Giải mã mộ cổ xác ướp giữa bán đảo Linh Đàm

Google News

Trong khi lực lượng công an ráo riết truy tìm những kẻ còn lại trong băng trộm mộ thì một cuộc khai quật công phu cũng được khẩn trương xin phép. 

Kỳ 1: Ngôi mộ bí ẩn
Được tin địa phương báo lên, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường cùng các đồng nghiệp ở Viện Khảo cổ học háo hức chuẩn bị. Ông còn nhớ nguyên cảm giác hồi hộp khi biết mộ nằm trên vùng đất đã trải qua bao biến động lịch sử. Giải mã những bí ẩn mộ cổ này sẽ góp phần làm rõ thêm về lịch sử, văn hóa nước Việt.
Điều đầu tiên khiến đoàn khảo sát đoán định vị trí xã hội quyền quý của người nằm dưới mộ là khối kiến trúc bằng đá khá bề thế nổi trên mặt đất (dương phần) và mang nhiều nét độc đáo so với các di tích mộ cổ khác đã khai quật trước đây. Mộ có cấu trúc rất đặc biệt gồm lăng đá, quách tam hợp và quan tài.
Lăng đá được làm theo dạng khối hộp hình chữ nhật, bên trên có mái che, trên đỉnh có một búp sen tựa như chóp tháp.
“Nhìn vào chất liệu đá và cách xây dựng cho thấy đây là một lăng mộ khá đặc biệt so với nhiều ngôi mộ xác ướp khác đã phát hiện ở thời điểm đó. Phần nhiều các mộ không bao giờ xây lăng đá nổi bên trên, nếu có chăng chỉ là gò mộ được đắp bằng đất phủ lên để hậu thế tưởng nhầm là gò đồi tự nhiên còn chủ yếu đều nằm chìm dưới lòng đất.
Nhìn vào lăng đá nổi, chúng tôi tự hỏi phải chăng đã xuất hiện những yếu tố kỹ thuật mai táng mới cho ngôi mộ xác ướp ở Linh Đường?”, Tiến sĩ Cường kể.
Giai ma mo co xac uop giua ban dao Linh Dam
 Vị trí lăng mộ đá nằm giữa Bán đảo Linh Đàm. 
Lăng đá có kích thước khá lớn, dài 4,1m, rộng 3m, chiều cao từ đỉnh nóc xuống đến chân lăng khoảng 3m. Cửa lăng quay về hướng Nam. Đây là loại cửa rất đặc biệt, 2 thanh đá bên cạnh được đục hèm sâu vào trong. Các thanh đá chèn, được làm mộng lồi theo kích thước của đường hèm.
Sau khi chèn kín cửa, người thợ xây dựng xưa tạo một đường rãnh tròn từ mái xuống đầu cửa rồi thả viên bi đá vừa khít xuống đó khóa lại. Muốn mở được cửa mộ, người ta phải lấy viên bi khóa lên. Đây là một công việc không giản đơn. Do vậy, bọn trộm mộ mới phải dùng mìn để phá cửa.
Trong lăng đá là lớp quách tam hợp, cũng được xây theo khối hộp chữ nhật, rất kín, dài 2,2m, rộng 0,65m, cao 0,55m và dày thành 0,15m.
Lớp quách này có kích thước chỉ nhỉnh hơn áo quan đôi chút. Quách tam hợp được tạo ra từ vôi, cát, mật trộn với giấy bản đã ngâm nước và giã nhỏ thành bột. Vì vậy, quách thường có mầu nâu đen. Hợp chất làm quách này không chỉ rất cứng, bền (hơn cả bê tông) mà còn mịn dẻo để chống sự nứt nẻ, bở mục theo thời gian.
Một trong những điều đáng chú ý về khu mộ Linh Đường là nắp quách ở ngôi mộ khá lạ, kích thước rộng, lớn hơn bể quách. Chất liệu làm nắp quách cũng không giống bể quách.
Trong quá trình kiểm tra lớp nắp quách, các nhà khoa học còn nhận ra, nắp quách được làm từ một dạng vôi nhuyễn thể của những con sò, ốc biển nên rất xốp và có màu trắng ngà chuyển dần sang màu xanh rêu. “Từ những quan sát này cho thấy giữa bể quách và nắp quách có phần bất chỉnh hợp với nhau và được làm sớm muộn khác nhau”, Tiến sĩ Cường nhận định.
Buổi sáng hôm đó, đàn hương nghi ngút khói để chuẩn bị mở nắp quan tài. Các cụ phụ lão được mời chứng kiến đứng lặng im phăng phắc trong cảm giác sờ sợ lẫn tò mò. Còn các nhà khảo cổ thì hồi hộp...

Giai ma mo co xac uop giua ban dao Linh Dam-Hinh-2
 Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường. 
Bí ẩn của tiền nhân và lịch sử xã hội hàng trăm năm trước đang nằm sau tấm gỗ sắp lộ thiên. Cỗ quan tài lớn dài tới 2m, rộng 0,6m, sâu 0,5, dày thành 0,1m được làm từ loại gỗ ngọc am (hay còn gọi san mộc) quý hiếm. Trên nắp áo quan, bọn trộm đã đục thủng 1 lỗ đường kích khoảng 10cm.
Thi hài trong mộ cổ Linh Đường được bó khá cầu kỳ. Thông thường ở các mộ còn nguyên chưa bị phá, chỉ cần nhìn vào số nút buộc trên bó xác có thể đoán được chủ nhân ngôi mộ, 7 nút là đàn ông, 9 nút là đàn bà...
Song rất tiếc, mộ Linh Đường bị phá nên các nhà khảo cổ không quan sát được điều này. Từ ngoài vào trong lần lượt là 1 tấm chăn đại liệm gồm vỏ chăn gấm và ruột bông còn trắng tinh, 5 lớp vải đại liệm loại mộc màu trắng ngà, 1 lớp vải lụa, 1 lớp chăn tiểu liệm bằng sợi gai, 3 lớp áo tiểu liệm màu nâu.
Ngoài ra còn có 1 tấm chăn gấm phủ kín, 2 bọc vải mộc màu trắng chèn hai bên thái dương, 1 mảnh vải lụa màu vàng che mặt, 2 mũ đội đầu bằng gấm và vải.
Trong chiếc quan tài gỗ ngọc am còn rất tốt, các nhà khảo cổ đã phát hiện xác ướp được mặc tổng cộng tới 33 chiếc áo thụng bằng gấm, lụa, được trang trí nhiều loại hoa văn khác nhau như văn hoa đào, đồng tiền, hoa chanh, hoa cúc... Để về với thế giới bên kia, người quá cố còn được mặc tới 9 chiếc váy.
Điều gây ngạc nhiên cho các nhà khảo cổ là 3 lớp áo trong cùng. Trong đó có 1 áo may kép, trên ve áo có hai chữ Hán là “Mụ đình” hay còn gọi là “Môi đình”.
Đặc biệt có 1 áo gấm màu vàng có trang trí hình rồng và sóng nước và 1 áo gấm màu vàng óng trang trí đôi rồng chầu nhật nguyệt. Các con rồng ở đây có thân dài, nhiều vảy, gầy guộc và dưới chân có 4 móng sắc. Ở phía dưới gấu áo có trang trí hình sừng tê bắt chéo nhau, một trong những biểu tượng bát bửu của đạo tu tiên.
Người quá cố mặc hoàng bào, loại áo chỉ dành cho nhà vua và hoàng tộc đương thời. Lại thêm việc lăng đá ngoảnh nhìn về hướng Nam - như trông về khoảng trời miền Trung nước Việt. Có lẽ nào, mộ hoàng đế Quang Trung chính là đây?
Theo Hoàng Giang/Quang Toản/Ngọc Thùy/Pháp luật Việt Nam

>> xem thêm

Bình luận(0)