Vào ngày 6/9/1941, một Hội nghị Đế quốc nữa của Nhật xác nhận quyết định bành trướng xuống phía nam và chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống lại nước Mỹ và Anh. Điệp viên Ozaki biết được điều này.
|
Con tem bưu chính của Đông Đức (Cộng hòa Dân chủ Đức) tưởng niệm Tiến sĩ Richard Sorge - sĩ quan quân báo của Liên Xô. Ảnh: Alchetron. |
Ott tâm sự với Sorge rằng ông ta hoàn toàn thất bại trong nỗ lực thuyết phục người Nhật tấn công Nga. Vào ngày 14/9 Sorge thông báo về Moscow và nhấn mạnh “Dựa vào sự xem xét cẩn trọng của tất cả nhóm chúng tôi ở đây thì khả năng Nhật Bản mở một cuộc tấn công – vốn tồn tại gần đây thì nay đã biến mất...”.
Liên Xô tự tin điều quân lật ngược thế cờ
Bây giờ thì nguyên soái Liên Xô Stalin tự tin đưa ra quyết định quan trọng là đưa một bộ phận lớn quân dự bị từ vùng Viễn Đông sang phía tây. Trong hai tháng tiếp theo, 15 sư đoàn bộ binh, 3 sư đoàn kỵ binh, 1.700 xe tăng và 1.500 máy bay đã di chuyển từ Viễn Đông Xô viết sang mặt trận châu Âu (để đối phó với phát xít Đức). Chính các đợt tăng viện quy mô lớn này đã lật ngược thế cờ trong trận Moscow vào tuần đầu tiên của tháng 12/1941 - cùng thời điểm Nhật Bản tấn công Trân Châu cảng.
Tất nhiên công lao phát hiện ý đồ của Nhật không hoàn toàn thuộc về tổ điệp viên Liên Xô của Sorge. Nhưng Sorge đóng một vai trò quan trọng trong chiến công này.
Mặc dù vậy lưới tình báo Liên Xô của Sorge không được hưởng dư vị chiến thắng này lâu. Bão tố đã ập xuống đầu họ.
|
Các cảnh trong bộ phim "Spy Sorge" nói về hoạt động của tình báo viên Richard Sorge ở Nhật Bản. Ảnh: lifo.gr. |
Theo RBTH.com, mật vụ Nhật đã nhờ một sĩ quan Gestapo trong sứ quán Đức tại Nhật theo dõi anh.
Vào tháng 10/1941, cảnh sát Nhật nghi vấn và bắt giữ một người may quần áo được cấp dưới của Ozaki (tên là Yotoku Miyagi) tuyển dụng.
Người may quần áo đã tiết lộ tên của Miyagi. Khi cảnh sát truy bắt Miyagi, anh đã cố gắng cứu các đồng nghiệp của mình bằng cách nhảy lầu tự tử. Nhưng anh không chết sau khi nhảy. Cảnh sát lôi anh ta – trong tình trạng gãy xương – tới phòng thẩm vấn. Bị đau đớn, anh ta đã phun ra với cảnh sát rằng Ozaki và Sorge là các điệp viên cộng sản. Vào ngày 18/10, Sorge đã bị bắt.
Sau một tuần phủ nhận các cáo buộc, Sorge chấp nhận trình bày lại tất cả các hoạt động của mình ở Nhật Bản với điều kiện giới chức Nhật không được làm gì người tình của anh – cô Hanako Iishi, cũng như các bà vợ của một số đồng nghiệp của anh. Sorge khẳng định họ vô tội.
Lên giá treo cổ
Trong 3 năm tiếp theo Sorge bị giam trong nhà tù Sugamo ở Tokyo. Sau nhiều tháng bị thẩm vấn, anh bị đưa ra xét xử và bị kết tội làm điệp viên cộng sản, thực hiện các hoạt động gián điệp với mục đích lật đổ chế độ Nhật hoàng và quyền tư hữu. Vào tháng 9/1943, anh bị khép tội chết.
Tuy nhiên Sorge tin rằng mình sẽ không phải đối mặt với giá treo cổ. Anh tin là Tokyo sẽ đổi anh để lấy một tù nhân Nhật bị Moscow giam giữ. Giới chức Nhật cùng suy nghĩ với anh. Họ cũng muốn đánh đổi anh với tù nhân đó.
Thế nhưng Moscow đã hồi đáp “Họ không biết người đàn ông tên là Richard Sorge”.
Nhiều nước không thừa nhận các điệp viên của họ. Liên Xô trong trường hợp này không phải là một ngoại lệ. Nhưng vụ Sorge có lẽ còn có những nguyên nhân bí hiểm khác nữa.
Sau khi phía Nhật không thành công trong việc đổi tù nhân với Liên Xô, số phận của Sorge đã được định đoạt. Vào ngày 7/11/1944, chính phủ Nhật đã treo cổ Sorge tại nhà tù Sugamo.
Theo RBTH.com, đồng đội của Sorge là Ozaki cũng bị hành quyết.
Tại thời điểm đó, Sorge không hay biết người vợ Katya Maximova của mình đã chết cách đó hơn một năm.
Trong khi đó, người tình yêu dấu Iishi của Sorge khá may mắn. Giới chức Nhật tôn trọng lời cam kết của mình với Sorge là không truy tố cô này. Iishi được phép sống yên lặng phần còn lại của đời mình ở Tokyo. Di hài của Sorge vào năm 1949 đã được đưa từ nghĩa trang nhà tù tới một nghĩa trang mọc đầy cỏ ở ngoại ô Tokyo.
Truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô
Năm 1961, bộ phim Pháp có tựa đề “Anh là ai, hả ngài Sorge?” trở thành một bộ phim được chiếu nhiều ở Liên Xô. Lãnh tụ Liên Xô khi ấy là Nikita Khrushchev đã xem bộ phim này và hỏi cơ quan tình báo KGB là liệu cốt truyện có đúng không. Khi người ta xác nhận câu chuyện này là thật, ông Krushchev đã truy tặng Sorge danh hiệu Anh hùng Liên Xô – danh hiệu cao quý nhất của quốc gia này. Còn Iishi – qua đời vào năm 2000 ở tuổi 89, khi đó được nhận tiền hưu trí của Liên Xô. Ngày nay, danh hiệu Anh hùng Liên Xô được khắc trên bia mộ cẩm thạch màu đen của Sorge. Một con phố ở Moscow mang tên anh. Người ta cũng đã phát hành các con tem tôn vinh anh.
Trong phim ảnh cũng như trong đời thường, Sorge không phải là nhân vật James Bond. Mặc dù vậy, Ian Flemming – tác giả sáng tạo ra James Bond và bản thân là một sĩ quan tình báo Anh trong Thế chiến 2, vẫn coi Sorge là “điệp viên đáng sợ nhất trong lịch sử”. Có thể coi thông tin tình báo của Sorge về quyết định của Nhật Bản tiến đánh phương nam là điều đã góp phần cứu Liên Xô khỏi thất bại trước các thế lực phát xít./.