Ngô Sách Tuân (1648-1697) là người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng bậc nhất lúc bấy giờ.
Bản thân gia đình Ngô Sách Tuân có cha và anh trai cùng đỗ tiến sĩ và làm quan to trong triều.Ông đỗ tiến sĩ năm Bính Thìn (1676) đời Lê Hy Tông khi 29 tuổi, làm quan tới chức Lại bộ Hữu thị lang. Khi trấn giữ vùng Lạng Sơn, ông đã lập công lớn trong việc dùng mưu bắt được dư đảng nhà Mạc lẩn tránh tận Trung Quốc.
|
Một giám khảo trong kì thi năm 1897. Ảnh tư liệu. |
Nhưng chỉ vì một sai lầm trong việc chấm bài thi mà cuộc đời cũng như danh tiếng của ông đã tiêu tan thành bọt nước. Không những phải mất mạng, Ngô Sách Tuân còn để lại một “vết đen” trong lịch sử khoa bảng nước nhà. Câu chuyện này đã được sử sách ghi lại khá tỉ mỉ.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (quyển 34) chép lại nội dung câu chuyện này như sau: Lúc bấy giờ (tức năm 1696 – PV) Ngô Sách Tuân đương giữ chức Phó chủ khảo trường thi ở Thanh Hóa. Trước khi đi Thanh Hóa, Ngô Sách Tuân có đến gặp quan Tham tụng Lê Hy (ông này là người Thanh Hóa) để chào từ biệt.
Trong buổi gặp gỡ đó thì Ngô Sách Tuân mới biết trong đợt thi này, các con của quan Tham tụng cũng tham gia. Lê Hy bèn đem hình dáng giấy đóng quyển thi của các con mình cho Ngô Sách Tuân biết là giấy vùng Thanh Hoá và có ý nhờ giúp đỡ. Vốn là người có hiềm khích với Lê Hy trước đây nên Ngô Sách Tuân cũng muốn nhân dịp này để xóa bỏ ân oán nên đã nhận lời.
Số là tháng 7.1694 Ngô Sách Tuân tố cáo Lê Hy lên triều đình về chuyện ông này lén lút đưa người con là Lê Thuyên và học trò là Tô Hinh vốn không có năng lực vào quan trường. Sự việc được tấu trình lên nhưng nhà vua xét thấy không đủ bằng cớ để kết tội Lê Hy nên đã giáng chức Ngô Sách Tuân. Hai người giữ mối hiềm khích kể từ đó.
Chính vì thế khi nhận được sự “gửi gắm” của quan Tham tụng, ông cũng muốn dựa vào việc này để hóa giải hận thù giữa hai bên. Trong kỳ thi đó các con Lê Hy không đỗ, Ngô Sách Tuân đã lấy những quyển thi bị đánh hỏng đó đưa cho các quan giám khảo, bảo họ phê lấy đỗ.
Sự việc này không qua mắt được quan Đề điệu trường thi (tức quan chủ khảo - PV) là Phó đô ngự sử Ngô Hải. Tuy nhiên, ông này hứa sẽ giấu kín chuyện.
Thế nhưng việc này bị quan Tham chính là Phan Tự Cường phát giác bèn tâu lên. Triều đình giao cho các quan văn võ họp bàn, khép Ngô Sách Tuân vào tội giảo (nghĩa là bắt phải thắt cổ mà chết), Ngô Hải vì không biết lòng chính trực nên bị bãi chức, các quan giám khảo và phúc khảo đều bị phạt, còn người tố cáo là Phan Tự Cường được thăng chức Thiêm đô ngự sử.