Thủy Hử là một trong tứ đại danh tác của văn học cổ điển Trung Quốc. Tác phẩm này được sáng tác vào giữa thế kỷ 14 bởi tác giả Thi Nại Am. Thủy Hử dựa trên những câu truyện truyền miệng từ thời Bắc Tống.
Cốt truyện Thủy Hử kể về Tống Giang lãnh đạo các vị anh hùng Lương Sơn Bạc khởi nghĩa chống lại những tên quan tham đang lũng đoạn triều đình. Tương truyền 108 vị anh hùng trong Thủy Hử là 36 sao Thiên Cương và 72 sao Địa Sát chuyển thế. Họ xuống nhân gian để hành hiệp trượng nghĩa, giúp an dân vệ quốc. Trong số 108 người, Lư Tuấn Nghĩa, Công Tôn Thắng, Yến Thanh, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm, Lâm Xung… nổi tiếng là những vị anh hùng có võ công cao cường.
Thế nhưng, trong Thủy Hử còn có một đại cao thủ rất hiếm khi xuất hiện nhưng võ công cao hơn hẳn các vị anh hùng khác. Thậm chí, khi gặp người này, Lư Tuấn Nghĩa còn phải quỳ, Lâm Xung và Võ Tòng không dám trực tiếp đối đầu. Nhân vật này là ai?
Đệ nhất cao thủ trong Thủy Hử
Cao thủ mà chúng ta vừa nhắc tới ở trên chính là Chu Đồng. Trong Thủy Hử ông có biệt hiệu là Mỹ Nhiêm Công, là một trong 36 Thiên Cương Tinh. Chu Đồng được miêu tả có khuôn mặt và vóc dáng rất giống với Quan Vũ. Ông cao hơn 8 thước, có bộ râu dài tới 1 thước rưỡi. Ông được mệnh danh là bậc thầy võ thuật, nổi tiếng tới tài bắn cung tuyệt đỉnh và được người đời đặt cho biệt danh "Thiểm Tây đại hiệp Thiết tí bác Chu Đồng".
Chu Đồng là hậu duệ của Khương Duy, một anh hùng thời Tam Quốc và ông cũng bái Đàm Chính Phương, một đại sư của phái Thiếu Lâm làm sư phụ. Chu Đồng làm tới chức Đô đầu mã binh ở huyện Vận Thành. Ông vốn xuất thân là phú hộ nên trọng nghĩa khinh tài, thường kết giao với đám giang hồ.
Sau này, Chu Đồng bị nhóm của Tống Giang, Lôi Hoành, Lý Quỳ và Ngô Dụng gài bẫy để ông tuyệt đường lui mà gia nhập Lương Sơn. Gia nhập Lương Sơn Bạc, Chu Đồng là một trong số 8 tướng tiên phong của quân Lương Sơn. Ông đã tham gia rất nhiều trận chiến cùng các vị anh hùng Lương Sơn.
Sau khi được triều đình chiêu an, ông cùng nghĩa quân Lương Sơn chinh phạt Liêu, Điền Hổ, Phương Lạp và Vương Khánh. Ông được phong làm Đô thống chế phủ Bảo Đinh. Về sau, ông tham gia chống Kim và được phong Tiết độ sứ quận Thái Bình. Cuối cùng, vì chán ghét thời thế toàn đám tham quan và sự bất tài vô dụng của hoàng đế lúc bấy giờ nên ông đã từ quan về quê mở lớp dạy võ.
Dù Chu Đồng là tướng tiên phong của quân Lương Sơn nhưng tại sao có thể nhận định võ công của ông lợi hại nhất trong Thủy Hử. Hãy nhìn vào 5 đệ tử của Chu Đồng để hiểu được lý do nói ông khiến nhiều cao thủ phải nể sợ.
Lư Tuấn Nghĩa
Đệ tử thứ nhất là Lư Tuấn Nghĩa. Lư Tuấn Nghĩa là một trong Tam kiệt Hà Bắc. Ông được miêu tả là cao chín thước, mắt sáng như sao, tướng mạo đẹp như thần. Lư Tuấn Nghĩa có biệt hiệu là Ngọc Kỳ Lân, ông là một trong số 36 Thiên Cương Tinh.
Lư Tuấn Nghĩa có võ nghệ cao cường, côn quyền không ai địch nổi. Khi chiến đấu cùng các tướng của Lương Sơn, ông chiến đấu với họ cả ngày mà không biết mệt. Sau khi gia nhập Lương Sơn, Lư Tuấn Nghĩa lập nhiều công trạng như: Đánh bại Đồng Quán hai lần, đánh bại Cao Cầu 3 lần, Bắc phạt nước Liêu, đánh dẹp Điền Hổ, bình định Vương Khánh, nam chinh Phương Lạp. Lư Tuấn Nghĩa xếp thứ hai trong số 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc.
Lâm Xung
Đệ tử thứ hai là Lâm Xung. Trong Thủy Hử, Lâm Xung được miêu tả như một nhân vật có vị trí rất quan trọng. Ông là người đứng thứ 6 trong các vị anh hùng Lương Sơn Bạc. Lâm Xung có biệt hiệu Báo Tử Đầu. Lâm Xung là một giáo đầu xuất sắc nhất của thành Đông Kinh, ông lãnh đạo 80 vạn cấm quân, từng kinh qua rất nhiều trận mạc.
Lâm Xung thành thạo rất nhiều loại binh khí nhưng đặc biệt giỏi là kỹ thuật đánh Bát Xà Mâu, thương pháp cũng thuộc loại xuất quỷ nhập thần. Tuy nhiên, do bị gian thần Cao Cầu hãm hại đến mức tan cửa nát nhà, Lâm Xung mới đầu quân cho Lương Sơn. Võ công của Lâm Xung khi không dùng sở trường là thương, chỉ dùng đao đã đánh ngang cơ với Thanh Diện Thú Dương Chí, bắt sống Hỗ Tam Nương, đánh hoà Song Tiên Hô Diên Chước, cả đời chinh chiến, chưa từng thua trận. Với võ công cao cường, Lâm Xung đã góp mặt trong nhiều trận chiến nổi tiếng của Thủy Hử và lập không ít chiến công cho Lương Sơn Bạc.
Võ Tòng
Đệ tử thứ ba là Võ Tòng. Võ Tòng trong Thủy Hử có ngoại hiệu là Hành giả. Ông vốn là thủ lĩnh của núi Nhị Long và sau đó mới gia nhập Lương Sơn Bạc. Khi ở Lương Sơn, Võ Tòng xếp thứ 14, thuộc 36 sao Thiên Cương. Ông là người tráng kiện, mắt sáng như sao, cơ bắp cuồn cuộn, cao 8 trượng.
Võ Tòng có võ nghệ cao cường, thích hành hiệp trượng nghĩa, là con người nghĩa khí đầy mình. Võ công cao cường của Võ Tòng nổi tiếng qua 2 điển tích. Một là chuyện Võ Tòng say rượu dùng tay không giết chết hổ. Hai là ông giết chết Tây Môn Khánh và Phan Kim Liên để trả thù cho anh trai.
Sử Văn Cung
Đệ tử thứ tư là Sử Văn Cung. Sử Văn Cung là chiến tướng số một của Tăng Đầu Thị và là người dạy võ cho 5 con trai nhà họ Tăng. Sử Văn Cung chuyên dùng thiên phương họa kích. Xét về võ công, Sử Văn Cung không hề thua kém bất cứ chánh tướng nào của Lương Sơn. Thậm chí ông từng suýt lấy mạng của Tích Lịch Hỏa Tần Minh.
Nhạc Phi
Đệ tử thứ năm là Nhạc Phi. Nhạc Phi là danh tướng chống quân Kim thời Nam Tống. Ông đã 2 lần bắc phạt nước Kiêu, 6 lần bắc phạt nước Đại Tề và nước Kim. Tổng cộng ông đã tham gia 126 trận chiến và toàn đại thắng.
Nhạc Phi có sức khỏe, có thể giương cung nặng 300 cân, nỏ nặng 8 thạch. Ông là đệ tử chân truyền của Chu Đồng, sau này còn học võ của Tần Quảng nên có thể sử dụng được nhiều loại vũ khí. Sau này ông tự sáng tạo ra một bộ quyền pháp gọi là "Nhạc gia quyền".
Trong Thủy Hử, Chu Đồng ít được nhắc tới và sức mạnh của ông cũng chưa có lời khẳng định. Thế nhưng, qua 5 đệ tử xuất chúng của ông, ta có thể phán đoán rằng võ công của Chu Đồng chắc hẳn đứng đầu các vị anh hùng. Ngoài ra, vì Chu Đồng là sư phụ của Lư Tuấn Nghĩa, Lâm Xung và Võ Tòng, do đó khi thấy thầy dạy của mình họ đương nhiên phải quỳ lạy và không thể đối đầu là có cơ sở.