Có nên rút, tỉa chân hương trên ban thờ tổ tiên?
Không ít người có quan niệm rằng, bát hương ngày đầy chân hương, thậm chí càng um tùm thì càng linh thiêng, càng nhiều tài lộc.
Họ không có thói quen rút tỉa chân hương định kỳ mà để chúng um tùm, chân hương sau cắm lên chân hương trước thành tầng tầng lớp lớp, năm này qua năm khác.
|
Ảnh minh họa. |
Theo ông Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp khoa học Công nghệ và tin học ứng dụng UIA), quan niệm trên chỉ là suy đoán, không hề có căn cứ.
Ông Khanh cho biết, tỉa chân nhang là một trong những việc quan trọng nhất trong khâu dọn dẹp bàn thờ. Việc để bát hương quá đầy không chỉ khiến bát hương bị rác, bàn thờ sẽ nhanh bụi bẩn, mà còn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn cao nếu không cẩn trọng.
Theo các nhiều nhà tâm linh khác, việc không tỉa chân hương, để bát hương quá đầy, khi thắp những nén hương tiếp theo không chạm được vào bát hương được sẽ chèn lên chân hương trước, như vậy việc thắp hương sẽ không còn ý nghĩa.
Hơn thế, bát hương mà có chân hương cao sẽ giống như cái cột “che mắt” thần linh, gia tiên, cũng giống như ta đang ngồi mà có vật gì chắn trước mặt sẽ cảm thấy rất khó chịu.
Lưu ý:
Trước khi lau dọn bàn thờ và tỉa chân hương, gia chủ cần lưu ý tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng và chuẩn bị hoa quả đặt lên ban thờ. Kế đến, gia chủ thắp hương xin phép. Gia chủ cần chờ nén hương cháy hết thì mới tiến hành lau dọn bàn thờ, tỉa từng chân hương một, cho đến khi còn lại một vài chân hương đẹp nhất. Thông thường, gia chủ nên để lại chân hương là số lẻ: 3, 5, 7, 9.
Số chân hương đã tỉa sẽ được đốt trong lò hóa vàng, tro đem đổ xuống sông, hoặc vùi vào gốc cây (nên chọn cây to khỏe hãy vùi, bởi các cây non rất dễ bị chết). Không nên đổ tro lung tung vì người xưa quan niệm như thế sẽ bị “tán tài”.
Sau khi dọn dẹp sạch sẽ ban thờ và tỉa chân hương xong, gia chủ cần thắp hương cẩn báo mời quan thần linh và gia tiên trở về.
Thông tin chỉ mang tính tham khảo!