Thứ chiến tranh đầy cảm tính, chưa từng có tiền lệ ấy được Svetlana Alexievich khắc họa một cách vô cùng chi tiết trong Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ (NXB Hà Nội và nhãn sách Tao Đàn, bản dịch của Nguyên Ngọc).
Đây là bản dịch đầy đủ nhất từ trước tới nay, không cắt gọt, không kiểm duyệt của chính tác giả.
Tác phẩm giúp bà được trao giải Nobel năm 2015 bao gồm loạt những câu chuyện của hàng trăm phụ nữ Liên Xô (cũ) từng đi qua Thế chiến thứ hai.
Họ là những lính bộ binh, những xạ thủ bắn tỉa, lính trinh sát, công binh phá mìn, bác sĩ, y tá, đầu bếp, thợ giặt... Tất cả đều không có một khuôn mặt cụ thể, tất cả đều không có nhân dạng.
Cuốn sách đi theo hướng phi hư cấu và có giá trị tư liệu giống như những bài báo. Svetlana Alexievich xuất phát điểm là nhà báo điều tra đã đi qua hơn 100 thành phố, thị trấn… tìm gặp, phỏng vấn gần 200 nhân vật để đưa ra một chân dung chiến tranh kỳ lạ nhất từ trước tới nay.
Hãy nhớ đến hầu hết những cuốn sách lớn về chiến tranh. Chúng đều được viết bởi các tác giả nam, lấy các nhân vật nam giới làm trung tâm. Phía Tây không có gì lạ của Erich Maria Remarque, Giã từ vũ khí của Ernest Hemingway, Những thứ họ mang của Tim O’Brien, Bẫy-22 của Joseph Heller, Lò sát sinh số 5 của Kurt Vonnegut… đều là như thế.
Trong bối cảnh này, cuốn sách của Svetlana được đặt ở một chiều kích khác, “lục địa riêng biệt của những người phụ nữ”, trong tổng thể những nỗ lực khắc họa chân dung chiến tranh và sự tàn khốc của nó.
|
Trước Svetlana Alexievich, chiến tranh là câu chuyện của đàn ông, được viết bởi đàn ông. Trong ảnh là phiên bản điện ảnh của Phía Tây không có gì lạ.
|
“Trong chiến tranh, điều tôi sợ hơn cả là những kỷ niệm tuổi thơ. Bởi vì trong chiến tranh, tốt hơn cả là đừng nhớ lại những lúc êm dịu nhất. Thắm thiết, là điều cấm. Là kiêng”.
“Cả đám hít lấy hít để mùi trên người một cô bạn vừa trở lại sau chuyến về thăm nhà”...
“Cùng chúng tôi có một nữ điện báo viên. Cô vừa sinh dậy. Đứa bé còn rất nhỏ, phải cho bú. Nhưng người mẹ không đủ ăn, thiếu sữa, và đứa bé khóc. Bọn SS ở rất gần... Với cả chó. Nếu chúng nghe được, thì chúng tôi chết hết. Cả đội. Ba chục người... Cô hiểu không? Chúng tôi có một quyết định... Không ai dám truyền đạt lệnh của người chỉ huy, nhưng tự người mẹ đoán ra. Cô nhận đứa bé địu trên người xuống nước và giữ hồi lâu... Đứa bé không còn rống lên nữa. Nó đã chết. Và chúng tôi không ai dám ngước mắt lên nữa. Về phía người mẹ, và về bất cứ người nào trong chúng tôi...".
…
(Trích Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ)
Bằng vào những câu chuyện có thể rất ngắn, những chi tiết có thể rất nhỏ, Svetlana đã dựng nên một bức tranh chân thực, đau đớn và tàn khốc của chiến tranh.
Con quái vật khủng khiếp ấy có thể chỉ xẹt qua đời một người phụ nữ hai năm, hay cũng có khi chỉ là hai tháng, hai tuần… nhưng nó đã làm số phận của họ thay đổi một cách khốc liệt, và mãi mãi.
“Ngay cả sau chiến tranh, chiến tranh vẫn là nơi cư trú của tâm hồn chúng tôi”.
Bức chân dung chiến tranh của Svetlana không dừng lại ở thời điểm năm 1945, khi chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt. Mà nó kéo dài đến tận những năm sau này, kể từ khi các cô gái lần đầu nhập ngũ còn chưa có kinh nguyệt, cho đến lúc họ đã già.
|
Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ đem về cho Svetlana Alexievich giải Nobel văn chương năm 2015.
|
Với Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, Svetlana Alexievich là nhà văn đầu tiên của Belarus được trao giải Nobel Văn học "vì lối viết phức điệu, một tượng đài tưởng niệm sự thống khổ và lòng can đảm trong thời đại của chúng ta" (theo trích dẫn của giải thưởng).
Quyết định này cũng đánh dấu một cú đột phá của chính viện Hàn lâm Thụy Điển khi trao giải thưởng cho một tác giả không có sáng tác tiểu thuyết. Tác phẩm của Svetlana Alexievich nằm trên ranh giới giữa tiểu thuyết và phim tài liệu, một thể loại chưa từng được trao giải. Chiến thắng của Svetlana Alexievich cũng đồng thời mở ra một tiền lệ cho giải Nobel, rằng không chỉ văn học hư cấu mới có giá trị.
Nhà văn Nguyên Ngọc, người chuyển ngữ tác phẩm ra tiếng Việt nhận xét: “Giá trị lớn nhất mà tác phẩm mang lại chính là từ bỏ loại văn học của những thứ to tát, lên gân giả tạo về chiến tranh (và về cuộc sống nói chung), để đến với văn học của cuộc sống thực, trần trụi. Và nhân bản”.