chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Đặc điểm đã hình thành xa xưa là đội ngũ trí thức có mối quan hệ rất gần gũi với quần chúng nhân dân. Không giống với nhiều quốc gia phong kiến khác, ranh giới đẳng cấp trong xã hội Việt Nam trung đại không ngăn cản con em nông dân nghèo ứng thí. Nhiều tiến sĩ có xuất thân bình dân, thậm chí còn là con em của những nông dân nghèo nên khi có vị trí trong bộ máy quản lý nhà nước luôn có tình cảm thân thiết và quan hệ gắn bó với nhân dân. Từ khi Đảng trở thành tổ chức lãnh đạo Hệ thống chính trị, đội ngũ trí thức công càng có điều kiện phát huy đặc điểm này", GS.TSKH.Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang chia sẻ.
GS.TSKH.Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang bày tỏ, một điểm nổi bật của đội ngũ trí thức Việt Nam là những người xuất sắc trở thành những nhà lãnh đạo ưu tú. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thấu hiểu tầm quan trọng của tri thức với sự nghiệp cách mạng đã ra sức học tập để tự trở thành một trí thức, trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn có những trí thức uyên bác. Đây là hệ quả của truyền thống văn hoá Việt Nam, và đến lượt mình, đặc điểm này lại trở thành tiền đề và môi trường thuận lợi cho trí thức Việt Nam phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đất nước Việt Nam đang có một cơ đồ lớn để có thể thực hiện khát vọng đưa Dân tộc đi tới phồn vinh. Hơn bao giờ hết chúng ta phải đủ khả năng biến tất cả những gì người Việt Nam có thành lợi thế đưa Đất nước đi lên. Trong sự nghiệp vĩ đại này, đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của một Đảng chính trị đầy trí tuệ sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng.  
Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)