Vương Chấn (? - 1449) là hoạn quan, đại thần, đã thao túng chính trường nhà Minh trong những năm đầu thời hoàng đế Minh Anh Tông và được coi là người có trách nhiệm trong sự biến Thổ Mộc Bảo khiến vua Minh Anh Tông bị bộ tộc Ngõa Thích bắt làm tù binh.
Lộng hành chuốc họa diệt thân
Vốn là một nho sĩ, nhưng Vương Chấn tự hoạn mình tiến thân vào cung làm giáo quan, dạy học trong cung thời Minh Thành Tổ. Đến thời Minh Tuyên Tông, ông được giao việc dạy học cho thái tử Chu Kỳ Trấn ở Đông cung, làm chức Cục lang. Vua Tuyên Tông ban cho ông danh hiệu “Tiên sinh” để gọi.
|
Vương Chấn. |
Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đặt ra chế độ nghiêm khắc cấm hoạn quan trong cung đình Trung Hoa can dự triều chính. Đến thời Minh Thành Tổ, vì nhờ vào sự hỗ trợ của các hoạn quan để giành được ngôi vua của cháu là Huệ Đế, nên phá lệ của vua cha, cho các hoạn quan tâm phúc tham gia triều chính.
Đến thời Tuyên Tông, triều đình lập ra Nội thư đường trong cung và cắt cử một số hoạn quan phụ trách việc giảng dạy, trong đó đặc cách cho một số người thì mãi không đỗ tự nguyện hoạn mình vào cung. Vương Chấn ở trong số đó.
Do phần lớn hoạn quan ít chữ nghĩa, nên Vương Chấn nhanh chóng trở thành người nổi trội trong hàng ngũ các thái giám. Bằng trí tuệ và khéo cư xử, ông đã chiếm được sự quan tâm của thái tử Chu Kỳ Trấn.
Đầu năm 1435, Minh Tuyên Tông qua đời, thái tử Chu Kỳ Trấn được đưa lên nối ngôi, tức Minh Anh Tông, Vương Chấn lập tức được Anh Tông trọng dụng, phong ngay làm Ty lễ giám đứng đầu các hoạn quan.
Do nhà Minh đã bỏ chức thừa tướng từ thời Minh Thái Tổ, quyền hành tập trung hết vào tay vua. Minh Anh Tông nhờ cậy hết vào Vương Chấn: các tấu chương từ dưới tâu lên Anh Tông đều để Vương Chấn phê duyệt, vì vậy uy quyền của Vương Chấn ngày càng lớn.
Trước sự chuyên quyền của Vương Chấn, Trương hoàng thái hậu muốn ra tay ngăn chặn, dẫn di huấn khi còn sống của Minh Thái Tổ không để hoạn quan can dự triều chính. Nhưng từ năm 1442, Trương hoàng thái hậu qua đời, không còn ai ngăn cản sự lộng hành của Vương Chấn nữa.
Nhiều quan lại do sợ Vương Chấn nên ra sức lấy lòng ông, nhiều người muốn bản tấu được phê đều phải đút lót cho Vương Chấn. Nhiều vị công hầu trong triều vì lấy lòng Vương Chấn, tự cắt hết râu cho giống ông, và gọi ông bằng cha, dù khi đó ông mới khoảng 30 tuổi.
Sau khi giao hết quyền cho Vương Chấn, Minh Anh Tông suốt ngày ở trong cung cấm hưởng lạc. Nhà vua hoàn toàn tin tưởng vào tài năng của Vương Chấn, vì từ nhiều đời trước các hoạn quan vào cung đều không biết chữ, trong số các hoạn quan trong triều khi đó chỉ có Vương Chấn xuất thân từ học trò.
Năm 1449, Dã Tiên, tộc trưởng Ngõa Thích của người Mông Cổ dấy binh đánh Minh, tướng Ngô Hạo trấn giữ Miêu Nhi Trang bị giết, tướng Tỉnh Nguyên được vua cử mang 4 vạn quân đi cứu viện cũng bị giết sạch.
Tình thế rất nguy hiểm, Vương Chấn khuyên Minh Anh Tông noi gương các tiên đế Thái Tổ và Thành Tổ, thân chinh mang quân đi đánh giặc. Anh Tông quen hưởng lạc, bị kích động, nghĩ việc quân sự đơn giản nên nghe theo. Anh Tông để em trai là Thành Vương ở lại giữ kinh thành rồi đem 50 vạn tướng sĩ, giao quyền chỉ huy cho Vương Chấn ra trận đánh giặc.
Lúc này Dã Tiên sau khi thắng trận đã tự lui quân, Vương Chấn định bắc tiến, nhưng sau nghe lời can gián của thái giám thân tín Quách Kính lui quân về. Dã Tiên thấy quân Minh vất vả hành quân đến nơi, chưa hết mệt nhọc đã rút lui bèn mang quân truy đuổi, các cánh quân Minh quay lại đối đầu đều bị diệt hết.
Ngày 13/8, Anh Tông cùng đại quân tới Thổ Mộc Bảo cách thành Hoài Lai 20 dặm, quần thần đề nghị kéo quân về bảo vệ Hoài Lai, nhưng Chấn không nghe, hạ lệnh dừng đóng quân. Quân Ngõa Thích kéo đến bao vây rồi Dã Tiên cử sứ giả mang thư đến giả cầu hòa. Anh Tông và Vương Chấn tin theo, sai người thảo chiếu nghị hòa rồi lơ là cảnh giác…
Dã Tiên đột ngột tấn công, mấy chục vạn quân Minh không kịp trở tay, cũng không còn đường chạy trốn bị quân Ngõa Thích giết sạch. Trong lúc hỗn loạn, Vương Chấn bị Phàn Trung, một viên tướng hộ vệ nổi giận giết chết, Minh Anh Tông thì bị bắt làm tù binh.
Sau đó Thành Vương Chu Kỳ Ngọc lên ngôi (Minh Đại Tông) kết tội Vương Chấn đã gây đại họa nên tịch biên gia sản, giết hết những người trong gia tộc. Đến năm 1450, Minh Anh Tông được người Ngõa Thích thả về, được em trai tôn là Thái thượng hoàng, nhưng giam lỏng trong cung.
Tới năm 1457, Minh Anh Tông làm binh biến đoạt lại ngôi vua, nghe theo lời các hoạn quan ra lệnh khôi phục các chức tước, danh dự cho Vương Chấn, tổ chức chiêu hồn, cúng tế, xây đền thờ cho ông.
Bị lăng trì bằng mấy ngàn nhát dao
Lưu Cẩn (1451-1510), là hoạn quan quan trọng dưới triều vua Minh Vũ Tông. Theo sử tịch, Lưu Cẩn vốn họ Đàm, tự tịnh thân vào cung làm thủ hạ của Lưu thái giám nên đổi sang họ Lưu. Do hầu hạ thái tử Chu Hậu Chiếu (Vũ Tông) từ lúc còn chưa lên ngôi nên Lưu Cẩn rất được sủng ái.
Năm Hoằng Trị thứ 18 (1505) Minh Hiếu Tông băng hà, Chu Hậu Chiếu lên nối ngôi. Lúc đầu khi lên ngôi, tuy Minh Vũ Tông vẫn có tiến hành cải cách chính sự để tiếp tục duy trì sự thịnh trị mà Minh Hiếu Tông gây dựng, nhưng do lười biếng nên chỉ ít lâu sau ông dần dần nản chí và chán ghét chính sự.
Năm 1507, Minh Vũ Tông cho xây “Báo phòng”, cả ngày chìm đắm hưởng lạc với các mỹ nhân trong đó; 8 kẻ hầu cận, đứng đầu là Lưu Cẩn hầu hạ Minh Vũ Tông ăn chơi đủ thứ. Chính vì thế, Vũ Tông chểnh mảng việc triều đình, thường vào thiết triều muộn hoặc không đến. Vũ Tông còn là kẻ nghiện rượu, thường nhân đêm khuya dắt Lưu Cẩn ra ngoài hoàng cung uống rượu và dâm dục với một vài mỹ nhân.
Để được rảnh rang ăn chơi, Minh Vũ Tông phong Lưu Cẩn làm Tư lễ giám, chuyên phê duyệt sớ của các quan tấu trình. Với chức quan đó, Lưu Cẩn giả mệnh hoàng đế tự ý định đoạt mọi công việc trong nước, y lập ra một danh sách “gian đảng” gồm 56 vị quan chính trực để trình vua cho bắt giết hết.
Dân gian khi đó gọi Lưu Cẩn là “Hoàng đế đứng”, ám chỉ quyền lực của y, để phân biệt với “Hoàng đế ngồi” là Vũ Tông. Quyền thế Lưu Cẩn ngày càng mạnh, khiến triều đình ai cũng khiếp sợ và căm giận. Lưu Cẩn nắm quyền trong hơn 5 năm thì bị một số quan lại phối hợp lật đổ.
Năm Chính Đức thứ 5 (1510), An Hóa vương Chu Trí Phiên dấy binh phản loạn ở Ninh Hạ lấy cớ thảo phạt Lưu Cẩn. Minh Vũ Tông sai Dương Nhất Thanh đi dẹp loạn. Dương Nhất Thanh bắt Phiên đem về Yên Kinh nộp, nhưng thừa cơ lôi kéo thái giám Trương Vĩnh, mật tấu Lưu Cẩn mưu phản.
Vua sai cấm quân khám nhà Cẩn thu được 9 triệu lạng vàng, 194 triệu lạng bạc. Ngày 25/8 cùng năm, Lưu Cẩn bị lôi ra xử lăng trì với 3.357 nhát dao. Theo dã sử, thịt Lưu Cẩn sau đó được bán với giá mỗi quan tiền/1 lạng, dân chúng tranh nhau mua hết, đủ biết mọi người oán hận Cẩn đến đâu.
Mời quý độc giả xem video Chuyện ấy của các Hoàng đế xưa (nguồn Youtube):