Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần viết: Trong quân sự, Lý Thường Kiệt là bậc đại danh tướng, là linh hồn của những chiến công lớn nhất lịch sử nước nhà trong thế kỷ thứ XI; Trong chính trị, Lý Thường Kiệt là đấng đại danh thần, là chỗ dựa tin cậy và vững chắc của nhà Lý, nhất là dưới thời trị vì của Hoàng Đế Lý Nhân Tông (1072-1127) ; Trong lịch sử văn học, Lý Thường Kiệt là cây đại bút, tác giả của Nam quốc sơn hà - áng hùng thi có giá trị thiêng liêng như bản tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của nước nhà.
Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt. Sau vì có công, được triều đình ban quốc tính, ghép họ được ban với tên tự mà gọi là Lý Thường Kiệt. Ông sinh năm 1019 vào thời vua Lý Thái Tổ và mất năm 1105 dưới thời vua Lý Nhân Tông, hưởng thọ 86 tuổi.
Linh hồn của những chiến công lớn nhất lịch sử nước nhà trong thế kỷ thứ XI
Theo Việt sử lược, năm 1069, vua Lý Thánh Tông hạ chiếu thân chinh Chiêm Thành. Lý Thường Kiệt được chọn làm đại tướng quân và đi tiên phong đánh phá kinh thành. Quốc vương Champa bị bắt đưa về Thăng Long, đã xin dâng đất để chuộc tội, gồm ba châu Bố Chánh, Địa Lý, Ma Linh (nay là địa phận Quảng Bình và bắc Quảng Trị).
Năm 1072, Lý Thánh Tông từ trần. Lý Nhân Tông lên nối ngôi khi mới có 7 tuổi. Trong khi ấy, chính quyền phương Bắc vẫn luôn nhòm ngó. Chúng xem đây là một cơ hội tốt để tiến hành ráo riết việc chuẩn bị xâm lược nước ta. Tại ba châu Ung, Khâm, Liêm (thuộc Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay), chúng xây dựng những căn cứ quân sự và hậu to lớn để làm nơi xuất phát trực tiếp cho các đạo quân xâm lược.
Lúc này, sau khi Lý Nhân Tông lên ngôi, Lý Thường Kiệt được giữ chức Đôn quốc thái úy, Đại tướng quân, Đại tư đồ, tược hiệu Thượng phụ công. Với cương vị như Tể tướng, ông nắm toàn quyền cả văn lẫn võ. Điều có cũng có nghĩa là phải gánh vác nặng nề và chịu trách nhiệm to lớn đối với giang sơn xã tắc. Ông nhận lấy sứ mệnh thiêng liêng, trực tiếp tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược.
Khi quân Tống lộ rõ âm mưu, ông là người đầu tiên và cũng gần như là duy nhất đưa đại quân đánh sang đất phương Bắc để phá vỡ âm mưu của giặc. Sách Việt điện uy linh chép rằng Lý Thường Kiệt nghe tin người Tống muốn đem quân xuống rình nước ta để gây binh. Ông lập tức tâu vua: "Ngồi im đợi giặc, không bằng đem quân ra trước để chặn thế mạnh của giặc ".
Kế sách “Tiên phát chế nhân” này được triều đình ủng hộ. Lý Thường Kiệt dẫn binh đánh các thành địch.
Danh tướng Lý Thường Kiệt đã khéo léo vận dụng phổ biến hình thức chiến thuật tập kích, đánh úp, đánh bất ngờ, nhanh chóng hạ hàng loạt căn cứ của quân Tống. Trong trận đánh Ung Châu - căn cứ chính của quân Tống, Lý Thường Kiệt dùng cách đánh cường công, kết hợp nhiều chiến thuật như sai quân đào hầm từ dưới đất đánh lên, dùng hỏa tiễn đốt phá trại giặc, đắp đất cao ngang tường thành để trèo lên. Đến tháng 3/1076, quân nhà Lý triệt hạ ba căn cứ lớn của quân Tống là Ung Châu, Khâm Châu và Liêm Châu, thực hiện kế hoạch phá hủy quân lương, buộc nhà Tống phải hoãn kế hoạch tiến đánh nước ta.
Sau thắng lợi ban đầu, ông ra lệnh rút quân về nước, xây dựng các lớp phòng ngự, sẵn sàng nghênh địch.
Lý Thường Kiệt quyết định dựa vào sông núi, các đèo hiểm trở, các sông rộng và sâu để xây dựng tuyến phòng thủ trên đường bộ lẫn đường thủy. Trong đó, phòng thủ sông Như Nguyệt là tuyến chủ lực. Các trận đánh ở đây cũng mang lại thắng lợi toàn cục cho quân dân Đại Việt.
Khi đến bờ Bắc sông Như Nguyệt, quân Tống không tấn công ngay mà chờ thủy quân. Tuy nhiên, cánh quân thủy đã bị quân ta chặn đánh trong trận Đông Kênh, không thể tiến sâu vào Đại Việt theo đúng kế hoạch. Chờ không được thủy quân, quân Tống tổ chức hai lần tấn công chiến lũy Như Nguyệt nhưng đều thất bại nặng nề.
Sau hai tháng, chờ quân địch mệt mỏi, Lý Thường Kiệt phát động phản công, giành thắng lớn.
Sau chiến thắng trên sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt biết quân Tống đã lâm vào thế bí, mà người Nam bị chiến tranh liên miên cũng nhiều tổn thất nên sai sứ sang "nghị hoà" để quân Tống rút về. Quách Quỳ vội chấp nhận giảng hòa và rút quân.
Việt Sử kỷ yếu của Trần Xuân Sinh dẫn cổ sử nói về nội tình của nhà Tống về sự kiện này: Triều thần nhà Tống cho rằng: "Cũng may mà lúc đó lại xin giảng hoà, không thì chưa biết làm thế nào".
Hiện thân của tinh thần và bản lĩnh dân tộc
Sau khi quân Tống lộ rõ âm mưu xâm lược, trong cuộc Bắc phạt từ 27/10/2075 đến 1/3/1076, Lý Thương Kiệt là một trong những nhà quân sự đầu tiên đã sử dụng thành công kế sách “mưu phạt tâm công”. Ông viết Phạt Tống lộ bố văn, nêu rõ lý do cuộc hành quân của mình là đập tan quá trình chuẩn bị xâm lược của nhà Tống.
Báo Văn hóa Nghệ An viết, Lộ bố là một tên gọi khác của văn hịch, một loại hình văn học quan trọng thường do các vua chúa hay tướng lĩnh quân đội làm ra nhằm kêu gọi, động viên quân sĩ chiến đấu, nên nó chỉ ra đời trong những cuộc chiến tranh và phục vụ trực tiếp các cuộc chiến tranh. Theo một số tài liệu, Lý Thường Kiệt là người viết hịch, viết văn lộ bố đầu tiên của Việt Nam. Điều nay làm cho vai trò của Lý Thường Kiệt trở nên rất quan trọng trong lịch sử văn học.
Bài lộ bố vừa thể hiện rõ tư tưởng kiên quyết bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Lý Thường Kiệt, vừa nêu cao tư tưởng nhân nghĩa ngay cả đối với dân Tống khi ông tuyên bố rằng, cuộc chiến đấu của ông là nhằm chống lại triều đình nhà Tống chứ không phải nhằm vào dân Tống và nhằm chiếm giữ đất đai nhà Tống. Mục đích của nó là để cứu vớt nhân dân khỏi cảnh điêu linh, để nhân dân được hưởng thái bình, no ấm. Giữ vững chủ quyền lãnh thổ là mục đích chiến đấu, nhưng bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bất kể đó là dân Việt hay dân Tống, khỏi đau khổ, là một tư tưởng nhân nghĩa hết sức cao đẹp của Lý Thường Kiệt. Tư tưởng nhân nghĩa đó vượt khỏi phạm vi dân tộc. Dù có thể đây chỉ là một “cái cớ” để ông cất quân chiến đấu, nhưng ít nhiều, nó thể hiện được quan điểm “thân dân” và chiến thuật “tâm công” của ông.
Theo bia thần phổ Lý Thường Kiệt: "Dân Tống thấy lời tuyên cáo, đều vui mừng, đem trâu rượu khao quân ta. Từ đó, mỗi lúc dân Tống thấy hiệu cờ Thường Kiệt đàng xa, thì nói đó là quân của cha họ Lý người nước Nam; rồi cùng nhau bày hương án bái phục bên đường. Nhờ đó mà uy thanh quân ta lan khắp".
Thắng lợi của Lý Thường Kiệt trong cuộc chiến chống lại quân Tống trên đất Trung Hoa năm 1075 không chỉ là một chiến thắng về quân sự, mà còn là một thắng lợi về chính trị, về ngoại giao. Đó còn là kết quả của cuộc đụng độ giữa hai lực lượng xâm lược và chống xâm lược, được thể hiện ra cụ thể ở hai nhân vật lỗi lạc của hai nước là Vương An Thạch (Tống) và Lý Thường Kiệt (Lý), trên một tầm cao rộng hơn là cục diện chính trị lúc bấy giờ. Cuộc đụng độ giữa nhà “cải cách” chính trị Vương An Thạch với chủ trương “thanh miêu trợ dịch” trong đối nội, và tiến hành chiến tranh xâm lược trong đối ngoại, nhằm cứu vãn nhà nước phong kiến Trung Hoa đang suy thoái, và nhà quân sự, chính trị, ngoại giao tài giỏi Lý Thường Kiệt của một triều đình mới trưởng thành. Nghệ thuật quân sự thường đề cao vai trò của yếu tố “thời thế”, “địa linh”, “nhân kiệt”. Lý Thường Kiệt rất chú trọng tới “lòng người”, không chỉ đánh bằng “vũ”, mà còn đánh bằng “văn”. Không chỉ có “binh nhẫn ký tiếp”, mà có cả “mưu phạt nhi tâm công”, một tư tưởng quân sự được kế thừa và phát huy mãi về sau.
Sau thắng lợi ban đầu, cuộc kháng chiến chống Tống trên sông Như Nguyệt cũng thể hiện bản lĩnh dân tộc sâu sắc qua cách đánh vào lòng người của Lý Thường Kiệt.
Phòng tuyến Như Nguyệt là trở thành nơi quyết chiến cuối cùng của quân ta và quân Tống. Khí thế giặc rất mạnh, tưởng chừng như có lúc phòng tuyến Như Nguyệt bị vỡ. Sách Việt điện uy linh viết: Muốn cổ vũ binh sĩ, Lý Thường Kiệt sai người giả làm thần nhân, nấp trong đền Trương Hát ở bờ nam cửa sông Như Nguyệt, đọc vang bài thơ:
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư.
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư
Như hà nghịch lộ lai xâm phạm !
Nhĩ đẳng hành khan thủ bại hư."
Sách chép tiếp: "Đang đêm, nghe tiếng vang trong đền đọc bài thơ ấy, quân ta đều phấn khởi. Quân Tống sợ táng đảm, không đánh đã tan."
Bài thơ đã được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta. Sau khi chặn đứng mọi cuộc tấn công của giặc, biết quân Tống đã mệt mỏi, cạn kiệt lương thực, ông bèn "dùng biện sĩ để bàn hòa. Không nhọc tướng tá, khỏi tốn máu mủ, mà bảo an được tông miếu "(theo bia chùa Linh Xứng). Quân Tống buộc phải nghe theo và rút quân về nước vào năm 1077.
Có thể Lý Thường Kiệt không phải là tác giả của bài thơ "thần", nhưng xét về nhiều mặt, bài thơ vẫn gắn bó chặt chẽ với thời Lý và với đại danh tướng Lý Thường Kiệt. Bởi lẽ, tác phẩm đã xuất hiện đúng trong thời điểm lịch sử quan trọng của cuộc chiến đấu chống xâm lược Tống do Lý Thường Kiệt lãnh đạo, và chí ít thì “Lý Thường Kiệt là người sử dụng bài thơ vốn đã lưu truyền từ lâu” này làm vũ khí trong cuộc chiến đấu sinh tử đó. Nó đã được ghi vào chính sử, và được lưu truyền rất rộng rãi trong đời sống tinh thần con người gần nghìn năm nay. Cho đến nay, Lý Thường Kiệt vẫn là người đầu tiên và duy nhất có “liên quan” đến tác phẩm này, là người đầu tiên và duy nhất cho đến nay được xem là “tác giả” của tác phẩm này.