Các bà trong nội cung thay nhau mỗi buổi sáng, mặc áo rộng, chít khăn, đến điện Càn Thành chầu thỉnh an vua.
Vua Minh Mạng có cái lầu Minh Viễn cao 24m, thường ngày vua hay ngự lên trên đó dùng thiên lý kính nhìn quanh Kinh thành và xuống cửa Thuận An để quan sát dân tình và xem thử tàu buôn đi các nước về không. Vua cũng cho phép các bà lên trên lầu để canh chừng tàu về, bà nào báo được tin trước thì được thưởng một cây lụa hoặc một cây hàng khác, cho nên các bà đua nhau lên lầu và hướng ống thiên lý về cửa Thuận.
Đến ngày đông chí, tất cả lửa trong Tử cấm thành đều phải tắt hết. Chỉ tại điện Càn Thành nhen một lò lửa thật lớn. Đúng vào lúc nửa đêm cả tam cung lục viện mới mang lổng ấp đến điện Càn Thành để vua ban cho một ít lửa, ngụ ý rằng vua ban hơi ấm cho mọi người.
Đời sống trong nội cung có nhiều cái phức tạp và khác hẳn với đời sống bên ngoài. Ở đây không ai được phép nói một chữ gì xấu, gỡ, hoặc thô tục như đau, bệnh, chết, đui què, câm, điếc, phung hủi, máu me, v.v.. Giả sử có nuôi một bầy gà mười con mà nó chết mất ba con thì chị nô-tỳ phải trình với bà nữ quan rằng nó “vịt” hết ba con. Một cung nhân bị ốm cho về nhà dưỡng bệnh, rủi chết đi thì cũng chỉ được trình là chị ta đã đi xa rồi hoặc không còn ở nhà nữa.
Tất cả những chữ dùng về vua cũng khác với người thường: chẳng hạn vua đau thì nói là Ngài se, Ngài siết hoặc vi dạng, vi hòa. Vua ngủ là ngự ngơi, vua thức dậy là tánh, vua đi chơi là ngự dạo, vua bài tiết là canh y, v.v.. Phải làm cả một quyển tự điển mới ghi hết những chữ dùng riêng này.
Lại còn vô số chữ húy phải kiêng, ai phạm phải, nếu là nhẹ thì bị khiển trách, nếu là nặng thì bị đánh đòn hoặc giam cấm. Có trọng húy và khinh húy. Một điều khó hiểu hơn nữa làm cho đến thứ bậc cũng kiêng. Ông hoàng thứ hai, nếu còn sống thì gọi là Hoàng Hai, nhưng nếu đã chết thì phải gọi là Hoàng Hơi. Chỉn thì gọi là Chổi. Vì vậy, các bà mới vào nội, ít nhất là ba tháng đầu, không ai dám hở răng nói một điều gì cả.
Trong Đại Nội cũng không được nói hoàn toàn theo giọng Huế mà phải nói giọng Phường Đúc, nghĩa là nửa giọng Huế, nửa giọng Nam. Vì vua Minh Mạng sinh trưởng ở miền Nam, cho rằng nửa giọng Nam nhẹ nhàng dễ nghe, cho nên vua bắt ai nấy phải nói giọng lơ lớ nửa Nam nửa Huế. Nói một cách rõ ràng hơn là tất cả những chữ gì không có dấu sắc đều nói theo giọng Huế, còn những chữ có dấu sắc thì phải nói ngót ngót theo giọng Nam. Chẳng hạn muốn nói: “Anh cho tôi mượn cái thước” thì bốn chữ đầu nói như giọng Huế thường, hai chữ cuối cùng nói theo giọng Nam. Còn tại sao lại gọi là giọng Phường Đúc thì chưa được rõ. Ra ngoài thành phố, đến nhà nào nghe nói giọng này thì biết ngay là người hoàng tộc hoặc từng ở nội về. Ở Huế, khoảng mấy chục năm đầu thế kỷ, giọng nói này còn thịnh hành lắm.
Ở nội, áo quần toàn dùng màu sắc, nhất là màu đỏ và màu lục, trừ màu vàng là màu của vua. Màu đen không được dùng. Màu trắng chỉ dùng làm áo lót khi mặc áo mớ ba.
Tóc thì rẽ giữa, khi bịt cái khăn lên đầu phải để hai mái hơi vòng xuống như hình cánh cung. Bà nào trán quá cao, không để thấy hai vành tóc thì tự cho là mất hết vẻ đẹp và lấy làm bứt rứt khó chịu lắm.
Đại nội chia làm hai phần: bên đền và bên cung, bên đền lấy chữ Nhân, bên cung dùng chữ Đức: Thể nhân, Hiển nhân; Quảng đức, Chương đức. Bên đền là chỗ vua ở, bên cung là chỗ Hoàng Thái Hậu ở. Qua các thời đại, cung của các bà thay đổi tên như sau: dưới triều Gia Long là Trường Thọ, năm Minh Mạng đổi làm Từ Thọ, năm Tự Đức đổi làm Gia Thọ, năm thành Thái đổi làm Ninh Thọ. Vua Khải Định cho chữ Ninh Thọ xấu vì người ta thường có câu: Ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục, nên mới đổi ra là Diên Thọ. Mặc dầu hai chữ thọ rất khác nhau, nhưng đọc lên vẫn nghe rất chối tai.
Bên cạnh cung có Trường du tạ để cho các bà ra ngồi chơi, hóng mát hoặc câu cá. Sau ngày vua Khải Định, các bà từ bà Tân trở xuống đều phải lên ở Ứng Lăng, sau hai năm lại được về ở cung Diên Thọ phục dịch Hoàng Thái Hậu. Chiều chiều các bà lại ra ngồi Trường Du Tạ và đọc quyển Tuyết hồng lệ sử, bản chữ Hán của Từ Chẩm Á. Đây đều là những quyển sách chép tay, nhờ người chép lại.
Lại có một cái chùa với vài ni cô để các bà ngày ngày nghe tiếng tụng kinh niệm Phật cho khuây niềm tục lụy.
Sau khi mất, các bà được thờ riêng hoặc thờ chung tại một số đền thờ. Bà Đức bi Lê thị, tức là bà Đệ tam cung, mẹ của Quảng oai công và Thường tín quận vương, được thờ ở đền Đức Phi, tại xã Phú Xuân, huyện Hương Trà, bà Hiền phi Ngô thị mà ta đã từng nói đến nhiều, được thờ tại đền Hiền phi, cũng tại xã Phú Xuân, bà Gia phi Phạm thị, mẹ của Thọ xuân vương, được thờ tại đền Gia Phi, ở Đông Trì Thượng ấp ngoài kinh thành, một số đông các bà khác từ bậc Tân, Tiếp dư xuống Mỹ nhân, Tài nhân được thờ tại các đền Ý Thục ở vườn Thư Xuân, phía tây kinh thành và Lệ Thục ở vườn Thanh Phương nằm ở bờ phía tây sông Hộ Thành, trong kinh thành Diên cung tân Tống thị triều Gia Long, được thờ ngoài cấm giới lăng Thiên Thọ.
Về các việc giao thiệp giữa vua và các bà thì có thái giám và các nữ quan.
Dưới triều Tự Đức, thái giám có 70 người, một số cắt lên ở các lăng, mỗi lăng chừng ba người, còn lại thì phục dịch ở Đại nội. Thái giám có năm đẳng: Thủ đẳng, Thứ đẳng, Trung đẳng, Ái đẳng và Hạ đẳng. Một điều lạ là các thái giám cũng nhiều ông có vợ.
Các nữ quan làm việc dưới quyền của thái giám và gồm có năm bậc: Quản sự, Thông sự, Thừa sự, Tùy sự và Tùng sự. Thường thường họ là những người trong Tôn thất, những thiếu phụ góa chồng, hoặc những người chán cảnh chồng con và đều có đôi chút học thức. Nữ quan có một số nô tỳ phục dịch thuộc về Hạ đẳng và gồm có bốn hạng là Lão tỳ, Thị tỳ, Nô nhân và Nê nhân.
Sau này, tự do hơn, nên thị vệ cũng được giao thiệp với các bà, thị vệ gồm có năm đẳng, từ ngũ đẳng đến nhất đẳng. Vào khoảng cuối triều Nguyễn, thị vệ gồm có 65 người, đặt dưới quyền điều khiển của một Thông quản và một Quản lãnh. Hai chức này ngang hàng với Thượng thư và được gọi là Thị vệ đại thần.
***
Sau cùng, còn một việc này nữa, tưởng cũng nên nói luôn. Như ai cũng biết, một khi đã vào nội thì không ai còn được tiếp xúc với đàn ông nữa. Khổ nỗi các bà sống tù túng trong cung, lại thường hay đau ốm mà thầy thuốc chỉ có các quan Ngự Y, toàn là đàn ông cả mặc dầu họ đã đứng tuổi. Vậy mỗi khi có một bà bị bệnh thì phải làm thế nào? Ngày xưa thì sao không rõ nhưng ngay dưới triều Khải Định, mỗi khi có một bà đau thì bà ấy cứ nằm trong mùng, ngoài mùng còn có một bức màn nữa. Bên ngoài người ta để một cái ghế đẩu cho bà ấy thò tay ra và để lên. Một quan Ngự y có tuổi, khăn áo chỉnh tề, đến chẩn mạch, một bên có một thái giám, bên kia có một bà Quản sự đứng chứng kiến. Nhưng sợ quan Ngự y đụng đến tay bệnh nhân thì hai làn da sẽ chạm vào nhau, nên người ta đã cẩn thận lấy một mảnh lụa mỏng để quấn vào cườm tay người bệnh, rồi quan Ngự y mới ấn mấy ngón tay vào mảnh lụa ấy.
Trong phép chữa bệnh đông y có vọng, văn, vấn, thiết. Thế mà đây vọng là xem bề ngoài con bệnh ra sao cũng không, văn là nghe giọng nói con bệnh ra sao cũng không, vấn là hỏi xem con bệnh nghe trong mình đau như thế nào cũng không nốt, ta thấy các bà trong nội cung ngày xưa hay mất sớm thì cũng không lạ gì.
Trên đây là chỉ nói một phần nhỏ về đời sống các bà trong nội cung, nhưng có lẽ cũng đem lại được một ý niệm về đời sống ấy như thế nào. Bài này cũng chẳng dám có tham vọng nào hơn.