GS Syukuro Manabe (90 tuổi), nhà khí tượng học tại Đại học Princeton (Mỹ) và GS Klaus Hasselmann (90 tuổi), làm việc tại Viện Khí tượng Max Planck, Hamburg (Đức), được vinh danh về mô hình vật lý khí hậu Trái đất và định lượng các dự báo chính xác về khí hậu ấm lên trên toàn cầu. GS Giorgio Parisi (73 tuổi), làm việc tại Đại học Rome Sapienza (Italy), đoạt giải Nobel Vật lý 2021 vì những đóng góp đột phá vào sự hiểu biết của giới khoa học về các hệ thống vật lý phức tạp.
GS Syukuro Manabe đã chứng minh mức độ tăng carbon dioxide (CO2) trong khí quyển dẫn đến nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng lên như thế nào. Vào những năm 1960, ông dẫn đầu công trình nghiên cứu sự phát triển của các mô hình vật lý khí hậu Trái đất và là người đầu tiên khám phá sự tương tác giữa cân bằng bức xạ và sự chuyển động của các khối khí. Công việc của ông đã đặt nền móng cho sự phát triển của các mô hình khí hậu hiện nay. Khoảng 10 năm sau, GS Klaus Hasselmann đã tạo ra một mô hình liên kết thời tiết và khí hậu với nhau. Các phương pháp của ông đã được sử dụng để chứng minh rằng nhiệt độ tăng lên trong khí quyển là do con người thải ra khí CO2. Vào khoảng năm 1980, giáo sư Giorgio Parisi đã phát hiện ra các mẫu ẩn trong các vật liệu phức tạp bị xáo trộn.
Những khám phá của ông là một trong những đóng góp quan trọng nhất cho lý thuyết về tác động qua lại của sự rối loạn và dao động trong các hệ thống vật lý, từ quy mô nguyên tử đến hành tinh.
Đây là giải thưởng thứ hai được công bố mùa giải Nobel năm 2021 và là giải Nobel Vật lý thứ 115 được trao kể từ năm 1901. Giải thưởng Nobel Vật lý năm nay trị giá 10 triệu crown Thụy Điển (1,15 triệu USD). Hai nhà khoa học Syukuro Manabe và Klaus Hasselmann sẽ chia nhau một nửa giải thưởng, nửa còn lại thuộc về nhà khoa học Giorgio Parisi.
Trong số các giải Nobel, Nobel Vật lý thường chiếm vị trí trung tâm, với các giải thưởng thường là vinh danh những bước đột phá lớn về sự hiểu biết của con người với vũ trụ.