Vào thời nhà Nguyễn, ở Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) xảy ra một vụ việc chấn động: Bốn cụ Tú hợp sức bắt giết bốn kẻ côn đồ. Vụ án đến tai vua Tự Đức, vua cũng không biết nên xử thế nào nên đành theo phép "xóc quẻ thẻ" theo ý Trời định.
Làng Hữu Bằng xưa có tên Nôm là Kẻ Nủa, một vùng đất có tiếng ở xứ Đoài cả về mặt khoa bảng lẫn giao thương. Tương truyền chợ Nủa từng là trung tâm mua bán của cả xứ Đoài thời xưa, vào những ngày chợ phiên dân tứ xứ tìm đến ngựa xe chật đường chẳng kém đất Kẻ Chợ Thăng Long. Thế nên, người xứ Đoài mới có câu ca: "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Nủa Chợ".
Đình cổ 9 thôn
Nhắc tới Hữu Bằng không thể không nhắc tới ngôi đình cổ đã hiện hữu hơn 300 năm trên mảnh đất Kẻ Nủa. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến, đình Hữu Bằng cũng là một trung tâm văn hóa đáng chú ý của xứ Đoài xưa – khi "9 thôn chung một ngôi đình".
Thường thì mỗi thôn làng xưa đều dựng riêng cho mình một ngôi đình, nhưng 9 thôn làng ở Hữu Bằng mới chung nhau một đình, thể hiện tinh thần cộng đồng làng xã gắn kết được hun đúc từ xa xưa vẫn luôn bền chặt.
Theo các cụ cao niên, cái hay cái đẹp nằm ngay chính ở tên làng xã: Hữu Bằng. Hai chữ ấy lấy từ Kinh Thi trong câu "Hữu bằng, hữu dực, hữu hiếu, hữu đức, khải đễ quân tử, tứ phương vi tắc", có nghĩa là: Có sự tin cậy, có hiếu hạnh, đạo đức. Hai chữ Hữu Bằng đảo ngược là Bằng Hữu mang hàm ý chỉ những người đồng chí hướng và đồng điệu.
Theo bài văn khắc trên câu đầu dầm ngang chính, thì đình Hữu Bằng được xây dựng năm 1689, nghĩa là đến nay đã 335 năm. Từ ngoài đi vào, phía trước đình là ao sen thơm ngát, tiếp theo là tấm bình phong gồm 4 cột trụ nhỏ, chia thành 3 ô tường, trổ hình chữ và cây, rồi đến tam quan chính với 2 cột trụ lớn và 2 cửa phụ ở hai bên.
Đi vào phía trong, hai bên sân gạch rộng là hai dãy tả, hữu vu, mỗi dãy đều gồm 7 gian; bộ khung gỗ bào trơn đóng bén; tường xây, đầu hồi bít đốc. Tòa đại đình nhìn hướng Tây, gồm đại bái và hậu cung bố trí theo hình chữ "đinh" (chuôi vồ), cơ bản vẫn giữ được kiểu dáng kiến trúc thế kỷ 17.
Bốn bề đại bái thông thoáng, hai bên có bục gỗ, xung quanh là lan can con tiện. Trong lần trùng tu lớn năm 1826 đã đắp thêm hình tượng "lưỡng long chầu nguyệt" trên nóc, làm thêm một phần hậu cung.
Trên một cây cột ở góc phải đình có năm vết chém, mà theo giai thoại thì thuở ấy có người trong làng phải lên miền tận thượng để mua gỗ rồi vận chuyển về cho làng dựng đình.
Tuy nhiên, khi ngôi đình hoàn thành, dân làng bầu hậu thần để ghi ơn những người có công nhưng lại không có tên người cung ứng gỗ vì cho rằng, cung ứng gỗ chắc đã có lãi thì không phải là làm công đức.
Tiện cây dao trong tay, người cung ứng gỗ chém ba nhát vào cây cột và thề "đi mua gỗ không lấy lãi". Kết quả cuối cùng là dân làng vẫn không đưa ông vào làm hậu thần nên ông tức giận chém thêm hai nhát vào cây cột và thề sẽ bỏ làng ra đi.
Nhà nho bắt cướp
Không rõ câu chuyện thực hư thế nào, nhưng mỗi vết tích, mỗi hiện vật ở ngôi đình cổ Hữu Bằng đều là những dấu tích văn hóa từng rất rạng rỡ. Đặc biệt nhất có lẽ là tấm biển "Mỹ tục khả phong" do vua Tự Đức ban tặng cho làng Hữu Bằng vào năm Đinh Mão (1867). Khác với các làng cùng thời, tấm biển này do triều đình chế tác và gửi về trực tiếp chứ không phải gửi sắc phong để quan tỉnh chế tác như lệ thường.
Vậy tại sao Hữu Bằng lại được vua Tự Đức ban tặng cách đặc biệt danh hiệu ấy? "Mỹ tục khả phong" là danh hiệu mà triều đình ban cho các làng xã có nhiều đóng góp, ngoài việc quyên góp được từ 1.000 quan trở lên thì làng cũng phải đảm bảo thi hành "10 điều răn huấn" của vua Tự Đức. Đó là: Đôn nhân hậu; Chính tâm thuật; Thương tiết kiệm; Hậu phong tục; Huấn tử đệ; Vụ bản nghiệp; Sùng chính học; Giới dâm thác; Thân pháp thư; Quảng hành thiện.
Theo thần phả, đình Hữu Bằng thờ ba vị Thành hoàng là Đệ nhất, Đệ nhị và Đệ tam Nam Hải Đại vương - ba vị tướng có công phù giúp nhà Lê. Trên bức cuốn thư lớn, sơn son thếp vàng, tạo lập năm Bảo Đại 7 (1932) có 4 chữ Hán: "Phổ bác uyên tuyền" để ca ngợi công đức của các vị Thành hoàng.
Trong lịch sử hơn 300 năm tồn tại, đình Hữu Bằng từng trở thành công đường trong vụ bốn cụ Tú cùng dân làng tự xử bọn côn đồ, cướp bóc, cưỡng hiếp con gái nhà lành xảy ra vào cuối thời vua Tự Đức.
Theo tư liệu của nhà báo Nguyễn Phan Khiêm, thuở ấy làng Hữu Bằng có một bọn côn đồ nổi lên thành một băng đảng ngạo ngược với bốn tên cầm đầu và chín tên lâu la. Hàng ngày, chúng ra chợ Nủa cướp đoạt tài sản, ai chống lại thì chúng đánh đập tàn nhẫn.
Thậm chí, chúng còn cưỡng đoạt con gái nhà lành, bắt cô gái nào đến hầu rượu là phải đến, lấy gậy gõ vào cổng nhà ai thì nhà ấy buộc phải đưa con gái ra nộp. Có những cô gái đã hứa hôn bị chúng làm nhục, bị nhà trai từ hôn khiến cuộc đời cô gái dang dở, tủi nhục.
Để thêm thanh thế, chúng còn liên kết dẫn dắt các toán cướp khác về làng. Chúng thông thuộc địa hình và có thế lực mạnh nên quan quân và tuần phiên không thể chống cự. Tri huyện Thạch Thất, Tuần phủ Sơn Tây cũng không làm gì được chúng. Trước tình thế ấy, các nhà nho Hữu Bằng đã bí mật họp bàn xử lý nhóm côn đồ.
Bốn cụ Tú gồm: Cụ Nguyễn Văn Thăng, đỗ năm Tự Đức thứ 3 (1850) ở nhà dạy học; cụ Nguyễn Huy Diễn, đỗ năm Tự Đức thứ 14 (1861) từng làm Huấn đạo huyện Cẩm Khê; cùng cụ Đặng Trung Thuận và cụ Tú mền Phan Lạc Thanh. Cụ Nguyễn Huy Diễn khi đó đã ngoài 50 tuổi, là người cao tuổi và đỗ trước ba vị Tú tài kia, lại là người khởi xướng nên được dân chúng tôn là "Tú Đông đốc tướng".
Cụ Tú Thăng chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo lực lượng, các cụ chọn trong học trò của mình lấy những người có sức khỏe, nghĩa khí và can đảm chuyển về lớp nhà cụ Tú Thăng để bí mật học võ. Mục tiêu các cụ đặt ra là bắt bằng được bốn tên đầu sỏ và khống chế được lũ lâu la, hạn chế thấp nhất việc đổ máu của anh em hương dũng và dân làng, đồng thời tuyệt đối không để chúng chạy thoát.
Sau cả năm trời chuẩn bị, nhằm ngày họp phiên chợ Nủa, chỉ có bốn tên ốm yếu ở bản doanh, những tên cầm đầu và đám lâu la ra chợ cướp bóc. Anh em hương dũng mật phục, đến khoảng giờ trưa chúng kéo về dùng tiệc rượu.
Trong lúc đó, nhờ có tay trong nên đống vũ khí của chúng được anh em hương dũng lẻn vào lấy đi hết. Khi chúng ngà say, anh em bất ngờ xông vào khống chế, trói nghiến từng thằng. Bị bất ngờ, chúng kinh ngạc và không kịp trở tay.
"Xóc quẻ" theo ý Trời định
Ngay chiều hôm đó, một phiên tòa của dân làng được lập ở sân đình, bốn cụ Tú ngồi ghế xét xử. Tội trạng của bọn côn đồ được vạch rõ với rất nhiều nhân chứng. Dân làng đồng thanh cho rằng tội ác của chúng làm nhơ nhớp phong thể của làng. Tội ác rành rành, chất chồng như núi nên không thể chối cãi.
Bản án được quyết định, bốn tên đầu sỏ bị tử hình, những tên lâu la được tha tội chết nhưng xử phạt theo lệ làng. Gia phả họ Phan Lạc cho biết, các cụ Tú đã đưa bốn tên cầm đầu ra trói ở cây gạo phía bên trái cửa chùa và "truyền lệnh chém. Chém xong cả làng rất vui vẻ, tranh nhau đem rượu, gạo và mổ bốn con trâu lớn để khao mừng. Dân làng ăn uống, reo vui".
Nguồn gia phả cũng cho biết, việc đến tai quan trên "quan huyện Thạch Thất đem lính về làng khám xét. Quan không dám vào làng, văn thân và toàn dân bèn mở to cổng làng ra đón. Việc ấy được bẩm lên Tỉnh đường".
Sau đó, bốn cụ Tú tự lên tỉnh Sơn Tây nhận tội. Quan tỉnh nói rằng, lâu nay bọn cướp lộng hành, gây biết bao tội ác mà chưa xử lý được, nay dân làng bắt được bọn chúng là việc thực đáng khen, nhưng nước có quốc pháp nên không thể tự tiện xét xử rồi giết người.
Bốn cụ Tú bị bắt giam để chờ triều đình quyết định. Vua Tự Đức nhận được hồ sơ vụ án đã phê rằng: Dân hạt Bắc kỳ có nhiều kẻ hung hãn, theo giặc ngoài hại quốc dân, chính nên xử trị đúng quốc pháp để răn đe kẻ khác về sau.
Còn như những người văn thân thiện tiện giết bọn nghịch đảng, đáng lý phải xử nặng, song vì thời vụ đa nan, nghịch đảng dấy động như ong, huống lại còn có quân Pháp giúp bọn phản nghịch, đường sá xa xôi cách trở, trình báo chậm trễ khó khăn cho nên phải tòng quyền để phù vận nước, nên việc này nên giảm nhẹ, chuẩn giao cho Tỉnh thần Sơn Tây tạm giam những người văn thân ấy để đợi lệnh triều đình.
Lo lắng cho cha, con gái thứ hai của cụ Tú Thăng cùng con gái một cụ Tú khác vào Huế đệ đơn kêu oan. Tam pháp ty thấy vụ án kỳ lạ nên họp lại để nghị xử rồi dâng tấu lên vua Tự Đức.
Cuốn "Hữu Bằng xã chí" chép: Vua Tự Đức châu phê vào bản tấu của Tam pháp ty rằng: "Giá án thậm kỳ/ Phi tha án tỷ/ Đường đường nghi vệ/ Thiết lập nha môn" - nghĩa là: Án thật kỳ lạ, không thể so sánh với các vụ án khác, dân làng thiết lập "công đường" với nghi vệ đường hoàng để xét xử (chứ không phải vụng trộm, hay tư thù).
Vua Tự Đức phân vân, không biết nên phạt hay nên tha. Họ giết bốn kẻ côn đồ vì lẽ công bằng, vì sự an nguy của dân làng nhưng vẫn phạm tội tự ý giết người, coi thường quốc pháp. Hơn nữa trước đó vài năm, chính vua Tự Đức đã ban cho làng Hữu Bằng bức hoành phi "Mỹ tục khả phong" nên vua càng khó xử.
Giai thoại kể rằng, vua Tự Đức bèn cho triều thần xóc quẻ thẻ để định theo ý Trời, nếu thẻ đen thì trảm quyết, được thẻ đỏ thì xử tội lưu, được thẻ xanh thì xử tội đồ cho làm lao dịch tại địa phương. Kết quả là thẻ xanh được dâng lên, vua Tự Đức phán: Đó đúng là lòng Trời. Tội đồ là phạt làm lao công từ 1 đến 3 năm, các can phạm đã bị lưu giữ quá thời hạn đó nên vua ban lệnh ân xá.
Sách "Hữu Bằng xã chí" cũng ghi sau khi thành Sơn Tây thất thủ thì các cụ Tú ra về. Thành Sơn Tây thất thủ vào cuối năm 1883. Như thế, vụ án kéo dài đến 9 năm ròng. Gia phả họ Nguyễn cũng ghi, cụ Tú Thăng được vua ân xá, nhưng ân chiếu chưa về đến nơi thì Pháp đánh thành Sơn Tây, quân của Lưu Vĩnh Phúc cho mở cổng thành, tha tù nên cụ được trả tự do.
Thấy cụ được về, những tên tướng cướp trong vùng muốn trả thù cho đồng bọn nên lập mưu lừa cụ ra ngoài Đăm (Tây Tựu, Từ Liêm) chơi. Khi đi đến bãi Lềnh thuộc làng So thì chúng đổ ra định giết. May sao trong số đó có một tướng cướp từng ngồi tù cùng cụ ở nhà lao thành Sơn Tây, đã được cụ cảm hóa, đứng ra xin nên cụ thoát nạn.
Khi tuổi đã già, năm ấy làng Hữu Bằng bị dịch tả, cụ Tú Thăng xông pha tẩy uế, không nề hà khâm liệm và chôn cất người chết. Bệnh bị đẩy lùi, dân làng rất cảm kích và mến phục cụ. Năm 1884, cụ Tú Thăng tạ thế, dân làng thương tiếc, mang 6 con trâu đến làm tang lễ. Về cụ Đặng Trung Thuận, sau khi được trả tự do đã tham dự kỳ thi Hương năm 1888 tại trường thi Hà Nam và đậu Cử nhân, được bổ nhiệm làm Huấn đạo Tiền Hải (Thái Bình).