Năm Quý Mão - 1303, Đoàn Nhữ Hài được phong làm Tham tri chính sự. Không phải tự nhiên ông được ngồi vào vị trí này mà trước đó ông đã lập được một công trạng quan trọng trong ngoại giao chỉ bằng lý lẽ khôn ngoan để tạo dựng được một bước tiến mới trong quan hệ với Chiêm Thành. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn chép về sự kiện này như sau:
Vua sai Nhữ Hài đi sứ Chiêm Thành. Nhữ Hài xin yết kiến Thượng hoàng ở chùa Sùng Nghiêm, núi Chí Linh, suốt ngày không được gặp. Một lát sau, pháp giá ra chơi. Nhữ Hài xin bái yết. Thượng hoàng nói chuyện với Nhữ Hài đến một giờ. Khi trở về, Thượng hoàng bảo tả hữu:
- Nhữ Hài đúng là người giỏi, được Quan gia sai khiến là phải.
Trước đây, sứ nước ta tới Chiêm Thành đều lạy chúa Chiêm trước, rồi sau mới mở chiếu thư. Đến khi Nhữ Hài tới, liền bưng ngay chiếu thư để lên trên án và nói với chúa Chiêm rằng:
Từ khi sứ thiên triều mang chiếu thư của thiên tử sang, xa cách ánh sáng lâu ngày, nay mở chiếu thư, thực như trông thấy mặt thiên tử, tôi phải lạy chiếu thư đã, rồi mới tuyên đọc sau.
Nói xong ông lập tức hướng vào tờ chiếu mà lạy. Lúc ấy, chúa Chiêm đứng bên cạnh. Và sách trên có lời bình rằng: Lạy thế không khỏi có chút chưa ổn, nhưng lấy cớ là lạy chiếu thư thì về lý là thuận, nhưng sứ tiết cũng không phải khuất”.
Cũng từ đấy, những sứ thần Đại Việt đi sang Chiêm Thành đều không phải lạy chúa Chiêm nữa. Vua Trần Anh Tông hay chuyện, rất khen ngợi Đoàn Nhữ Hài và thăng chức cho ông ngay. Tới tháng 12 năm Giáp Thìn - 1304, Đoàn Nhữ Hài lại được phong chức Khu mật viện sự. Trước đó, trong triều nhà Trần những cương vị như vậy thường chỉ giao cho người trong hoàng tộc. Cũng sách trên có đoạn chép về việc này như sau: Vua đối với người tôn thất như Bảo Hưng (không nói rõ tên) thân yêu hết mực nhưng không trao cho việc chính sự, vì không có tài. Còn như Nhữ Hài chỉ là một nho sinh thôi, nhưng vì có tài nên không ngại trong việc ủy dụng nhanh vọt.
Năm 1307, châu Ô và châu Lý được nhập vào nước ta thành châu Thuận, châu Hòa nhưng lòng dân bản địa vẫn có phần còn chưa thuận. Đoàn Nhữ Hài đã được vua cử đi phủ dụ dân chúng. Và ông đã làm rất tốt việc này, bằng lời hay lẽ phải và cả bằng những việc làm nhân nghĩa.
Ngày ấy, chúa của Chiêm Thành là Chế Chí hay có ý phản trắc nên Đại Việt không thể không có hành động răn đe để phòng hậu họa. Năm Tân Hợi - 1311, vua Trần Anh Tông đã dẫn đại quân đi chinh phạt Chiêm Thành và trong lần xuất quân này, Đoàn Nhữ Hài cũng đã góp phần quan trọng để giành lấy thắng lợi mà không hề tốn xương máu.
Thế nhưng “Chữ tài liền với chữ tai”, trong trận giao chiến với quân Ai Lao năm 1335, vì bị mây mù che tối và quân địch đã phục sẵn voi ngựa rồi hai mặt giáp công nên quân của Đoàn Nhữ Hài cùng đốc tướng của mình đã sa xuống nước chết đuối tới quá nửa và Đoàn Nhữ Hài cũng bị chết trong trận này.
Lời bàn:
Cứ theo nội dung của giai thoại trên, vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông quả là những người có con mắt tinh tường, có linh cảm xuất sắc về người tài giỏi trong thiên hạ. Vì thế, dưới thời trị vì của vua Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông có nhiều anh hùng và nhân sĩ đã quy tụ về triều đình, góp phần làm nên sự nghiệp hiển hách. Và danh thần Đoàn Nhữ Hài là một minh chứng. Và với khả năng biện bác và lập luận đầy sức thuyết phục cùng sĩ khí không gì có thể khuất phục được của Đoàn Nhữ Hài đã giúp ông hoàn thành nhiều nhiệm vụ khó khăn khác mà vua Trần Anh Tông giao cho ông.
Thế nhưng quy luật của cuộc đời đã là phúc ắt sẽ không phải là họa, mà đã là họa thì không mấy ai tránh được và hơn nữa chữ “tài” thường hay đi liền với chữ “tai”, nên chỉ vì một sơ suất mà Đoàn Nhữ Hài đã phải trả cái giá quá đắt. Thế mới biết, mọi sự mong muốn của con người không phải ai và lúc nào cũng có thể vượt quá giới hạn được! Tiếc rằng hậu thế hôm nay không mấy người biết và hiểu về điều này. Bởi thế cho nên mới có kẻ tuy tài hèn, đức mỏng nhưng lại lầm tưởng rằng việc người khác làm được thì mình cũng làm được. Và nếu ở đời cứ ai muốn là cũng được thì thử hỏi còn có ai là không muốn. Thật buồn thay!