Tọa lạc bên dòng sông Lam, thuộc địa phận xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan có tuổi đời hơn 4 thế kỷ, gắn với tên tuổi một vị tướng có công lớn đối với nhà Hậu Lê.
Ngôi đền 400 tuổi thờ vị danh tướng thời Hậu Lê
Theo sử sách, Nguyễn Cảnh Hoan (1521-1576) thuộc đời thứ 5 của dòng họ Nguyễn Cảnh, là con thứ hai của Phúc khánh Quận công Nguyễn Cảnh Huy. Ông là vị tướng tài ba thời Lê trung hưng, có nhiều công trạng trong cuộc phò Lê diệt Mạc.
Khi nhà Mạc huy động các tướng giỏi và đại binh đánh vùng Thanh - Nghệ, Nguyễn Cảnh Hoan rơi vào trận địa mai phục của tướng nhà Mạc là Nguyễn Quyện, bị bắt và đem về Thăng Long. Nhà Mạc biết ông là tướng giỏi bèn tìm cách lôi kéo, mua chuộc nhưng ông một mực giữ lòng trung thành với vua Lê. Tháng 9/1576, Nguyễn Cảnh Hoan bị mưu sát tại Thăng Long.
Sau khi qua đời, ông đã được triều đình cho lập đền thờ tại xã Tràng Sơn (huyện Đô Lương). Đây là một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất của dòng họ Nguyễn Cảnh và là nơi thờ chính của Đức Thánh Thái phó.
|
Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Ảnh: Tạp chí Người Hà Nội Online. |
Sau hơn 400 năm tồn tại, đền thờ Thái phó Tấn Quốc công đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Lần gần đây nhất khởi công năm 2023. Hiện nay, trên khuôn viên hơn 13.000 m2, di tích có nhiều công trình như nghi môn, tam quan, nhà bia, hạ, trung, thượng điện, tả hữu vu, nhà lễ hội, lầu hóa vàng, nhà quản lý... Trong đền còn lưu giữ nhiều đồ tế khí và hiện vật cổ kính như long ngai, kiệu rồng, hoành phi, câu đối, sắc phong...
Về mặt tín ngưỡng, đền phối thờ 4 vị công thần tiêu biểu của dòng họ Nguyễn Cảnh: Nguyễn Cảnh Hoan, Nguyễn Cảnh Kiên, Nguyễn Cảnh Hà, Nguyễn Cảnh Quế (4 đời trực hệ).
Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 1991.
Lễ hội đặc sắc, khơi dậy truyền thống yêu nước
Nhằm tưởng nhớ Thái phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan và các vị nhân thần của dòng họ Nguyễn Cảnh đã có công “Bảo quốc hộ dân”, kể từ năm 1604, cứ 10 năm một lần, vào ngày Rằm tháng Ba âm lịch, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh cùng nhân dân trong vùng lại tề tựu về đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan để tổ chức lễ hội truyền thống “Lễ hội chay” hay còn gọi là “Thập niên sự lệ”.
|
Đám rước trong lễ hội "Thập niên sự lệ". Ảnh: Báo Văn hóa Nghệ An. |
Lễ hội này được tổ chức với rất nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa, kết tinh từ truyền thống lịch sử lâu đời. Từ khi được tổ chức lần đầu đến nay, chỉ có 3 kỳ (1954, 1964, 1974) lễ hội bị gián đoạn do chiến tranh. Sau 3 thập niên không tổ chức, đến năm 1984 dòng họ Nguyễn Cảnh lại phục hồi và duy trì “Thập niên sự lệ” cho đến ngày nay.
Kỳ lễ hội “Thập niên sự lệ” năm 2024 được diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 21/4 đến ngày 23/4 (tức ngày 13 đến ngày 15 tháng 3 năm Giáp Thìn). Nội dung phần lễ gồm lễ tế thần, lễ cầu siêu và lễ rước thần. Phần hội bao gồm các hoạt động thể thao, bóng chuyền nữ, kéo co nam…
Tâm điểm của lễ hội là phần công bố quyết định và trao bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan và chương trình nghệ thuật vào tối ngày 22/4. Được tổ chức hoành tráng, chương trình nghệ thuật tại lễ hội “Thập niên sự lệ” được xây dựng theo chủ đề “Sáng mãi bài ca truyền thống”. Chương trình có 3 chương, Chương 1: Từ cội nguồn lịch sử; Chương 2: Nơi đất lành hội tụ; Chương 3: “Thập niên sự lệ” Di sản mãi trường tồn.
|
Trao bằng công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan. Ảnh: Truyền hình Nghệ An. |
Tại buổi trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan, bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An - nhấn mạnh: Trong chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, dòng họ Nguyễn Cảnh với gần 600 năm sinh cơ, lập nghiệp đã trở thành dòng họ có bề dày truyền thống, còn lưu giữ được rất nhiều di sản quý báu trên mảnh đất Đô Lương, Nghệ An.
Trong đó, Thập niên sự lệ là lễ hội bắt nguồn từ văn hóa dân gian, nơi có sự hòa quyện giữa tín ngưỡng thờ thần và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, là dịp để nhân dân tôn vinh, tưởng nhớ công lao của Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan và nhiều thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh có công lớn trong lịch sử dân tộc.
Với lịch sử hàng trăm năm, từ một hoạt động lễ nghi của dòng họ, Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan đã dần có sức lan tỏa, trở thành một sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng. "Điều đó cho thấy, truyền thống lịch sử của dòng họ đã có sự gặp gỡ, kết hợp với yếu tố văn hóa dân gian để tạo nên ‘sản phẩm’ văn hóa đáp ứng nhu cầu tâm linh của cả cộng đồng", bà Hạnh chia sẻ.
Có thể khẳng định, lễ hội “Thập niên sự lệ” không chỉ mang giá trị tâm linh, ý thức hướng về nguồn cội, ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha ông đi trước mà còn góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dòng họ, là mạch nguồn hình thành nên văn hóa địa phương, văn hóa dân tộc.
Việc lễ hội này được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là một mốc son mới để con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh nói riêng và các tầng lớp quần chúng Nghệ An nói chung tiếp tục phát huy tinh thần hào hùng của các bậc tiên tổ, bồi dưỡng những tập quán cổ truyền tốt đẹp và xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu mạnh.
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là những di sản văn hóa phi vật thể mang tính tiêu biểu cho quốc gia. Tại Việt Nam, những di sản này được các địa phương kiểm kê, phân loại và đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố (ghi danh).
Tiêu chí lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục (theo Điều 5 Nghị định 98/2010/NĐ-CP) gồm:
- Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương.
- Phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ.
- Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài.
- Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
|