GS Roxane Gay là nhà văn, biên tập viên, nhà bình luận xã hội người Mỹ. Bà kể: “Hồi còn bé, tôi rất ghét phải nghe người khác sai bảo. Tôi phải thức dậy và đi ngủ khi bố mẹ bảo. Tôi phải làm phần việc nhà được giao, đến trường, làm bài tập và dọn dẹp phòng mình. Tôi phải thôi trêu chọc các em trai và về nhà trước khi trời tối mỗi lần ra ngoài chơi. Ở trường, các thầy cô giáo cũng bảo tôi phải làm gì và khi nào. Tôi có rất ít quyền kiểm soát đối với thế giới của mình và điều đó thật bất công”.
Đó cũng là lời mở đầu cho Cuốn sách về quyền lực: Nó là cái gì, ai có nó và tại sao? Sách do nhóm tác giả Claire Saunders, Hazel Songhurst, Georgia Amson - Bradshaw, Minna Salami, Mik Scarlet viết và hai họa sĩ Joelle Avelino, David Broadbent vẽ minh họa.
|
Cuốn sách về quyền lực: Nó là cái gì, ai có nó và tại sao? Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Những hiểu biết cơ bản về quyền lực
Với lối xưng “em” xuyên suốt nội dung, cuốn sách mang đến cho người đọc ấn tượng ban đầu về sự gần gũi, tự nhiên trong cách tiếp cận.
Ngay mở đầu tác phẩm, nhóm tác giả đưa ra những hiểu biết cơ bản về quyền lực hàng ngày. GS Roxane Gay cũng nhận ra rằng khi có cảm giác ghét bị người khác sai bảo, thực ra là mình đang ghét chính bản thân vì có ít quyền lực trong tay, nên mới chịu sự chi phối từ những “cấp quyền lực” lớn hơn.
Chia sẻ với Zing, dịch giả Kim Ngọc - người chuyển ngữ cuốn sách này - cho biết: “Quyền lực là khái niệm phổ biến đối với thế giới người lớn, nhưng không phải ai cũng hiểu biết đầy đủ về nó. Khái niệm này bao gồm những khía cạnh như nguồn gốc xuất phát, có những loại quyền lực nào, ai đang nắm giữ quyền lực, tại sao lại có sự phân chia quyền lực giữa người với người, nhóm người này với nhóm người khác, quốc gia này với quốc gia khác...”.
Theo bà Kim Ngọc, với trẻ em, thực ra khái niệm về quyền lực rất gần gũi. Chẳng hạn, trong mỗi nhóm chơi hay nhóm học của trẻ, sẽ có sự phân tầng quyền lực vì luôn có những bạn nhỏ được nể phục hơn.
Ví dụ cụ thể nhất đó là giáo viên - người có “quyền lực tối cao” trong mỗi bài giảng và hoạt động ở trường. Trẻ em luôn hiểu được việc người lớn có khả năng áp đặt mệnh lệnh lên chúng và cũng mơ hồ biết rằng trong thế giới ấy, có người sở hữu quyền lực lớn hơn những người còn lại.
Từ khái niệm quyền lực hàng ngày, cuốn sách khai thác nhiều loại hình quyền lực khác nhau, gần gũi với trẻ nhỏ, từ quyền lực trên sân chơi, ở trường, gia đình, đến các loại quyền lực chi phối xã hội, giúp các em hiểu hơn về phương thức vận hành của thế giới mình đang sống.
Phương pháp sử dụng quyền lực
Là tác phẩm dành cho thiếu nhi với câu từ, văn phong đơn giản, rành mạch, đi kèm hình ảnh minh họa nhẹ nhàng, cuốn sách không chỉ dành cho trẻ em, vì bản thân từ “quyền lực” mang tính chất của một đề tài khá rộng và phức tạp.
“Nhóm tác giả đã trình bày vấn đề một cách khúc chiết, dễ hiểu. Tôi chỉ cần bám sát những gì đã được viết ra và chuyển tải nó một cách trong sáng, sát thực nhất. Tôi tin rằng nếu có nhiều người đọc cuốn sách này, sẽ có thêm nhiều trẻ em và người lớn chín chắn, biết sử dụng quyền lực một cách khôn ngoan hơn”, dịch giả Kim Ngọc chia sẻ.
Quyền lực tốt hay xấu phụ thuộc cách thức nó được sử dụng. Trong trường hợp bố mẹ dùng quyền lực để bắt con trẻ bớt ăn bánh, kẹo hay đi ngủ đúng giờ, khi đó nó mang nghĩa tích cực. Ngược lại, nếu một người bạn đe dọa tiết lộ bí mật của ta cho mọi người biết nếu không chịu làm theo yêu cầu, đó là một loại quyền lực tiêu cực.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn đề cập những điều to lớn, liên quan cấp độ trách nhiệm xã hội, cai trị quốc gia và biến đổi thế giới. Chẳng hạn, khi trẻ nhìn vào thế giới quanh mình, biết được rác thải đang dần tàn phá môi trường, tác động tiêu cực đến các sinh vật, trẻ nên vận dụng quyền lực của mình ra sao?
“Em quyết định ngừng mua nước đóng chai. Tiếp theo, em lan truyền thông điệp của mình. Em thuyết phục gia đình và bạn bè ngừng mua các sản phẩm đóng trong chai nhựa. Ở trường, em cho cả lớp biết về chiến dịch của mình… Truyền thông vào cuộc, ngày càng có nhiều người tham gia chiến dịch. Nếu có đủ số người ngừng mua chai nhựa, các đồ đựng bằng nhựa có hại có thể bị cấm và được thay thế bằng vật liệu mới an toàn hơn”, nhóm tác giả gợi ý cách sử dụng quyền lực cho trẻ.
Tiếp đến, cuốn sách liệt kê những tấm gương trẻ em trên thế giới đã lên tiếng vận động mọi người tham gia chiến dịch mang ý nghĩa tích cực: Năm 2018, Greta Thunberg - “nhà hoạt động xã hội” 15 tuổi người Thụy Điển - đã kêu gọi hành động ứng phó với thay đổi khí hậu bằng cách cầm biển biểu tình trước tòa nhà Nghị viện của Thụy Điển. Hay cô gái người Ấn Độ 12 tuổi Payal Jangid đã đứng lên lãnh đạo “nghị viện trẻ em” trong một ngôi làng, giúp cải thiện cuộc sống, đòi lại những quyền đáng có cho các em nhỏ…
Trên tất cả, cuốn sách gửi đến độc giả nhí thông điệp: “Dù em bao nhiêu tuổi, em đều có quyền thay đổi thế giới”. Nhóm tác giả muốn đặt trẻ em làm chủ thể trong dòng xoáy quyền lực, phải luôn trau dồi tri thức để xây dựng phong cách quyền lực cho mình và hòa nhập tốt với thế giới xung quanh.
Nếu có nhiều người đọc cuốn sách này, sẽ có thêm nhiều trẻ em và người lớn chín chắn, biết sử dụng quyền lực một cách khôn ngoan hơn.
Dịch giả Kim Ngọc