Giải mã bí ẩn về những ngôi mộ cổ thoắt ẩn thoắt hiện giữa Hồ Tây

Google News

Lúc nước lặng như tờ, thì rõ mồn một giữa Hồ Tây là những ngôi mộ, đã nhuốm màu thời gian lộ hẳn lên khỏi mặt nước.

Phải nói rằng, hiếm có nơi nào quy tụ nhiều truyền thuyết và thần thoại như ở Hồ Tây, mà mỗi truyền thuyết, thần thoại lại gắn liền với một địa danh trên hồ. Nếu dạo một vòng quanh Hồ Tây, ta sẽ có cảm giác như dưới mỗi bước chân đều có một sự tích, một huyền thoại nào đó.

Hồ Tây đã từng là nghĩa địa?

Đi ven hồ, phía làng cổ Trích Sài (phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội), phóng tầm mắt ra xa, để ý kỹ, sẽ thấy giữa biển nước mênh mông nổi lên một vài đốm đen lớn. Có lúc, nước Hồ Tây lớn, sóng to, nó biến mất. Lúc nước lặng như tờ, thì rõ mồn một là những ngôi mộ, đã nhuốm màu thời gian lộ hẳn lên khỏi mặt nước.

Người dân sinh sống quanh đây không còn lạ gì với hình ảnh đó, nhưng với những du khách từ nơi khác đến, lần đầu vãn cảnh Hồ Tây chắc chắn sẽ không tránh khỏi một chút tò mò cùng cảm giác rờn rợn.

Giai ma bi an ve nhung ngoi mo co thoat an thoat hien giua Ho Tay

Một trong số những ngôi mộ ẩn hiện giữa hồ Tây. 

Không ai biết những ngôi mộ đó của ai, từ đời nào cả. Tìm hỏi một số người dân địa phương, phần lớn không rõ. Số ít còn lại mơ hồ rằng, ngôi mộ còn sót lại kia thực ra là mộ của một tướng quân thời xưa, vì có công với nước nhà nên được chôn cất ở đó, để cho xương cốt được "mát mẻ".

Thế nhưng, có người lại nói rằng đó là mộ thánh, chỉ có thể nhìn từ xa chứ không được lại gần. Những cách lý giải khác nhau cứ thế mà được truyền đi. Chẳng ai hay thực hư thế nào. Chỉ biết rằng, cứ gần Tết Nguyên Đán lại có người đem nhang cùng đồ lễ ra sát hồ mà khấn vái.

Cũng có cả người bạo gan chèo thuyền ra tận những ngôi mộ đó thắp hương. Nhưng việc này không thường xuyên, năm có, năm không.

Bởi rất ít người quan tâm và đi tìm hiểu, cho nên bí mật về gốc gác của những mộ cổ giữa Hồ Tây đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Đi tìm sự thật về những ngôi mộ giữa lòng Hồ Tây, tôi may mắn được người dân làng Trích Sài giới thiệu đến cụ Bùi Văn Thìn, người đã có hơn 10 năm làm trong ban di tích bảo tồn đền thờ thuộc làng Hồ Khẩu, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Cụ năm nay đã 93 tuổi, tuy mắt không còn sáng rõ nhưng hỏi về chuyện của Hồ Tây thì chẳng có chuyện gì mà cụ không nhớ.

Giai ma bi an ve nhung ngoi mo co thoat an thoat hien giua Ho Tay-Hinh-2

Một miệng cống cũng "nhảy" ra giữa Hồ bởi sự xâm lấn của hồ Tây với làng mạc ven hồ

Cụ bảo: "Trước kia Hồ Tây không rộng như bây giờ. Chỗ mà có mấy ngôi mộ ấy, xưa kia cạn nước, cả cái làng Hồ này có người mất đều chôn ở ngoài bãi cả. Ngay như nhà tôi, vẫn còn ba, bốn ngôi mộ không mang được lên, vẫn nằm ở dưới nước, chứ không phải là có vị nào có công có chức tước mới được chôn ở đó… Ngôi mộ đang nổi ở giữa hồ cũng là một ngôi mộ cổ, chứ không phải mộ của một vị thần nào hết".

Dù chẳng phải mộ thờ thần thờ thánh nào, thế nhưng cũng không ai dám phủ nhận độ linh thiêng của khu nghĩa địa cổ này. Trong dòng hồi tưởng của mình, cụ Thìn còn nhắc về một chuyện đầy liều lĩnh của một số dân làng sống quanh hồ này: "Lúc tôi mới 15-16 tuổi, có vài thanh niên trai tráng của làng này và các làng lân cận đi thuyền ra giữa hồ, hụp lặn để moi gỗ từ các cỗ quan về bán. Những thanh niên đó phần lớn đều là những người ăn chơi, không có nghề nghiệp, gia đình khó dạy bảo. Người dân xung quanh hồ cũng không biết đám thanh niên ấy lấy từ mộ của nhà ai mà cản, nên cứ để mặc vậy. Họ phá mộ, nên nhiều người đi quăng chài, vớt được cả đầu lâu. Sau đấy, những người này, có người thì mất sớm, có người thì không lấy được vợ, rồi có kẻ thì bị bệnh, bỏ nhà đi lang thang, đến giờ cũng chẳng còn ai."

Xưa kia, Hồ Tây chỉ là một nhánh cụt của sông Hồng, không rộng tới hơn 500 ha và chứa tới 8 triệu mét khối nước như hiện nay. Ven Hồ Tây có hàng chục làng mạc cổ, những cánh đồng và cũng có hàng chục cái nghĩa địa.

Những người làm nghề sông nước quanh Hồ Tây lâu đời ở các làng Hồ Khẩu, Thụy Khuê và Nghi Tàm kể lại rằng, phường Nghi Tàm xưa có nghĩa địa Đồng Táo rất lớn, bà con phường Khán Xuân thường sang chôn cất, đặt mộ ở nghĩa địa này.

Ông Hồ Bá Hiền, Trưởng ban sử họ Hồ toàn quốc, người bỏ nhiều công sức tìm mộ nữ sỹ Hồ Xuân Hương cho biết, xưa kia nghĩa địa Đồng Táo nằm bên cạnh chùa Kim Liên, cách chùa một đoạn không quá 300m. Có nghĩa là hiện nghĩa địa này đang nằm dưới hồ.

Ông Nguyễn Viết Bân, nguyên Giám đốc Trung tâm cá giống Nhật Tân, thuộc Công ty Đầu tư khai thác Hồ Tây, đã tiết lộ rằng, khu vực làng Xuân La, cách bờ vài trăm mét, cũng từng có một nghĩa địa rộng chừng 3 ha, với dày đặc các ngôi mộ nhấp nhô. Đã rất nhiều xuồng máy của các doanh nghiệp quản lý, khai thác Hồ Tây bị gãy chân vịt mỗi khi chạy qua khu vực này vì chạm vào mộ xây kiên cố.

Thời gian đã quá lâu, các nghĩa địa bị vùi rất sâu dưới đáy hồ và điều quan trọng là ít người nhắc tới, nên nó dần bị quên lãng. Chỉ còn vài ngôi mộ ở những dải đất cao, xây cất kiên cố, lập lờ trên mặt Hồ Tây, nhắc nhớ về những nghĩa địa cổ xưa đó.

Những cái chết bí ẩn

Xung quanh những vùng nước với nghĩa địa bí ẩn dưới lòng Hồ Tây, có nhiều chuyện lạ, mà cư dân ven hồ còn nhắc tới.

Còn nhớ, tháng 6 /2014, có một vụ tai nạn hết sức thương tâm và cũng đầy khó hiểu, mà theo lời đồn, xảy ra ở chính khu vực từng có nghĩa địa.

Giai ma bi an ve nhung ngoi mo co thoat an thoat hien giua Ho Tay-Hinh-3

Người dân bắt tôm cá ở khu vực từng có nghĩa địa.

Hồi ấy, thuyền Kayak được du nhập vào Việt Nam, rồi trở thành một loại hình thể thao hấp dẫn khiến giới trẻ đua nhau thử sức. Hai thanh niên cùng 28 tuổi là Đỗ Đức M. và Nguyễn H. chèo thuyền ra giữa Hồ Tây, đến khu vực có những nghĩa địa cổ, thì bỗng gặp cơn giông lốc, khiến thuyền lật úp, cả hai chết đuối.

Phải mất tới một ngày sau, người ta mới tìm thấy xác của hai nạn nhân và đưa lên bờ. Được biết, hai người là bạn thân, thường xuyên rủ nhau đi cheo thuyền thể thao ở Hồ Tây. Cả hai người này đều có sức khỏe tốt, lại bơi rất giỏi. Không hiểu vì sao lại mất mạng một cách bất ngờ như thế.

Chiếc thuyền Kayak mà hai nạn nhân chèo là loại thuyền có thiết kế với hình dáng thon dài, mảnh mai và được làm từ một loại gỗ nhẹ, rất khó chìm. Ấy vậy mà, trong suốt quá trình tìm kiếm các nạn nhân, đội cứu hộ không tìm thấy xác chiếc thuyền đâu. Trong khi đó, Hồ Tây lại không hề sâu như mọi người nghĩ, chỉ trên dưới 2m nước mà thôi.

Cái chết khó hiểu đó khiến nhiều giả thiết được đặt ra. Những người sống lâu năm ở Hồ Tây đồn rằng, những trận "cuồng phong" bất chợt ấy là do "sóng âm" giội về, còn những người đã bỏ mạng tại Hồ Tây là do những "người" nằm lại ở đó kéo đi.

Giai ma bi an ve nhung ngoi mo co thoat an thoat hien giua Ho Tay-Hinh-4

Chỉ còn một số ít những ngôi mộ xây kiên cố, ở những vị trí cao, chưa bị nước Hồ Tây nhấn chìm.

Người già ở khu vực làng Trích Sài còn nhớ rõ câu chuyện về vụ tai nạn của đoàn văn công hơn 60 năm trước, như một lời nhắc nhở về quyền năng của "thủy thần Hồ Tây".

Vào năm 1955, có một đoàn văn công từ Trung Quốc sang thưởng ngoạn cảnh Hồ Tây. Khi ra đến giữa hồ, gần khu nghĩa địa Trích Sài thẳng ra, thì trời bỗng nổi cơn giông, thuyền lật, nhiều người đã tử nạn.

Những người chứng kiến thời khắc đó kể rằng, vào thời khắc ấy, mây trời tụ lại thành một vùng đen nghịt, mưa lớn trút xuống, cả mặt hồ như bị phủ một lớp sương dày đặc, dù cố gắng thế nào cũng không thể nhìn được gì. Đội cứu hộ phải đợi đến khi giông lốc qua đi, mặt hồ trở lại yên ả thì mới dám bơi thuyền ra trục vớt những cái xác không hồn nổi lên trên mặt nước.

Phải chăng dưới mặt nước yên bình kia còn ẩn chứa điều gì mà chúng ta không chạm đến được?

Hồ Tây có lịch sử gắn liền với sự hình thành kinh đô Thăng Long, ẩn chứa trong đó nhiều câu chuyện đã trở thành huyền tích. Giá trị lịch sử, văn hoá, cảnh quan và không gian của Hồ Tây thì nhiều người biết, sử sách ghi chép, nhưng việc hàng vạn ngôi mộ tồn tại lâu đời dưới đáy hồ kia thì là một bí ẩn cần khám phá.

 
 
Theo Kiều Linh/VTC

>> xem thêm

Bình luận(0)