Sau khi sàng lọc những người môn đăng hộ đối, một gia đình giàu có ở làng nghề thêu ren truyền thống Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) đã chọn bà Bùi Thị Hánh (SN 1937) về làm vợ cho con trai. Họ mang đến nhà gái 2 buồng cau lớn để thưa hỏi câu chuyện của đôi lứa.
Bà Hánh chưa từng có thời gian gặp gỡ tìm hiểu chú rể. Tuy nhiên sau cuộc trò chuyện chính thức của hai bên bố mẹ, bà trở thành người con gái “có nơi có chốn”, chỉ chờ ngày nhà trai đến đón dâu...
|
Bà Bùi Thị Hánh kể về đám cưới của bà ngày xưa. |
Nếu như ở các gia đình khác trong làng Quất Động ngày ấy, lễ dẫn cưới mà nhà trai mang đến chỉ là chút trầu cau, một vài cân gạo sống, vài cân thịt hoặc chiếc thủ lợn thì trong đám cưới của bà Hánh, dân làng được phen trầm trồ. Đồ dẫn cưới đến nhà bà có giá trị gấp trăm lần những đám cưới bình thường khác.
“Một con lợn 30kg được 2 người thanh niên lực lưỡng khênh trước dẫn đoàn. Vừa đi, họ vừa đánh thật mạnh để lợn kêu to.Tiếng kêu thay lời thông báo với người dân trong làng về một đám cưới sắp diễn ra”, bà Hánh nhớ lại.
Đi sau hai người thanh niên lực lưỡng là người gánh 30 yến gạo tẻ, người bê bánh kẹo… và một tráp đựng chiếc hoa tai 2 chỉ vàng.
“Đám cưới được diễn ra vào khoảng những năm 50 thế kỷ trước. Nhiều gia đình trong làng không có gạo để ăn, phải ăn khoai ăn sắn. Trong nồi cơm chỉ có khoảng 3 - 5 % là gạo. Thế nên 30 yến gạo của gia đình nhà trai mang đến có giá trị rất lớn”, bà Hánh nói.
Tuy nhiên, gia đình bà Hánh cũng không kém cạnh nhà trai.
|
Ở tuổi 81, bà Hánh vẫn thêu nhanh tay thoăn thắt. |
Đám cưới, bố mẹ bà Hánh làm vài chục mâm cỗ để thết đãi dân làng. Anh em họ hàng thì đến giúp đỡ và ăn rả rích suốt 3 ngày. Mỗi mâm đãi khách, gia đình bà làm thực đơn là 3 món thịt lợn, 1 đĩa lòng và 3 bát canh nấu (măng miến, khoai, bí). Không những thế, người dân còn được ăn no nê cơm trắng.
Tiết lộ về gia thế của mình, bà Hánh cho biết, từ những năm 1920, 1930, bố bà - cụ Nguyễn Lê Miu đã là chủ thêu lớn nhất nhì xã Quất Động.
Ông cụ tự lấy vải về pha và in mẫu rồi phát cho người dân trong làng, trong xã thêu. Sau đó, sản phẩm thu lại từ người dân, cụ Miu mang lên Hà Nội bán cho các cửa hàng. Vì thế, giá thành sản phẩm cụ thu được cao hơn rất nhiều so với những chủ thêu khác.
Bán được giá cao, cụ lại trả công người dân cao hơn. Vì thế số người tìm đến nhà cụ lấy hàng cũng đông không đếm xuể.
Dần dần, cụ Miu trở thành người có kinh tế khá giả vào bậc nhất nhì làng. Tài sản cụ có được bà Hánh không nắm hết, bà chỉ biết, trong khi người làng còn phải ở nhà tranh vách đất thì bố mẹ bà đã có cơ ngơi là căn nhà cấp bốn 5 gian.
Cụ Miu sinh được 4 người con gái, cả 4 đều được bố mẹ chiều chuộng hết mực. Ngoài việc làm thêu, không ai phải chân lấm tay bùn như những đứa trẻ khác trong làng.
Nói về tầm quan trọng của những chủ thêu, anh Đặng Trịnh Khanh (SN 1977) cho biết từ thời ông bà anh mọi người đã kể, các chủ thêu có vai trò rất lớn. Đến thời anh, các chủ thêu vẫn là người được dân làng kính nể.
“Cả làng làm thêu nhưng chỉ có một, hai chủ thêu. Số lượng hàng thêu lại bị giới hạn nên muốn có hàng để làm, mọi người phải đi từ sớm để xếp hàng”, anh Khanh nói.
Thậm chí, nhiều người đến lấy hàng phải nhìn sắc mặt của chủ thêu, nếu sản phẩm làm ra không đẹp khiến chủ thêu không hài lòng thì lần sau sẽ khó lấy được hàng. Như vậy cả nhà sẽ không có tiền mua gạo vì không có công việc nào khác…
Tuy nhiên, bà Hánh nói, so với gia thế của mình, gia đình chồng bà không hề kém cạnh. Thậm chí, họ có phần nhỉnh hơn.
“Ông nội của chồng tôi là người làm quan to. Bố chồng tôi cũng là người làm trong nhà nước được mọi người kính trọng nể phục”, bà Hánh cho biết.
Chính vì vậy, đám cưới của hai gia đình giàu có trong làng đã thu hút được rất nhiều người đến xem và chúc mừng.
Sau này, qua nhiều năm tháng thăng trầm, sự giàu có của gia đình bà không còn như trước nữa. Bà Hánh cũng không kế nghiệp cha - làm chủ thêu. Tuy nhiên bà vẫn bó với nghề truyền thống này của quê hương và gia đình cho tới tận những năm gần đây…