Từ tên thật là “cầu Glienicke”, cây cầu này còn có tên khác: “Cây cầu điệp viên” bởi đây chính là địa điểm diễn ra 3 cuộc trao đổi điệp viên lớn trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Sự nổi tiếng đến từ vẻ đẹp bí ẩn
Nằm ở phía Tây thủ đô Berlin của Đức, cầu Glienicke bắc qua sông Havel, nối thủ đô Berlin với thành phố Potsdam trong hơn một thế kỷ. Alexander von Humboldt, một nhà địa lý và nhà thám hiểm người Đức đã đi khắp thế giới, nhận xét: “Chỉ riêng cảnh vật xung quanh cầu Glienicke cũng có thể sánh ngang với những địa điểm đẹp nhất trên thế giới”. Không còn nghi ngờ gì nữa, không gian xung quanh cây cầu gợi lên bức tranh toàn cảnh lãng mạn.
Trên thực tế, sự nổi tiếng của cầu Glienicke đến từ vẻ đẹp bí ẩn của nó. Lịch sử cây cầu thực sự cũng giống như nhiều cây cầu khác. Nó lấy tên từ ngôi làng nhỏ Klein-Glienicke-một ngôi làng nép mình giữa những vườn nho và được bao quanh bởi hồ và rừng.
Trước đây, Potsdam là một hòn đảo và làng Klein-Glienicke bị cô lập trong một thời gian rất dài cho đến giữa thế kỷ XVII. Cây cầu đầu tiên được làm bằng gỗ vào năm 1660. Cây cầu thứ hai được xây dựng bằng đá năm 1834 và cây cầu thứ ba được làm bằng sắt vào năm 1907. Sự thay đổi trên là minh chứng về sự thích ứng thành công với lưu lượng giao thông ngày càng tăng trên tuyến đường giao thông huyết mạch này. Cũng thật không công bằng khi gắn hình ảnh cây cầu với mục đích duy nhất của nó là bảo đảm việc đi lại từ bờ bên này sang bờ bên kia. Cây cầu là một tác phẩm nghệ thuật và đã chứng kiến những biến động của thời cuộc.
“Chứng nhân” lịch sử
Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra và bắt đầu quá trình hủy diệt cầu Glienicke. Máy bay ném bom của Anh và Mỹ đã phá hủy ¾ thành phố Potsdam và thủ đô Berlin. Trong đó, máy bay ném bom của Đức quốc xã đã cho nổ tung cầu Glienicke để bảo toàn lực lượng đang rút lui, chỉ hai tuần trước khi chiến tranh kết thúc.
Sau khi chiến tranh kết thúc, nước Đức bị chiếm đóng và cây cầu, khi đó bị gãy làm đôi, chìm xuống sông. Sông Havel và tàn tích của cây cầu đánh dấu ranh giới giữa khu vực chiếm đóng của Liên Xô và khu vực Mỹ đóng quân nằm ngay bên kia sông với phần sót lại của cây cầu. Các kỹ sư Liên Xô đã xây dựng tạm một cây cầu gỗ, song song với đống đổ nát của cây cầu kim loại. Nhưng đó chỉ là một cây cầu mỏng manh. Tuy nhiên, những người đến lâu đài Cecilienhof để tham dự Hội nghị Potsdam vào tháng 7 và 8-1945 đều đi qua cây cầu bằng gỗ này.
Công trình xây dựng lại cây cầu giống như trước đây bắt đầu vào năm 1947 và lễ khánh thành diễn ra vào lúc 11 giờ sáng ngày 19-12-1949, chỉ vài tháng sau khi nước Đức bị chia cắt thành Đông Đức và Tây Đức. Vào ngày khánh thành, cây cầu được đặt tên là “Cầu Thống nhất”. Nhưng phải đợi 40 năm, cái tên này mới trở thành hiện thực.
Khi cầu đưa vào hoạt động, mọi người có thể đi hai chiều. Tuy nhiên, quá trình giao thông thuận lợi này chỉ kéo dài hai năm rưỡi. Biên giới giữa Đông Đức và Tây Berlin, được hiện thực hóa bằng một đường kẻ màu trắng, chạy thẳng giữa cầu.
Ngày 23-10-1950, cây cầu trở thành điểm qua lại chính thức của các phái bộ liên lạc quân sự đồng minh (Mỹ, Anh, Pháp) được thiết lập để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến việc chiếm đóng của mỗi bên khu vực. Ngày 26-5-1952, việc sử dụng cầu được mở rộng cho một số ít cá nhân có thẻ đặc biệt. Đối tượng được đi qua cầu ngày càng mở rộng, ban đầu là các phái bộ quân sự của Bỉ, Tiệp Khắc, Ba Lan và Nam Tư, đại diện ở Tây Berlin, sau đó là một số nhà ngoại giao và cuối cùng cho tất cả các nhà ngoại giao.
Một hàng rào và một trạm canh gác được dựng lên ở phía Potsdam với sự giám sát của quân đội Liên Xô, cảnh sát và nhân viên hải quan Đông Đức. Ngày 17-6-1953, trong cuộc nổi dậy của quần chúng chống lại việc tăng giờ làm, lực lượng bảo vệ cây cầu đã được tăng cường trước cuộc biểu tình đoàn kết từ Tây Berlin. Ngày 3-7-1953, cầu Glienicke, một trong những tuyến đường cuối cùng mở sang Tây Berlin, đã bị cấm đối với dân thường. Do đó, hằng ngày, các nhóm của ba phái bộ đồng minh đi qua cây cầu này phải xuất trình giấy chứng nhận dưới sự giám sát của lính canh có vũ trang, camera giám sát và máy chiếu…
3 cuộc trao đổi điệp viên trên cầu Glienicke
Không chỉ chứng kiến những biến động trong lịch sử, cầu Glienicke là nơi diễn ra các cuộc trao đổi điệp viên giữa hai bên đối đầu. Thật vậy, giữa cuộc Chiến tranh Lạnh, vị trí địa lý của cây cầu rất lý tưởng cho loại hình “thương mại” này, bởi đó là điểm liên lạc duy nhất có thể có giữa Liên Xô (Potsdam là thị trấn đồn trú của lực lượng Liên Xô) và Mỹ (kiểm soát khu vực ở Berlin bên kia cầu). Hơn nữa, đây là một nơi đặc biệt kín đáo và biệt lập vì lệnh cấm mọi phương tiện giao thông dân sự. Mọi thứ đều bình yên và gần như bình dị xung quanh cây cầu sắt nhỏ bắc qua một dòng sông yên bình dẫn đến một hồ nước được bao quanh bởi khu rừng.
Cuộc trao đổi điệp viên đầu tiên diễn ra vào ngày 10-2-1962. Sáng hôm đó, lúc 8 giờ 44 phút, phi công người Mỹ Francis Gary Powers đã băng qua vạch trắng đánh dấu giữa cầu. Phi công Gary Powers, người lái chiếc máy bay do thám U2 của Mỹ bị tên lửa SA2 bắn rơi trên lãnh thổ Liên Xô, đã được Liên Xô trả tự do để đổi lấy Đại tá Rudolf Ivanovich Abel, bí danh William Fischer, điệp viên KGB bị kết án đến 30 năm tù ở Mỹ. Hai người gặp nhau ở giữa cây cầu sắt dài 145 mét và bị các tay súng bắn tỉa theo dõi từ xa. Tin tức sau đó được lan truyền khắp thế giới. Cây cầu Glienicke bắt đầu một chương mới trong lịch sử “cây cầu điệp viên” và trở thành một địa điểm không thể thiếu trong các tác phẩm tiểu thuyết gián điệp.
23 năm sau, vào trưa 12-6-1985, khi Gorbachev mới nắm quyền điều hành vận mệnh của Liên Xô được ba tháng, 23 tù nhân chính trị Đông Đức (thực tế là 25 nhưng 2 người đã chọn ở lại CHDC Đức) để đổi lấy 4 đặc vụ đang bị giam cầm tại Mỹ. Đây là vụ trao đổi điệp viên lớn nhất trong Chiến tranh Lạnh.
Tuần báo Der Spiegel của Đức nhắc lại: Một sự thỏa hiệp mà các cơ quan mật vụ và đại diện của các Bộ Ngoại giao của CHDC Đức và Mỹ đạt được sau nhiều năm đàm phán. Cuộc trao đổi lịch sử này, được dàn dựng tỉ mỉ và được ghi lại bởi kênh truyền hình Tây Đức ARD. Ở phía đông, các điệp viên được CIA tuyển dụng và bị Moscow bắt làm tù binh đang ngồi đợi trên một chiếc xe bus. Chiếc xe này được thuê vào sáng hôm đó, xuất phát từ nhà tù Karl-Marx-Stadt đến cầu Glienicke. Xung quanh là đám đông gồm các nhân viên mật vụ, nhân viên an ninh, biên phòng và các quan chức.
Đúng giữa trưa, đoàn xe Mỹ, gồm những chiếc limousine và xe bus nhỏ, xuất hiện ở phía bên kia cầu. Vài ngày trước đó, trong một báo cáo bí mật của luật sư Đông Đức Wolfgang Vogel-nhân vật chủ chốt trong các cuộc đàm phán-tiết lộ, người Mỹ muốn tổ chức “một chương trình có nhiều người và xe hơi”.
Một trong 25 tù nhân chính trị được trả tự do hôm đó, ông Eberhard Fätkenheuer, nay đã gần 80 tuổi, nhớ lại: “Khi chúng tôi xếp thành hàng một đi qua cầu và vượt qua vạch trắng, tôi thấy rõ ràng: Tôi đang ở phía Tây, phía của tự do”.
Cuộc trao đổi thứ ba và cũng là cuối cùng diễn ra 8 tháng sau, vào lúc 10 giờ 42 phút ngày 11-2-1986 khi nhà bất đồng chính kiến Liên Xô Anatoli Schtscharansky tiến lên, cùng với 3 đặc vụ phương Tây khác. Họ được đổi lấy 4 điệp viên cộng sản. 11 giờ 31 phút, cuộc trao đổi kết thúc sau 49 phút trao đổi và đoàn xe rời xa cây cầu huyền thoại...
Ngày 10-11-1989, Bức tường Berlin sụp đổ và cầu Glienicke được thông xe! Cư dân của Potsdam tập trung ở đó và phát hiện ra rằng cần phải đi bộ 4 km trước khi tìm ga tàu điện ngầm đầu tiên để đến Tây Berlin và khám phá thành phố...
Trong Chiến tranh Lạnh, cầu Glienicke là một trong những khu vực được bảo vệ cẩn mật nhất. Còn ngày nay, đây là một trong những khu vực được nhiều người mong muốn được ghé thăm. Cây cầu đã lấy lại được vai trò là một tuyến đường liên lạc và là điểm du lịch đạp xe yêu thích của người dân Berlin nói riêng và du khách nước ngoài nói chung.