Nhà Lê dựng bia tiến sĩ Để vinh danh những người đỗ đạt cao, nhà Lê đã cho dựng bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...".
Đó là câu nói lưu danh muôn đời, một trong những biểu tượng của nghìn năm văn hiến nước nhà đã được danh sĩ người dân tộc Tày Thân Nhân Trung soạn hơn 500 năm trước để khắc lên tấm bia tiến sĩ đầu tiên tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Thăng Long), ghi danh người đỗ đạt năm 1442.
Tiến sĩ người Tày và câu nói lưu danh muôn đời
Theo sách Đăng Khoa lục, Thân Nhân Trung (1418-1499) quê ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang ngày nay. Theo gia phả dòng họ, ông là con trai thứ hai của lương y Thân Thái Ất.
Mẹ ông làm lẽ, khi cha đi chữa bệnh xa nhà, hai mẹ con ông thường ra đồng mò cua bắt ốc kiếm sống. Thấy Thân Nhân Trung bắt cá giỏi (sát cá), dân làng gọi ông là Cốc.
Vì nhà nghèo, ông không có tiền ăn học. Hồi đó, một thầy đồ ở Hải Dương về mở lớp dạy cho nho sinh tại Bắc Giang. Thân Nhân Trung đứng ngoài nghe lỏm, lấy gậy chăn vịt viết chữ lên nền đất. Nhờ thông minh hơn người, chẳng lâu sau, ông tinh thông kinh sử, sách truyện.
|
Câu nói lưu danh muôn đời của Thân Nhân Trung. Ảnh: Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. |
Khi triều đình mở khoa thi năm 1469, ai cũng sắm sửa nghiên mực, lều chõng lên đường, riêng Thân Nhân Trung ở nhà. Thầy đồ gọi lên hỏi, ông trả lời: "Nhà con nghèo, không có tiền lo việc đi thi".
Thầy đồ trợ giúp tiền và giục ông đi thi. Ngay cả tên Thân Nhân Trung cũng do thầy đồ đặt cho ông. Tại khoa thi này, dù hơn 50 tuổi, ông đỗ tiến sĩ. Đỗ đạt muộn nhưng gặp được thời thế hưng thịnh, dưới sự trị vì của vua Lê Thánh Tông, Thân Nhân Trung nhanh chóng được tin dùng.
Ông lần lượt làm quan đến những chức như: Lại bộ Thượng thư, Chưởng Hàn lâm viện kiêm Đông các đại học sĩ, Nhập nội phụ chính, Tế tửu Quốc Tử giám (hiệu trưởng), Phó Đô Nguyên suý trong Tao Đàn Nhị thập bát tú…, được vào hoàng cung dạy học cho các hoàng tử.
Dù ở vị trí nào, Thân Nhân Trung cũng tận lực, trở thành danh nhân văn hoá, chính trị nổi tiếng trong lịch sử.
Bàn về đạo trị nước, bồi dưỡng nhân tài, theo Thân Nhân Trung, người trên phải biết lo cho dân, lo việc nước, sao cho dân giàu, nước mạnh: "Trị nước càng thịnh vượng lòng càng phải thận trọng, càng phải lo cho dân, chăm chỉ chính sự hàng ngày nơm nớp lo lắng".
Tư tưởng xuyên suốt con người Thân Nhân Trung là yêu nước thương dân, ý thức trách nhiệm cao với dân, với nước.
Dòng họ khoa bảng lừng danh
Thân Nhân Trung là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học để gia đình, con cháu, quê hương ông noi theo. Nối tiếp truyền thống của cha, hai con trai (Thân Nhân Tín và Thân Nhân Vũ) cùng người cháu (Thân Cảnh Vân) đều cố chí học hành và đỗ tiến sĩ thời Hậu Lê.
Tiêu biểu nhất chính là thám hoa Thân Cảnh Vân - cháu đích tôn của ông. Theo sách Các nhà khoa bảng Việt Nam, Thân Cảnh Vân đỗ thám hoa tại khoa thi Quý Mùi (1487) khi ông mới chỉ 25 tuổi.
Sau khi đỗ đại khoa, Thân Cảnh Vân ra làm quan trong triều cùng ông nội Thân Nhân Trung, chú ruột Thân Nhân Vũ và cha là Thân Nhân Tín. Vậy là, gia đình Thân Nhân Trung có tới 3 đời liên tiếp với 4 người đỗ đại khoa và làm quan cùng triều. Đó là vinh hiển nghìn năm có một trong lịch sử khoa bảng nước nhà.
Trước cảnh hưng thịnh ấy của gia đình họ Thân, vua Lê Thánh Tông từng ca ngợi: "Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển / Nhị Thân phụ tử mộc ân vinh", nghĩa là: Mười anh em nhà họ Trịnh nối nhau quý hiển / Hai cặp cha con nhà họ Thân tắm gội ân vinh.
Không chỉ có tác động trực tiếp tới gia đình, Thân Nhân Trung còn là người mở đầu cho truyền thống hiếu học ở quê nhà.
Noi gương ông, con cháu vùng đất Yên Ninh ra sức học hành. Theo sử sách, trong thời gian này, quê hương của Thân Nhân Trung có tới 10 nho sinh ưu tú đỗ đại khoa (tiến sĩ) và được người đời tôn vinh là “làng tiến sĩ”.