Khi mới sinh con, nếu có người giúp việc hay mẹ đẻ hoặc mẹ chồng giúp đỡ, việc chăm sóc con của một bà mẹ sẽ đỡ khó khăn hơn. Ngược lại, nếu chỉ có một mình thì giai đoạn này không khác gì một cuộc chiến. Bởi trẻ sơ sinh đòi hỏi phải được để mắt, chăm sóc phần lớn thời gian trong ngày.
Ngoài việc phải cho bé ăn, bé bú hơn chục lần mỗi ngày; các bà mẹ phải đánh vật rất lâu với nết ngủ của bé. Bởi kiểu ngủ của các bé cũng có muôn hình vạn trạng khác nhau. Có bé ngủ ngày, thức đêm; có bé thường xuyên thức dậy giữa đêm và khóc ầm ĩ suốt 20-30 phút, thậm chí hàng tiếng đồng hồ; có bé ngủ không theo giờ giấc nào…
Khi khỏe mạnh còn đỡ, chẳng may đau ốm, bé còn khó chịu, quấy khóc kinh khủng hơn. Nhiều bà mẹ đã từng tâm sự: khi con ốm thì 3-4 ngày liền họ không được đặt lưng xuống giường một lúc nào; toàn phải ngồi ôm con và tranh thủ ngủ gật khi có thể...
Khi con biết bò, biết đi, rồi đủ tuổi đi nhà trẻ, nỗi vất vả của các bà mẹ cũng không được giảm đi mấy phần. Ngoài việc chăm sóc, tắm rửa, cho con ăn uống, chơi với con; các bà mẹ còn luôn phải để mắt đến những đứa con tò mò khám phá mọi ngóc ngách trong nhà, ngoài đường, và có thể ngã khi trèo cao, lao vào những chỗ bẩn hay những chỗ nguy hiểm… Bên cạnh đó, họ cũng phải làm hầu hết các việc nhà từ nấu nướng, giặt giũ đến dọn dẹp, mua sắm...
Một số bà mẹ có được sự san sẻ của các ông bố trong việc nuôi con thơ. Tuy nhiên, ở các thành phố lớn tại các nước đang phát triển, đặc biệt ở các quốc gia áp lực như Hàn Quốc, hầu hết các bà mẹ phải đơn độc gánh vác trách nhiệm này, bởi người bố thường tan làm và trở về nhà rất muộn.
Một số bà mẹ bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng của gia đình, xã hội, còn đau đầu chuyện tìm hiểu áp dụng những phương pháp nuôi dạy con mới mẻ…
Tất cả những lý do này khiến hầu hết những người đi làm trước khi nghỉ sinh và lần đầu làm mẹ đều cảm thấy sốc ít nhiều, khi đột nhiên chuyển từ cuộc sống tự do, nhiều màu sắc sang cuộc sống có niềm hạnh phúc mới, nhưng vất vả, cô đơn, mệt mỏi, thậm chí tràn đầy lo lắng tụt hậu khi phải ở nhà nuôi con quá lâu. Những việc trước kia tưởng chừng vô cùng đơn giản như thong thả đọc một cuốn sách, đến rạp xem một bộ phim… cũng không thể thực hiện được.
Trải qua một thời gian dài sống một cách mệt mỏi và điên cuồng như vậy, một số người thậm chí bị trầm cảm, nhẹ hơn là cảm thấy mệt mỏi, stress, đánh mất bản thân, thường xuyên cáu bẳn, tức giận với người thân, kể cả đứa con thân yêu của mình. Nhiều bà mẹ ban ngày tức giận, ban đêm lại hối hận vì đã nổi nóng, quát mắng con.
Trải nghiệm quá trình nuôi con vất vả và mất cân bằng này, huấn luyện viên có chứng nhận của Hiệp hội huấn luyện viên Hàn Quốc và quốc tế Jihye Kim đã nhận ra sứ mệnh của mình là giúp đỡ những người mẹ khác tìm lại được sự cân bằng cho cá nhân, để có thể làm chủ cuộc sống và trở nên hạnh phúc hơn.
Cuốn sách “Một giờ của mẹ mỗi ngày” chính là đúc kết hơn 7 năm đồng hành huấn luyện, chia sẻ đó của tác giả Jihye. Trong cuốn sách này, sau khi chia sẻ sự đồng cảm với nỗi vất vả, khó khăn của những người mẹ; tác giả Jihye đã đề xuất phương pháp “Một giờ của mẹ mỗi ngày” cho các bà mẹ.
Theo đó, Jihye khuyến khích các bà mẹ nghỉ ngơi cùng lịch sinh hoạt của con nhiều nhất có thể, đồng thời mỗi ngày cố gắng thu vén để có thể dành riêng một giờ đồng hồ cho cá nhân mình, làm các công việc mình thích, mang lại sự cân bằng cho cá nhân như: đọc sách, chơi đàn, may vá, trồng cây, nâng cao kiến thức cho công việc sẽ làm sau khi con đi học…
Tiếp đó, tác giả cũng dành hai chương sách để giúp các bà mẹ vượt qua cám dỗ luôn muốn nghỉ ngơi vì mệt mỏi, cũng như những ngại ngần khi thiết lập một tập tính mới… để thực sự có được thói quen sống với đam mê của chính mình trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày, để được tiếp thêm sức mạnh, sống cân bằng hơn, làm mẹ tốt hơn.
|
Cuốn sách "Một giờ của mẹ mỗi ngày" xứng đáng là sách gối đầu giường giúp các bà mẹ tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống và nuôi dạy con trong hạnh phúc. |
Bên cạnh đó là những mẹo hữu ích khác như: chăm sóc mối quan hệ với những người tử tế; tự tạo hạnh phúc nhỏ bé cho riêng mình (tự mua tặng mình một món quà, mà bấy lâu nay phải “nín nhịn” để tiết kiệm chi phí cho gia đình, mua đồ cho con. Đó có thể là một thỏi son, hộp phấn hợp mùa, một chiếc váy hay đĩa CD của ca sĩ yêu thích…) Bởi thực tế đã chứng minh, nếu người mẹ không hạnh phúc thì sẽ rất khó để nuôi dạy được những người con hạnh phúc.
Câu chuyện thay đổi của Ah In, Mi Hye cùng hàng chục các bà mẹ khác khi áp dụng phương pháp “một giờ mỗi ngày sống cho riêng mình” được tác giả dẫn ra trong chương cuối cuốn sách là những minh chứng sống động cho sự đúng đắn và hiệu quả của phương pháp này.
Tác giả Jihye viết: “Đôi lúc bạn có thể nghe thấy những lời nói rằng mình ích kỷ. Nhưng đừng trì hoãn việc lo lắng cho bản thân. Bởi bản thân phải sống tốt thì mới lo lắng, bảo vệ được cho con mình. Chẳng phải trong những tình huống nguy cấp trên máy bay, người lớn luôn phải đeo mặt nạ dưỡng khí trước cả trẻ em đó sao? Một người mẹ biết chăm lo cho bản thân mới có thể yêu thương gia đình lâu dài được”.
Là một huấn luyện viên chuyên nghiệp, trong chương đầu tiên của cuốn sách, tác giả Jihye đưa ra các bài trắc nghiệm để các bà mẹ tự đánh giá sự hài lòng hoặc mức độ stress… của bản thân. Các chương sách tiếp theo, cô đưa ra những hướng dẫn cụ thể giúp độc giả tự xem xét cảm xúc, nhu cầu của bản thân; tiếp đó là cách lựa chọn thời gian riêng tư phù hợp, cách điều chỉnh cuộc sống, luyện tập để hình thành được thói quen chăm lo cho bản thân…
Tại Hàn Quốc, cuốn sách “Một giờ của mẹ mỗi ngày” nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ các chuyên gia giáo dục và sức khỏe tâm thần cũng như các bà mẹ, đặc biệt là các bà mẹ trẻ.
Nhận xét về cuốn sách, Shim So Young, Người điều hành Podcast nuôi dạy trẻ “Tôi là một bà mẹ” viết: “Đây là cuốn sách hướng dẫn tận tình nhất trong việc nuôi dạy con cái với chân lý rằng: “Một người mẹ phải sống hạnh phúc thì con mình mới có thể hạnh phúc”. Cuốn sách giúp những người mẹ đang gặp khó khăn trong việc chèo lái cơn sóng cảm xúc của mình có thể cảm nhận được bản thân từ tận trái tim chứ không phải khối óc. Tôi chân thành khuyên bạn hãy thực hiện theo những cách được huấn luyện viên Jihye chia sẻ với tất cả sự ủng hộ ấm áp này. Khi mẹ dành “thời gian cho chính mình”, cả nhà sẽ trở nên hạnh phúc hơn!”.
“Một giờ của mẹ mỗi ngày” được viết với giọng văn rủ rỉ, tâm tình, cấu trúc mạch lạc, dễ hiểu; đồng thời là một ấn bản đẹp, được chăm chút cẩn thận từ cách trình bày, minh họa đến in ấn. Với sự tương đồng về văn hóa, đây thực sự là cuốn sách cần phải đọc với bất cứ mẹ Việt nào muốn tìm được sự cân bằng và nuôi dạy con trong hạnh phúc.