Vào năm 2005, nhà khảo cổ học người Hungary, tiến sĩ Janos Balazs phát hiện cánh tay của một xác ướp trẻ em đang cầm đồng xu tại một ngôi mộ ở Nyarlorinc, miền Nam Hungary.
Một số đốt xương sống, xương hông và xương chân của em bé trên cũng được tìm thấy trong ngôi mộ cổ. Theo các chuyên gia, ngôi mộ này nằm trong số 500 mộ cổ được phát hiện tại một nghĩa trang ở Nyárlőrinc có niên đại từ giữa thế kỷ 12 - 16.
|
Cánh tay còn nguyên vẹn của một xác ướp trẻ em. |
Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia mới công bố cho thấy nhiều khả năng
xác ướp tí hon trên là một đứa trẻ sinh non hoặc chết yểu ngay sau khi sinh, với chiều cao khoảng 28 - 33cm và nặng khoảng 0,5 - 1 kg.
Do xác ướp em bé này có kích thước khá nhỏ nên các chuyên gia ban đầu lầm tưởng là xương của loài chuột. Sau quá trình kiểm tra, các chuyên gia nhận thấy 2 cánh tay em bé trên đều có màu xanh lá cây, trong đó cánh tay phải được phủ bằng thịt sấy khô. Làn da gần lưng đứa trẻ cũng được ướp và được gắn với 5 mảnh đốt sống. Hầu hết xương sườn, vai đều không bị đổi màu.
Mời độc giả xem video: Bí ẩn hình xăm cổ nhất thế giới trên xác ướp 5.000 năm (nguồn: VTC)
Kết quả phân tích hóa học phần còn lại của xác ướp cho thấy mức độ đồng cao hơn hàng trăm lần so với mức trung bình. Đây cũng là xác ướp có hàm lượng đồng cao nhất từng được tìm thấy từ trước cho đến nay. Bên cạnh xác ướp, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một bình gốm nhỏ và một đồng xu bị ăn mòn.
|
Đồng xu được đặt vào trong lòng bàn tay đứa trẻ. |
Căn cứ vào các bằng chứng được tìm thấy, nhà khảo cổ nhận định trước khi thi hài đứa trẻ được đặt vào bình để chôn cất, người ta đã đặt đồng xu vào tay em bé. Nhiều nền văn hóa cổ đại đã chôn cất người chết bên cạnh những đồng tiền xu như một cách để trả tiền công vận chuyển, đưa linh hồn của người mất sang thế giới bên kia.
Trong trường hợp xác ướp đặc biệt này, các đặc tính kháng khuẩn của đồng xu bằng đồng đã giúp cánh tay của trẻ còn nguyên vẹn sau hàng trăm năm.