Danh nhân nào là ông “trạng của dân” nổi tiếng sử Việt?

Google News

(Kiến Thức) - Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) làm quan thời Lê Trung hưng, là nhà thơ nổi tiếng Việt Nam và được mệnh danh là ông "trạng của dân" thế kỷ 16.

Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) tự Hoàng Phu, hiệu Nghị Trai, Mai Nham Tử, tục gọi là Trạng Bùng (mặc dù chỉ đỗ Nhị giáp tiến sĩ, tức Hoàng giáp); làm quan thời Lê Trung hưng và là nhà thơ nổi tiếng Việt Nam. Ông được người đời xem là một trong những danh nhân tiêu biểu của nước ta thế kỷ XVI - thế kỷ vô cùng rối ren và phức tạp về chính trị, khi nhà Mạc với nhà Lê dùng đao binh để giành quyền lực (còn gọi là thời Nam - Bắc triều).
Học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Phùng Khắc Khoan sinh năm 1528, chỉ một năm sau khi Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê (1527), tại làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây nay thuộc thành phố Hà Nội. 
Thuở nhỏ, ông được cha là một viên tri huyện rèn cặp, sau theo học Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nên học vấn của ông mở mang rất rộng; năm 1552, đi thi lần đầu và đỗ tam trường. Nổi tiếng là người có văn tài, kiêm thông cả thuật số, nhưng nghe theo lời Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan không ra làm quan cho nhà Mạc mà đầu đời vua Lê Trung Tông (1548 - 1556), theo Lê Bá Lỵ vào Thanh Hoá phụng sự nhà Lê - Trịnh chống Mạc, thống nhất đất nước.
Năm Đinh Tỵ (1557), Phùng Khắc Khoan lều chõng dự và đỗ Thủ khoa thi Hương ở Yên Định (Thanh Hoá) lúc 29 tuổi. Sự nghiệp quan trường của Phùng Khắc Khoan bắt đầu; thái sư Trịnh Kiểm biết ông là người có mưu lược, có học thức uyên bác nên cho giữ chức Ký lục ở Ngự dinh, trông coi quân dân bốn vệ và cho tham dự việc cơ mật. 
Từ 1558 - 1571 đời Lê Trung Tông, ông vâng lệnh đi các huyện chiêu dụ lưu dân về làm ăn như cũ. Khi về được thăng Cấp sự trung Binh khoa, rồi đổi sang Cấp sự trung bộ Lễ; vì trái ý vua, ông phải giáng chức ra thành Nam thuộc Nghệ An, ít lâu sau lại được triệu về.
Danh nhan nao la ong “trang cua dan” noi tieng su Viet?
Tranh minh họa. 
Làm quan vẫn đi thi
Năm Canh Thìn (1580) đời Lê Thế Tông, bắt đầu mở thi Hội ở Vạn Lại (Thanh Hoá), ông xin thi và đỗ Hoàng giáp và được thăng làm Đô cấp sự. Đây là một chuyện rất lạ, vì thường người ta đi thi để làm quan, đằng này Phùng Khắc Khoan đang làm quan vẫn đi thi. Việc làm này của Phùng gây xôn xao dư luận, để người đời sau còn nhắc đến mãi. Phạm Đình Hổ trong tác phẩm “Vũ trung tuỳ bút” viết: “Đầu đời Lê trung hưng, có Phùng Khắc Khoan, đã là bậc công thần, tham mưu chốn cơ mật, đã từng giữ những trọng chức ở các bộ, các tự mà còn hạ mình xuống chốn trường thi, cầu lấy đỗ đại khoa mới cho là vinh”.
Hơn 40 năm kể từ khi vào Thanh Hoá đến khi giúp Lê - Trịnh dẹp xong nhà Mạc (1593) Phùng Khắc Khoan do có công lớn lần lượt được thăng nhiều chức vụ quan trọng. Năm 1582, ông xin từ quan về nhà riêng ở Vạn Lại, vua cho; năm sau (1583) vua lại vời ông ra làm Hồng lô tự khanh; năm 1585 đổi ông sang làm Hữu thị lang bộ Công rồi cử làm thừa chính sứ Thanh Hoá. 
Năm Đinh Dậu 1597, đang làm Tả thị lang bộ Công và đã 69 tuổi, Phùng Khắc Khoan được cử làm Chánh sứ sang triều Minh với mệnh lệnh là phải bằng mọi giá thiết lập quan hệ bình thường với Nhà Minh - một việc tối quan trọng trong việc bang giao.
Về nước, ông được thăng làm Tả thị lang bộ Lại, tước Mai Lĩnh hầu. Năm 1599, vua Lê Kính Tông lên nối ngôi, Phùng Khắc Khoan được thăng làm Thượng thư bộ Hộ, tước Mai Quận công. Ít lâu sau ông xin về quê trí sĩ và nhiệt tình tham gia xây dựng làng xã; ông đã tổ chức đào mương dẫn nước vào các cánh đồng quanh núi Thày, đưa nước về tưới cho các cánh đồng Phùng Xá và Hoàng Xá. Và theo tương truyền thì chính Phùng Khắc Khoan là người khi đi sứ đã đem về nước một số hạt giống ngô, đỗ, vừng... và cải biến một số nghề thủ công như dệt và cày bừa cho người dân.  
(còn nữa)
TS Nguyễn Thành Hữu

Bình luận(0)