Những hiện tượng khác thường, kỳ lạ được ghi chép rất nhiều trong sách sử nước ta, tuy nhiên những ghi chép đó rất ngắn gọn, sơ lược, thậm chí mang tính nhận định chủ quan. Về các hiện tượng thiên văn, trong những bộ chính sử lớn như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục… không khó để thấy những hiện tượng được nhắc tới như sao rơi (sao băng), “trăng phạm sao”, sao Chổi mọc ở vị trí sao Chẩn, mặt trời có hai quầng, hai mặt trời cùng xuất hiện… Trong các sách địa chí địa phương, các sách dã sử còn nhắc đến những hiện tượng kỳ quái khác, nhiều nhất là hiện tượng những đốm lửa nhỏ tự nhiên xuất hiện, những quầng sáng lớn bay lượn… mà người ta thường gọi chung là ma trơi.
|
Những đốm lửa kỳ lạ trong đêm. Hình minh họa. Nguồn: khoahoc. |
Hải Dương là một vùng đất cổ, nơi được mệnh danh “địa linh nhân kiệt”, anh tài trong lịch sử xuất hiện rất nhiều, đất đai màu mỡ, núi non, sông suối đẹp tươi, như trong Hải Dương phong vật khúc khảo thích có đoạn mở đầu như sau:
Vận thái tượng rồng mây một hội,
Đồ khôn dư bờ cõi mở mang.
Thành đông mặt trấn Hải Dương,
Vầng hồng sớm tỏ tấc gang uy trời.
Mười tám huyện sông ngòi dệt gấm,
Thành lục lăng cao thấp vàng xây.
Viễn sơn một rẻo quây bày,
Trường giang ba mặt, oanh vầy đái ngân.
Có những huyện của Hải Dương như Kinh Môn, Chí Linh, Cẩm Giàng… được nhắc đến nhiều, được văn chương, thơ phú lấy làm đề tài phản ánh, ca ngợi. Trong số đó có huyện Chí Linh, nơi mà sơn thủy hữu tình cẩm tú, có nhiều di tích nổi tiếng, là nơi mà “vạn thế sư biểu” Chu Văn An chọn để sinh sống và dạy học; là nơi mà quan Băng Hồ Trần Nguyên Đán “thảnh thơi ngâm vịnh”, là nơi là Ức Trai Nguyễn Trải ở ẩn… Đây cũng là địa phương mà:
Kể nhân vật tài danh khôn xiết,
Xem dân phong khí tiết cũng ghê.
Lại nói về hiện tượng UFO (đĩa bay), theo ghi chép của một số tư liệu Hán Nôm, có thể thấy Chí Linh là nơi UFO xuất hiện nhiều lần. Tất nhiên, dưới con mắt của người xưa, hiện tượng ấy được ghi chép, mô tả theo cảm tính và giải thích theo quan niệm dân gian.
Trong cuốn Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh, một danh thần cuối thời Hậu Lê có một chuyện viết về hiện tượng ma trơi. Ma trơi là hiện tượng những đốm sáng nhỏ màu xanh bay trong đêm, thường thấy ở khu vực nghĩa địa, trong Văn chiêu hồn thập loại chúng sinh của thi hào Nguyễn Du có câu:
Lập lòe ngọn lửa ma trơi,
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương.
Giới khoa học giải thích rằng xương và não người có nhiều phốt pho, khi chôn dưới đất các vi khuẩn sẽ phân hủy xác và sinh ra photphin (PH3) và điphotphin (P2H4). Các chất này thoát ra từ đất và bốc cháy khi tiếp xúc với không khí tạo ra những ngọn lửa đóm xanh. Mặc dù cho rằng đây là hiện tượng hóa học bình thường xảy ra trong tự nhiên, nhưng thực tế có nhiều vấn đề mà giới khoa học vẫn chưa thể giải thích được.
Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện nay còn chưa thể giải thích tường tận về hiện tượng ma trơi thì vào thời xưa, khi mà sự hiểu biết của con người về thế giới tự nhiên còn hạn chế thì các hiện tượng tương tự đều được gọi là ma trơi, mặc dù theo ghi chép trong thư tịch cổ những dấu hiệu lạ ấy khác hẳn dấu hiệu liên quan đến hiện tượng ma trơi theo giải thích của giới khoa học ngày nay.
Phải chăng một số hiện tượng mà người xưa gọi là ma trơi ấy có liên quan gì đó đến UFO chăng? Trong Lan Trì kiến văn lục có đoạn viết như sau: “Vào một đêm mưa phùn tháng 5, năm Đinh Dậu [1777] niên hiệu Cảnh Hưng, giữa vùng núi non ở xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh bỗng bùng lên ba đống lửa ma, to như quầng sáng lớn, soi sáng khắp núi rừng. Những đám ma trơi trong đó cứ xếp thành hàng mà tách ra, bay vào rừng sâu, xa đống lửa ma thì nhỏ dần và biến mất. Cứ như thế mấy đêm liền, mọi người đều thấy rõ. Có người bạo dạn, đến gần xem thì lại không thấy gì nữa”.
|
Quầng sáng lớn giữa núi rừng. Hình minh họa. Nguồn: wiki. |
Điều lạ lùng là hiện tượng quầng sáng lớn tại xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh còn được thấy trong sách Chí Linh phong vật chí. Đây là cuốn sách có nội dung ghi chép về danh thắng, con người của đất Chí Linh, một huyện thuộc xứ Hải Dương xưa, nay là tỉnh Hải Dương; tại tiểu mục về tổng Chi Ngại có chép một bài thơ viết về những chuyện lạ dị thường, trong đó có câu: “Khoáng sơn tế đảo lẫm sơ thâu” (Nghĩa là: Đám lửa đỏ dọc ngang làm mắt tục sợ hãi; dịch thơ là câu: Hồng khí tung hoành kinh mắt tục).
Sau đó có phần lý giải ý nghĩa, xuất xứ của từng câu trong bài thơ ấy; về câu “Khoáng sơn tế đảo lẫm sơ thâu” thì được giải thích như sau: “Núi Phượng Hoàng, xã Kiệt Đặc. Tục truyền rằng một người xã ấy đi săn ban đêm ở chân núi, chợt thấy một vệt trong đỏ giống như mặt trời, rực rỡ đáng sợ. Người ấy bèn giương cung lên bắn rồi nằm phục xuống mà nghe. Anh ta thấy vật đó quay ngang, quay dọc, cây cối xung quanh bị đả phá một hồi. Thế rồi vụt chốc biến mất. Ngày hôm sau anh ta trở lại xem thì hầu hết cây cối bị gẫy nát cả. Ngày nay, người dân địa phương cũng có người trông thấy hiện tượng ấy”.
Có thể nói, ghi chép về hai hiện tượng nói trên trong thư tịch cổ Hán Nôm với những miêu tả so với UFO trong tài liệu khoa học hiện nay có những điểm tương đồng. Phải chăng từ xa xưa, người ngoài hành tinh đã nhiều lần “ghé thăm” trái đất, đã đến một số nơi trên lãnh thổ nước ta, trong đó có huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương?