Phép khoa cử nước ta bắt đầu vào năm 1075, khi triều Lý tổ chức khoa thi Minh Kinh bác học và Nho học tam trường đầu tiên.
Kể từ đó, những quy định về khoa cử liên tục được bổ sung, hoàn thiện dưới thời của các triều đại phong kiến Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn.
Khoa cử nghiêm ngặt của nhà Nguyễn
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, cùng với sự phát triển của khoa cử nước nhà, để đảm bảo sự chặt chẽ trong các kỳ thi, tháng 4.1462, vua Lê Thánh Tông định ra lệ “Bảo kết hương thí”. Theo đó, khoảng tháng 8 trước kỳ thi năm sau, các sĩ tử ứng thí phải đến nhà giám hay đạo sở tại, khai rõ lý lịch, đợi thi Hương. Nếu thi đỗ, danh sách tiếp tục được gửi đến Viện Lễ nghi, để trung tuần tháng giêng năm sau thi Hội.
Giao cho quan địa phương xác nhận vào lý lịch, những người có đức hạnh mới được kê vào sổ đi thi. Người bị xếp vào loại bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân… không được đi thi, dù học vấn, văn chương giỏi đến mấy. Quy định này được duy trì đến tận thời Nguyễn.
Dù cho những quy định về lề lối sơ tuyển, thi cử đều được cải cách lại, lệ “Bảo kết hương thí” vẫn được áp dụng.
|
Các “khảo quan” thị sát trước khi thi. Ảnh tái hiện cảnh thi thời phong kiến. Nguồn: Quân Đội Nhân Dân. |
Theo sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, trong khoa thi Hương đầu tiên của triều Nguyễn tổ chức năm 1807, vua Gia Long định lệ: “Trước kỳ thi, lý trưởng sở tại phải ghi tên học trò đi thi vào sổ. Những người bất hiếu, bất mục, loạn luân, điêu toa, phạm án cướp hay phản nghịch đều không được đi thi”.
Trước thời gian thi bốn tháng, những thí sinh muốn dự thi phải ghi danh tại địa phương để xem xét tư cách đạo đức, lý lịch. Những người đang chịu tang cha, mẹ, ông bà nội mà đương sự là người phải lo việc thờ phụng không được tham gia kỳ thi. Những người bất hiếu, không hòa thuận với anh em, tàn bạo… cũng không được thi.
Cũng theo sách này, người thân thuộc với tội phạm đã bị chém, giảo (thắt cổ), đi đày, sung quân (dù đã được tha về)... cũng không được thi.
Những người chức tước cao phạm tội, không kể đã bị xét xử hay chưa, dù đã chết hay ra đầu thú được khoan dung, từ con cho đến cháu, chắt cùng những người chịu tang từ 9 tháng trở lên đều không được dự thi.
Nếu là kẻ tòng phạm theo giặc nhưng không có chức tước, hoặc chức nhỏ, con cháu cũng không được đi thi. Nếu đã ra đầu thú, lập công được giảm án, cháu được đi thi. Nếu là kẻ tòng phạm nhưng bị giặc ức hiếp phải theo chẳng có chức tước gì, con không được đi thi nhưng cháu trở xuống được đi thi.
Cậu bé 13 tuổi mất học vị tiến sĩ vì nghi án khai gian lý lịch
Cũng vì những quy định nghiêm khắc, ngặt nghèo này, nhiều nhân tài đã không thể tham gia khoa bảng vì lý lịch không phù hợp. Thậm chí, có người còn bị tước học vị dù đã thi đỗ.
Theo sách Minh Mạng chính yếu, khoa thi năm năm 1835, có một thí sinh tuổi 13 đỗ tiến sĩ nhưng không được vua Minh Mạng công nhận vì nghi án gian lận tuổi.
Sách chép rằng: "Khoa Điện thí ấy có người đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (tiến sĩ) là Lê Chân Niên. Thấy tuổi còn ít, hoàng đế ban sắc hỏi lại. Chân Niên thưa thực mới 13 tuổi nhưng danh sách lại ghi 19 tuổi.
Dù kết quả thẩm tra cho rằng do lý trưởng xác nhận nhầm chưa kịp sửa lại, vua Minh Mạng vẫn nhất quyết phê rằng: “Khoa mục là bước đầu để tiến thân, nên lấy danh thành tín làm gốc. Nếu có việc giấu tuổi như thế, trước đã tự dối mình, sau này ra làm quan trông mong gì giữ được công bình, trung chính. Vì thế, trẫm không thể lấy đậu. Hãy cho theo đúng tuổi mà cải chính".
Sau đó, vua hạ lệnh cho Bộ Lễ truyền dụ: “Từ nay về sau, họ tên, tuổi, quê quán của những người ứng thí, phải được kê khai xác thực. Nếu người nào đã bị lý trưởng khai nhầm, phải nhận quyển về, bẩm rõ với quan trên để xin cải chính. Nếu cứ bưng bít, im lặng, đến khi biết sẽ có tội”.
Sau khi bị đánh hỏng, số phận cậu bé Lê Chân Niên không biết về đâu vì không thấy sách nhắc tới nữa.
Câu chuyện của Lê Chân Niên là trường hợp đáng tiếc trong lịch sử khoa cử nước ta thời phong kiến, bởi sự nhầm lẫn có thể do cậu bé hoặc cũng có thể do quan lại địa phương bất cẩn.
Nhưng, dù vì bất cứ nguyên nhân nào, chúng ta cũng có thể cảm nhận được sự nghiêm khắc của phép khoa cử ngày xưa.