Những ý kiến bàn về yếu tố văn chương, lịch sử và văn hóa dân tộc trong Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề của tác giả Hoàng Hữu Phê được bàn luận tại buổi giao lưu trực tuyến hôm 11/12, do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Buổi trò chuyện có sự góp mặt của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên - người điều phối chương trình; bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam; nhà nghiên cứu xã hội Khuất Thu Hồng; nhà văn Nguyễn Khắc Phê; nhà thơ, dịch giả Bằng Việt; kiến trúc sư Lê Quang và một số dịch giả, bạn đọc.
|
Hồi ký Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề. Ảnh: Ngọc Lan.
|
Những trang viết sống động về lịch sử
Hồi ký Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề kể về tuổi ấu thơ và quá trình trưởng thành của một cậu bé ở Quảng Bình trong những năm tháng chiến tranh, sau đó trở thành du học sinh, nghiên cứu sinh được khám phá những chân trời tri thức mới và lựa chọn quay trở về Việt Nam để làm việc.
Cuốn sách lột tả những trang sử chân thực của đất nước. Người đọc có thể cắt nghĩa ở đó số phận con người để thấy được một thế hệ đầy nghị lực, khát vọng vươn lên và cống hiến.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, TS Khuất Thu Hồng cho biết bà "thực sự choáng ngợp vì sự đồ sộ của tác phẩm". Là nhà nghiên cứu xã hội học, bà thường xuyên tìm đọc nhiều hồi ký để phục vụ công việc. Với Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề, bà tìm được những lý giải cho sự phát triển cuộc sống ngày nay.
"Cuốn sách giúp tôi dựng lại hình ảnh về những năm tháng dân tộc đã đi qua, bởi câu chuyện cá nhân của tác giả được đặt vào bối cảnh chiến tranh với những trang sử sống động một thời", TS Khuất Thu Hồng nói.
Tác giả Hoàng Hữu Phê cũng nói "không viết gì ngoài sự thật". Ông kể lại những ngày tháng chiến tranh để lớp trẻ hiểu đúng về lịch sử và biết trân quý hơn giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay. Theo ông, với cuốn hồi ký này, bạn đọc sẽ có thêm động lực để vươn tới giấc mơ.
Nhà thơ Bằng Việt cho rằng cách khai thác câu chuyện đem đến sự tò mò cho người đọc. "Với tôi, đây là một tác phẩm có chiều sâu. Nó không chỉ phản ánh đời sống của dân tộc mà còn đời sống khoa học của nhiều quốc gia khác", nhà thơ Bằng Việt nhận xét.
|
TS Hoàng Hữu Phê giao lưu trực tuyến cùng khách mời hôm 11/12. Ảnh: FBNV.
|
Cuốn hồi ký đầy ắp yếu tố văn chương
Cũng trong buổi giao lưu trực tuyến, nhà văn Nguyễn Khắc Phê cho biết ông cảm thấy vừa bất ngờ, vừa thú vị khi đọc Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề của tác giả Hoàng Hữu Phê.
Theo ông, tiêu đề cuốn sách là một điểm độc đáo, bởi nó gắn với kỷ niệm tuổi thơ và là nơi người cầm bút luôn nhớ về. Tác giả viết câu chuyện của riêng mình, nhưng những người sống ở thời điểm đó đều cảm nhận bản thân mình cũng có mặt trong câu chuyện này.
"Cấu trúc tác phẩm cũng là một điểm đặc biệt. Tôi nghĩ nó có thể chia làm ba phần tách biệt: Ký ức thời niên thiếu; cuộc sống ở nước ngoài cùng đam mê kiến trúc; thơ", nhà văn Nguyễn Khắc Phê nêu quan điểm.
Đối với nhà thơ Bằng Việt, cuốn sách có đầy đủ yếu tố văn chương, thỏa mãn nhu cầu của người yêu văn học, nghệ thuật. Hơn nữa, nó còn cho độc giả thấy được cách con người Việt Nam phấn đấu, tìm tòi và cố gắng để hòa nhập với thế giới.
"Tác giả là kiến trúc sư, am hiểu về kiến trúc. Nhưng độc giả cũng có thể cảm nhận được sự say mê của ông đối với văn học, hội họa, thơ ca và cả âm nhạc", nhà thơ Bằng Việt nói.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam (đơn vị phát hành cuốn sách này) - cũng chia sẻ ở mảng hồi ký, đây là tác phẩm có chất lượng, giàu giá trị và đem lại nhiều cảm xúc cho người đọc.
"Là độc giả ở thế hệ sau, chúng tôi cảm nhận được nỗi khó khăn, gian khổ của thế hệ đi trước cùng sự quyết tâm, niềm tin mãnh liệt vào tri thức của người Việt Nam", bà Hoa Phượng đánh giá.
Theo người đứng đầu Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, cuốn sách do một người không chuyên nghiên cứu lịch sử viết nhưng lại "giàu tính tư liệu, đậm chất văn chương".
"Đây cũng là gợi ý cho nhà xuất bản chúng tôi thực hiện một serie hồi ký của những gia tộc hoặc nhân vật nổi tiếng. Thể loại này sẽ hấp dẫn người đọc, giúp kết nối độc giả ở nhiều thế hệ. Ở đó, ta không chỉ thấy cuộc đời của từng cá nhân, gia đình, mà còn thấy được cả trang sử của dân tộc", bà Hoa Phượng nói thêm.
"Đây là tác phẩm có chiều sâu. Nó không chỉ phản ánh đời sống của dân tộc mà còn đời sống khoa học của nhiều quốc gia khác" - Nhà thơ Bằng Việt.
TS Hoàng Hữu Phê là dịch giả của Bông hồng cho Emily (William Faulkner), Thao thức (Alecxandr Kron), Homo Faber (Max Frisch). Ông là kiến trúc sư và nhà quy hoạch.
Ông được tặng giải thưởng "The Donald Robertson Memorial Prize năm 2.000" của tạp chí về nghiên cứu đô thị, Urban Studies, cùng GS Patrick Wakely (UCL), cho công trình lý thuyết Vị thế - Chất lượng (SQTO).
Tại Việt Nam, ông tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều công trình.