Trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa", Gia Cát Lượng có thể nói là một nhân vật gần như hoàn hảo, nhưng càng hoàn hảo thì càng bị người đời soi mói. Trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa", để mà "bới lông tìm vết", tìm ra thiếu sót gì thì phải kể đến mắt nhìn người của ông.
Cuối thời Thục Hán nhân tài trở nên khan hiếm. Khi Gia Cát Lượng Bắc phạt, ông vẫn dùng những lão tướng thuở đầu. Mã Siêu, Triệu Vân đều đã chết, không có người thay thế nên ông vẫn dùng những người cũ như Vương Bình và Trương Dực.
Nói như vậy không có ý cho rằng họ không có năng lực, chỉ là không ai trong số họ xuất chúng được như Ngũ Hổ Tướng năm xưa.
"Thục trung vô đại tướng
Liêu Hóa tác tiên phong". (Câu này ý nói trong hàng tướng soái của nhà Thục Hán lúc này không còn mãnh tướng, người như Liêu Hóa đã là người mạnh nhất).
Điều này phản ánh sự bất lực của Gia Cát Lượng trong việc dùng người. Sau khi Gia Cát Lượng chết, nước Thục lại càng khó khăn hơn trong việc dùng người. Hai người mà Gia Cát Lượng hết lòng bồi dưỡng trước khi chết có thể nói chính là tính toán sai lầm tai hại nhất trong cuộc đời ông. Chính quyết định của họ đã đẩy Thục Hán vào đường diệt vong.
Người đầu tiên là Khương Duy.
Khương Duy là một võ tướng rất có tài. Trong bối cảnh nhân tài ngày càng khó tìm trên đất Thục, Khương Duy càng được Gia Cát Lượng toàn tâm toàn lực bồi dưỡng hơn, lựa chọn Khương Duy, Khổng Minh tiên sinh hi vọng sau khi ông chết, đây sẽ là người kế thừa tinh hoa cả đời của mình.
Khương Duy rất trung thành, ông tiếp tục thực hiện di nguyện giành lại Trung Nguyên và Bắc phạt của Gia Cát Lượng. Tuy nhiên, dù rất giỏi về quân sự nhưng Khương Duy lại không hiểu thuật trị quốc.
Liên tiếp nhiều năm, Khương Duy dẫn quân xuất chinh, dựa vào nước Thục nhỏ bé đất đai chỉ có 1 châu để đối chọi với Tào Ngụy chiếm cứ cả một vùng rộng lớn ở phía Bắc Trung Quốc. Làm như vậy chỉ khiến Thục Hán hao tổn quốc lực, gia tăng tốc độ tiến đến kết cục diệt vong.
Có người cho rằng nếu Khương Duy và Gia Cát Lượng không chủ động tấn công, với nền tảng vững mạnh như Ngụy, sớm muộn cũng sẽ thôn tính Thục Hán và Đông Ngô, như vậy chẳng phải chỉ có nằm chờ chết sao? Thay vào đó, Ngô, Thục nên kết hợp sức mạnh, đánh đòn phủ đầu. Như vậy còn có cơ hội giành thắng lợi.
Nhưng Khương Duy thực sự đã dụng binh quá nhiều. Từ năm 228 đến năm 234 sau Công Nguyên, Gia Cát Lượng đã 5 lần đưa quân đến Hán Trung, điều này đã làm tổn hao nguyên khí của nhà Thục.
Từ 238 đến 262, trong 24 năm này, Khương Duy đã chỉ huy 11 cuộc Bắc phạt, tức là cứ khoảng chưa đầy 2 năm lại phát động một cuộc chiến tranh. Làm như vậy, người dân làm sao chịu nổi?
Sau khi Tưởng Uyển và Phí Y chết, trong nội bộ Thục Hán không còn ai có thể kiểm soát được Khương Duy. Về cơ bản, ông đã trở thành "đệ nhất đại thần" của tập đoàn Thục Hán, có ảnh hưởng cực lớn trong triều.
Trong cuộc Bắc phạt cuối cùng của Khương Duy, Liêu Hóa đã từng khuyên: "Trí không hơn địch, mà lực kém hơn địch, làm sao có thể đứng vững?"
Thế nhưng Khương Duy vẫn thờ ơ. Việc điều quân nhiều lần không mang lại lợi ích gì đáng kể cho nước Thục. Ngược lại, vào năm 263, nước Ngụy bắt đầu tấn công vào Thục Hán.
Âm mưu của Đặng Ngải đã thành, trong đó sự chán ghét chiến tranh của người Thục cũng có liên quan rất lớn. Chỉ mất 3 tháng để Thục đầu hàng, cứu viện của nước Ngô thậm chí còn không kịp đến trước khi mọi chuyện kết thúc.
Người thứ hai Gia Cát Lượng dùng là Gia Cát Chiêm
Là con trai của Thừa tướng, khí chất của Gia Cát Chiêm không thua kém gì cha mình. Trong chiến tranh Ngụy – Thục, Gia Cát Chiêm đã tử trận một cách bi tráng. Tuy nhiên, với vai trò là chủ tướng trấn thủ ải Miên Trúc trọng yếu, ông đã không làm tròn trách nhiệm của mình
Gia Cát Lượng vì tin tưởng con trai nên mới giao cho trấn giữ cửa ải quan trọng như vậy. Nhưng trong thời gian diễn ra chiến tranh, Chiêm hầu như bỏ ngoài tai lời khuyên của Hoàng Sùng, rằng phải chiếm lĩnh nơi hiểm yếu, vì thế mà để lỡ mất cơ hội ngăn cản đội quân đánh úp của Đặng Ngải, cuối cùng binh bại, bản thân cũng bị giết.
Nếu Gia Cát Chiêm có thể giữ chân được đội quân đánh úp của Đặng Ngải, ông đã có thể chờ được viện binh của Khương Duy và quân Đông Ngô. Nước Thục cũng có thể sẽ không bị diệt vong trong trận chiến này.
Hai người được Gia Cát Lượng bồi dưỡng mặc dù đều là những người có tài nhưng lại đều phạm phải sai lầm quá lớn ngay trong những quyết sách mang tính chất sống còn, vì thế mà đẩy Thục Hán vào bước đường cùng là diệt vong.
Tương tự với hai trường hợp này còn có trường hợp của Mã Tắc, thật khiến cho người đời cảm thấy tiếc nuối.